Theo Sputnik, Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Đại tướng Kenneth McKenzie - Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã có phiên điều trần trước một ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ (28/9) về kế hoạch rút quân vội vàng khỏi Afghanistan vừa qua.
Cũng cần nhắc lại rằng, chính quyền do Mỹ dựng ở Kabul đã sụp đổ sau 2 tuần kể từ khi người Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, cùng với đó là việc Taliban lên nắm quyền trở lại.
Cả ba chỉ huy quân sự cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden đều bị cáo buộc đưa ra các nhận định thiếu cân nhắc khi khuyên ông Biden giữ lại một phần binh sĩ để đảm bảo quá trình di tản ở sân bay quốc tế Kabul. Kết quả là 170 thường dân Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong một tấn công khủng bố vào sân bay ngày 26/8.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Đại tướng Mark Milley và Đại tướng Kenneth McKenzie trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 28/9 vừa qua. (Ảnh: FOX News)
Trả lời trước phiên điều trần của Thượng viện Mỹ, tướng Milley khẳng định kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan là “thành công về mặt hậu cần nhưng thất bại về mặt chiến lược”.
Chính quyền Biden đã bị dư luận cả trong và ngoài nước Mỹ cho rằng có phần vô trách nhiệm khi đưa ra một kế hoạch rút lui thiếu cân nhắc trong việc sơ tán các công dân Mỹ và đồng minh khỏi Afghanistan.
“Rõ ràng là cuộc chiến ở Afghanistan đã không kết thúc theo những điều kiện mà chúng ta mong muốn… Chúng ta phải nhớ rằng Taliban đã và vẫn là một tổ chức khủng bố và chúng vẫn chưa cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda. Tôi khá chắc rằng chúng ta đang đối đầu với kẻ thù nào”, tướng Milley phát biểu trong phiên điều trần.
Vị tướng này cho biết vẫn còn phải xem liệu Taliban có thể củng cố quyền lực hay không, hay Afghanistan sẽ tiếp tục rơi vào cuộc nội chiến khác.
Ngay trong những tháng cầm quyền đầu tiên của ông Biden, cả ba chỉ huy quân sự Mỹ đều đưa ra khuyến cáo nên giữ lại một lực lượng nhỏ khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan để chuẩn bị cho việc rút quân từng phần, tuy nhiên Tổng thống Biden đã lựa chọn rút toàn bộ quân.
Thế nhưng, trong một cuộc phỏng vấn với ABC News gần đây, Tổng thống Biden cho biết ông không nhận được lời khuyên nào như vậy từ các chỉ huy quân sự của mình.
Đặc nhiệm của Taliban tiến vào sân bay quốc tế Kabul sau khi quân đội Mỹ hoàn thành việc rút quân.(Ảnh: Marcus Yam)
Tính toán sai lầm
Cũng trong phiên điều trần cả ba nhà chỉ huy quân sự Mỹ đã bị các thượng nghị sĩ chất vấn về lý do tại sao Lầu Năm Góc không dự đoán được sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan và tại sao kế hoạch sơ tán công dân Mỹ và những công dân Afghanistan từng làm việc cho Mỹ không được đưa ra sớm hơn.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thừa nhận sự sụp đổ của quân đội Afghanistan trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến đã khiến các chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ bị bất ngờ.
“Chúng ta cần xem xét một số sự thật khó chịu rằng chúng ta đã không hiểu hết mức độ tác động của tham nhũng và lãnh đạo kém trong hàng ngũ chỉ huy cấp cao của quân đội Afghanistan, chúng ta cũng không nắm được tác hại của việc Tổng thống Ashraf Ghani luân chuyển thường xuyên không có lý do các chỉ huy quân sự của ông ấy”, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh.
Bộ trưởng Austin cũng bảo vệ quyết định của chính quyền Biden về việc đóng cửa Căn cứ Không quân Bagram vào đầu tháng 7, sử dụng Sân bay Quốc tế Kabul để thực hiện một cuộc di tản lớn sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul vào ngày 15/ 8.
“Việc giữ lại Bagram có thể đẩy 5.000 binh sĩ Mỹ vào tình thế nguy hiểm, chỉ để vận hành và bảo vệ căn cứ này… trong khi đó nó sẽ đóng góp rất ít vào nhiệm vụ mà quân đội Mỹ được giao, đó là bảo vệ khu vực đại sứ quán ở Kabul cách đó khoảng 49km”, Bộ trưởng Austin cho biết thêm.
Thiếu tướng Chris Donahue, chỉ huy Sư đoàn dù 82 của Lục quân Mỹ, là người lính cuối cùng lên máy bay rời khỏi Afghanistan vào ngày 30/8, qua đó đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến dài nhất của Mỹ sau 20 năm can thiệp quân sự tại đây. (Ảnh: Lầu Năm Góc)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giải thích sự cần thiết của việc sơ tán trước ngày 31/8 là đúng đắn khi Taliban đưa ra mốc thời gian ngày 1/9 cho Mỹ và đồng minh hoàn thành việc di tản, kéo dài kế hoạch này sẽ mối đe dọa tiềm tàng đối với quân đội Mỹ.
Tướng Milley cũng có suy nghĩ tương tự khi bảo vệ việc kết thúc việc di tản sớm, bởi hành động này kéo có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến khác với Taliban. Điều này sẽ dẫn đến thương vong đáng kể cho phía quân đội Mỹ lẫn các công dân Mỹ có mặt ở Kabul khi đó.
Cân nhắc về hậu quả từ việc rút quân khỏi Afghanistan, tướng Milley cay đắng thừa nhận rằng uy tín của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới đã tổn thất nghiêm trọng sau cuộc chiến vừa qua.