Hôm 30/7, trong một bài phỏng vấn với hãng tin ANI, Đại sứ Australia tại Ấn Độ Barry O’Farrell bày tỏ quan ngại sâu sắc với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh các hành động này gây bất ổn và leo thang căng thẳng.
Nhà ngoại giao Australia cũng nhắc tới việc Australia tuần trước gửi công hàm lên Liên hợp quốc, bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong một dòng tweet đáp trả sau đó, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông chỉ trích gay gắt tuyên bố của ông Barry, nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực là phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông và Đại sứ Australia tại Ấn Độ Barry O’Farrell. (Ảnh: TNN)
“Bình luận của Đại sứ Australia tại Ấn Độ về vấn đề Biển Đông bất chấp sự thật. Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc cũng như các quyền và lợi ích hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Việc ai là người bảo vệ hòa bình và sự ổn định, và ai là người gây bất ổn và kích động leo thang tại khu vực là rất rõ ràng", ông Tôn nói.
Phản ứng trước khẳng định này, ông Barry nhắc nhở ông Tôn về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Cảm ơn Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ. Tôi hy vọng sau đây ông sẽ tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông, vốn là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc theo luật quốc tế, đồng thời kiềm chế các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng", ông Barry viết trên Twitter.
Nhưng cũng chỉ vài giờ sau đó, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ tiếp tục đăng đàn trên Twitter, khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 là “phi pháp, vô hiệu, không có giá trị và hiệu lực ràng buộc”.
"Trung Quốc không chấp nhận cũng không công nhận nó. Chúng tôi hy vọng những quốc gia không có yêu sách chủ quyền có thể đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực hơn là làm điều ngược lại", ông Tôn nói.
Trong phán quyết đưa ra năm 2016, Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả đường 9 đoạn do nước này tự vẽ và cái gọi là chủ quyền lịch sử là không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ phán quyết này, đồng thời gia tăng những hành động khiêu khích ở Biển Đông trong những năm gần đây.