“Nếu tôi là cử tri Mỹ, tôi phải xác định tôi là ai. Nếu tôi là công nhân, nhất là các công nhân cơ khí thất nghiệp, tôi chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Còn nếu là chiến lược gia, muốn vị thế nước Mỹ ở bên ngoài được tăng cường, tôi phải cân nhắc lại việc bỏ phiếu cho ông Trump” - Đại sứ Phạm Quang Vinh nói với VTC News.
Năm 2016, rất ít người ngờ được ông Trump sẽ đứng ra tranh cử, chứ đừng nói đến chuyện có thể giành điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến, thắng được các cuộc bầu cử sơ bộ, được bầu làm ứng viên của đảng Cộng hòa để rồi đánh bại ứng cử viên nặng ký của đảng Dân chủ Hillary Clinton để trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Kể từ đó, cuộc đối đầu nảy lửa giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chưa bao giờ nguội tắt. Trung tâm của cuộc đối đầu đó luôn là ông Trump và các hành động của ông. Tinh thần đảng phái đó có lẽ được thể hiện rõ nhất trong các cuộc bỏ phiếu luận tội và tha bổng của hai đảng.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, tới cuối năm nay, năm 2020, sẽ lại là một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nữa. Và cuộc đua, sự đối đầu có lẽ sẽ còn rất căng thẳng và kịch tính. Đâu là yếu tố khiến ông Trump có thể đứng vững trước tất cả sóng gió đó, và điều gì đang thực sự xảy ra bên trong nền chính trị Mỹ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh tóm gọn: Thực sự trong lòng cử tri đang chuyển hóa, cơ cấu (cử tri) nước Mỹ chuyển hóa, dân đang cần cơm ăn áo mặc hàng ngày.
- Thưa ông, đâu là yếu tố đưa ông Trump đến chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016? Và liệu chiến thắng của ông Trump có phải sự thể hiện rằng: cử tri Mỹ quá mệt mỏi chán nản với những lời hứa của các chính trị gia, quá chán ghét Dân chủ nên lựa chọn 1 người không có kinh nghiệm chính trị?
Nhìn lại cuộc bầu cử 2016, toàn bộ thăm dò dư luận, đánh giá của các nhà nghiên cứu đều cho rằng cửa của Hillary là cao hơn. Bây giờ nhìn lại có thể thấy vài yếu tố.
Một là, nước Mỹ thay đổi từ chính trong lòng nước Mỹ, do một quá trình mở rộng chính sách đối nội, đối ngoại, khoảng cách kinh tế giàu nghèo trong lòng nước Mỹ nới rộng và có rất nhiều bộ phận không nhận được lợi ích của mình trong sự phát triển kinh tế của nước Mỹ, cũng như trong sự mở rộng hoạt động đối ngoại, bao gồm cả thương mại, kinh tế của nước Mỹ ra bên ngoài.
Hai là, sự phân hóa trong lòng nước Mỹ không chỉ là cách biệt giàu nghèo, mà từ vấn đề kinh tế chuyển sang phúc lợi xã hội và vị trí địa kinh tế của các công dân Mỹ.
Trong lòng nước Mỹ, những khu vực mà có sự chuyển đổi rất lớn do thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu được thể hiện rất rõ. Nếu nước Mỹ trước đây dựa vào sự phát triển của cơ khí, chế tạo, đến giờ Mỹ dựa nhiều vào dịch vụ, công nghệ. Chính vì vậy, những bộ phận mà người ta gọi là "Vành đai gỉ sét" Rust Belt, là vùng trước đây rất thịnh vượng về công nghệ chế tạo cơ khí thì hiện nay lại nghèo nhất.
Qua cuộc bầu cử năm 2016, cơ cấu cử tri trong lòng nước Mỹ đã khác. Hầu hết cứ tưởng rằng, sự phân hóa về mặt cử tri giữa Cộng hòa và Dân chủ tương đối rõ ràng, người ta chỉ tranh thủ bộ phận người da màu, nhập cư, phụ nữ hay những bộ phận trung dung, giờ người da trắng trước đây giàu có nhờ cơ khí thì giờ lại nghèo. Ông Trump đánh vào vùng đó.
Đó là câu chuyện nước Mỹ, nhưng nhìn lại cũng thấy được câu chuyện của ông Trump. Ông Trump đánh trúng vào những cái đời thường nhất của người dân. Giờ nước Mỹ phải quay lại lợi ích của nước Mỹ, không việc gì Mỹ phải chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ gánh nặng ở đâu đó trên thế giới cả về chính trị, an ninh, quân sự.
Mặc dù học thuyết của nước Mỹ là đối nội gắn chặt với đối ngoại, nếu một người nhìn ở tầm chiến lược thì nước Mỹ đang có vai trò đứng đầu thế giới thì phải lãnh đạo thế giới, nhưng cách nhìn của ông Trump khác là mọi thứ phải giành về cho nước Mỹ.
Ông ấy nhìn lại toàn cầu hóa và thương mại quốc tế. Nói Trump đi vào chủ nghĩa bảo hộ thì không hoàn toàn như vậy, ông ấy vẫn thúc đẩy quan hệ thương mại, thúc đẩy tự do thương mại, nhưng với các điều kiện cụ thể là Mỹ phải có lợi.
Khẩu hiệu tranh cử của Trump rất sát, “Nước Mỹ trên hết, giành lại công ăn việc làm cho nước Mỹ, và chống nhập cư bất hợp pháp”. Khẩu hiệu đó là dân túy, đánh vào lòng dân. Cũng có những cử tri Mỹ họ bỏ phiếu cho Trump không phải là thích ông mà là do họ không thích bà Hillary Clinton. Thực sự trong lòng cử tri đang chuyển hóa, cơ cấu nước Mỹ chuyển hóa, dân đang cần cơm ăn áo mặc hàng ngày.
Kể từ khi Trump lên nắm quyền, ông tháo gỡ tất cả rào cản thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các tập đoàn lớn, giảm thuế doanh nghiệp, bỏ nhiều chi tiết trước đây như quy định về môi trường, biến đổi khí hậu. Ông Trump nói là làm thật, như xây bức tường biên giới, cắt giảm thuế gỡ bỏ chính sách với doanh nghiệp, thương lượng lại các hiệp định bất lợi với Mỹ...
Ông Trump không thoái lui trước dư luận xã hội, kiên định đi theo đường hướng của mình, trong khi vẫn giữ cái cốt của mình nhưng vẫn tranh thủ dư luận, tranh thủ sự ủng hộ của hai đảng, của báo chí. Nhiều người nói Trump không có một chiến lược dài hạn, nhưng nhìn lại đến bây giờ, ông làm được rất nhiều việc hướng đến tầm nhìn dài hạn như an ninh quốc gia, Ấn Độ-Thái Bình Dương, vũ khí hạt nhân, thương mại.
Năm 2016, ông Trump như một "Tổng thống from nowhere" (từ trên trời rơi xuống), vượt qua hơn chục cái tên của đảng Cộng hòa. Có lẽ từ lúc đó đã manh nha một cái gì đó.
- “Cái cốt” mà ông vừa nói có phải là một yếu tố thu hút cử tri của ông Trump?
Nhìn nhận Donald Trump một cách tổng thể, cũng phải thấy ông nói, ông hứa và ông làm, nhưng với tính cách của ông, nước Mỹ phân hóa ngày càng sâu sắc. Nhìn qua quá trình luận tội Tổng thống, thông điệp liên bang, có thể thấy rõ điều đó. Rất ít vấn đề có được sự ủng hộ từ cả hai đảng, ngoại trừ việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới.
Những người ủng hộ ông Trump là lực lượng cử tri nòng cốt, họ tin vào ông và vẫn giữ vững ở mức 38-40% sau khi ông đắc cử và giờ còn tăng lên tới 49%. Có những tranh cãi trong đảng Cộng hòa nhưng ông Trump vẫn rất được ủng hộ.
- Ông Trump không chỉ tranh cử chống lại đảng Dân chủ, mà còn chống lại quyền lực ngay trong đảng Cộng hòa. Thái độ không cần ai hết của ông Trump có phải đã thể hiện được sự độc lập và vị trí người ngoài cuộc tại thời điểm mà nhiều người dân Mỹ bất mãn với Washington?
Năm bầu cử này không chỉ bầu Tổng thống mà còn bầu lại Hạ viện và 1/3 Thượng viện. Tại sao ông Trump tác động được vào nội tại đảng Cộng hòa? Ai cũng cần cử tri, và tại những nơi cử tri ủng hộ ông Trump trong quá trình bầu cử thì bản thân thượng, hạ nghị sĩ khu vực này cũng phải nghe ngóng, điều chỉnh chính sách trong ứng xử với Trump. Sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đảng buộc đảng Cộng hòa tụ hội lại.
Ở nước Mỹ, ai được bầu thì người đó lãnh đạo chứ không có cơ chế cứng. Nói là ông Trump không thay đổi không phải, ông thay đổi nhiều như vấn đề Obama Care: quyết tâm triệt hạ, không triệt hạ được quay trở lại bình thường và giờ lại dấy lên trong cuộc bầu cử năm nay. Hai là cấm nhập cư: cấm hẳn nhưng trước sự không hợp tác của đảng Dân chủ buộc phải cấm nửa vời với một phần bức tường biên giới.
Chưa bao giờ vai trò của đảng Cộng hòa lại giảm như hiện tại trước thế của ông Trump: họ phải chạy theo và ủng hộ, và nền tảng của đảng Cộng hòa không còn như cũ, giờ cũng phải chạy theo Trump!
- Cuộc điều tra về việc sử dụng email cá nhân của bà Hillary Clinton – đối thủ chính của ông Trump – vào đúng thời điểm hai bên đang có kết quả thăm dò bám sát nhau có ý nghĩa thế nào? Có phải có động cơ chính trị trong cuộc điều tra?
Khi đã vào tranh cử mọi thứ đều có lý do chính trị. Nhưng cái chính là có vượt qua được không. Có chao đảo ban đầu trong tỷ lệ ủng hộ bà Hillary nhưng sau đó lại quay trở lại. Niềm tin của cử tri đối với ứng cử viên có liên quan tới vấn đề đạo đức nhưng cũng có các xu hướng chính sách.
Tôi nghĩ có tác động nhưng không phải yếu tố lớn nhất khiến bà Hillary thất cử. Có lẽ đường hướng chính trị là lý do chính: cách tiếp cận người dân theo đường hướng cũ nhiều thập kỷ vừa qua không phù hợp khi cơ cấu cử tri thay đổi.
Nước Mỹ khi có một gương mặt mới, họ nhận thấy sự hưng phấn mới từ một người đứng ngoài chính trị như ông Trump. Cử tri muốn thay đổi điều đang xảy ra trong chính trị Mỹ.
- Mặc dù là tỷ phú nhưng ông Trump chi cho chiến dịch tranh cử 2016 chỉ bằng nửa bà Clinton (430 triệu USD so với 900 triệu USD), cùng một loạt quyết định đi ngược lại với tôn chỉ làm thế nào để thắng cử Tổng thống, nhưng ông Trump lại là người giành chiến thắng cuối cùng. Vậy đâu mới là tôn chỉ chuẩn để thắng cử Tổng thống ở Mỹ?
Chi phí tranh cử là chi phí vận động tuyên truyền với người dân. Ông Trump chi ít tiền nhưng đảng Cộng hòa vẫn phải chi. Tính cách của ông Trump và mạng xã hội tạo ra cách tiếp cận khác biệt. Thực tế chi phí vận động tranh cử chưa ai có thể tính hết. Người ta không thể nắm rõ được Trump Organization đã chi bao nhiêu chứ không phải chỉ trong quỹ vận động tranh cử.
- Từ khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump vượt qua tất cả các scandal: từ bạo lực với phụ nữ đến gây sức ép lên Ukraine, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, luận tội... “Vũ khí” của ông Trump là gì?
Bất cứ scandal nào phải có 3 yếu tố: đạo đức, pháp lý và chính trị. Khi yếu tố đạo đức, pháp lý không vững thì chính trị quyết. Đâu đó có tin đồn như Nga can thiệp, nó chưa đủ căn cứ. Hay trong luận tội, như đảng Cộng hòa nói có gì đó sai sai nhưng không đến mức phế truất mà đảng Dân chủ lại đẩy lên quá mạnh.
- Một nghiên cứu cho thấy là, hầu như các Tổng thống đương nhiệm giữ được mức tăng trưởng kinh tế Mỹ trên 2% đều giữ được ghế ở nhiệm kỳ 2. Thành tựu kinh tế có ảnh hưởng thế nào đến kết quả các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?
Kinh tế chỉ là một phần. Khi nước Mỹ đi vào tranh cử, mọi vấn đề đều là đối nội. Sự hài lòng của người dân là cơm ăn áo mặc. Kinh tế là thước đo rất lớn về sự hài lòng của người dân, kinh tế phát triển, phúc lợi, công ăn việc làm cũng được kéo lên theo.
Nhìn về kinh tế, thành tích cao nhất của Trump là 2,9%. Trước khi ông Trump lên nắm quyền, đà tăng trưởng vẫn luôn được giữ vững. Nhiều người nói ông Trump được hưởng lợi từ đó và khi ông Trump lên tạo hưng phấn mới. Có cả thành quả của ông, nhưng cũng có thừa kế. Nhìn vào thực tế, đang nắm quyền mà kinh tế khả quan là điều tốt. Kinh tế phát triển, tỷ lệ thất nghiệp thấp là rất tốt.
Nhưng để thắng tranh cử, cần nhìn thêm sang đảng Dân chủ. Thông thường hết nhiệm kỳ thứ nhất sang nhiệm kỳ thứ hai, không một Tổng thống nào không duy trì được đà tăng trưởng. Do đó phải xem thêm ứng viên đảng Dân chủ liệu có đưa ra lựa chọn nào đó để dân tin tưởng không.
- Các chính sách đối ngoại của ông Trump tác động đến hình ảnh của ông như thế nào trong mắt cử tri? Các chính sách này thực hiện rất tốt cam kết tranh cử của ông Trump: Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. Đây có phải là điểm cộng của ông?
Chính sách đối ngoại là câu chuyện đang gây tranh cãi trong lòng nước Mỹ. Nếu đứng từ góc độ truyền thống lâu nay của Mỹ thì lợi ích, vai trò lãnh đạo của Mỹ, quan hệ đồng minh, hệ thống đồng minh, quan hệ với đối tác, duy trì giá trị của Mỹ trong quan hệ với các nước, duy trì vai trò lãnh đạo của nước Mỹ không chỉ thông qua sức mạnh bản thân nước Mỹ mà còn qua đồng minh, hệ thống trật tự quốc tế.
Rất nhiều người nói ông Trump đang phá hết. Đó là một tranh luận. Cũng có ý kiến nói nước Mỹ đang cài đặt lại các quan hệ đối ngoại. Theo cam kết, chủ trương của Tổng thống Trump thì ông đã làm được rất nhiều như cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc, cài đặt lại NAFTA, bỏ TPP, rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu.
Cũng có cách tranh luận thứ ba: Nước Mỹ được gì? Nhìn nhận lại, những gì Trump cam kết về chính sách đối ngoại đã thực hiện, nhưng các đánh giá trong lòng nước Mỹ lại khác nhau.
Như Trung Đông, có lẽ không người nào nghĩ nước Mỹ sẽ bỏ qua căn bản nhất trong nguyên tắc của Trung Đông là đổi đất lấy hòa bình và đi theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bây giờ Mỹ bỏ.
Còn như Triều Tiên, ông Trump tiếp cận trực tiếp với ông Kim Jong-un nhưng nhiều người hoài nghi, liệu nỗ lực của ông Trump đã đi tới đâu hay chưa. Trong quan hệ Mỹ với đồng minh, các Tổng thống trước từng đánh tiếng kêu gọi đồng minh chia sẻ trách nhiệm, đặc biệt là về chi phí an ninh nhưng chưa ai làm quyết liệt như ông Trump.
Quyết liệt tới mức mạng lưới của Mỹ với đồng minh theo giá trị phương Tây cũ dường như cũng tan rã. Nước Mỹ đang đánh đổi giữa cái này và cái kia. Từ ông Trump có thể thấy đây là một tiếng nói cảnh báo nước Mỹ cần điều chỉnh, trong nội tại nước Mỹ, trong chính sách của mình với thế giới.
Tuy nhiên nhìn lại các lời hứa của ông Trump, đó là lời hứa với các cử tri nòng cốt. Ông hứa với các cử tri đó, các cử tri đã bầu ra mình, chứ không giành được thêm các cử tri khác. Nước Mỹ dưới thời ông Trump có điều chỉnh lớn về chính sách đối ngoại, nhưng nước Mỹ rất ít khi dùng đối ngoại để tranh cử, thậm chí khi tranh cử người ta quên mất vấn đề đối ngoại.
Đôi lúc đối ngoại có thể cũng phục vụ cho tranh cử. Nhưng trong thời gian nhạy cảm hiện tại, ông Trump có thể sẽ hạn chế các thỏa thuận đối ngoại, bởi muốn đưa ra một đề xuất nào, ông Trump cần phải giải thích được Mỹ đang trên phân và giành lợi thế. Nhưng cũng có thể ông sẽ áp dụng quyết sạch ngược, tức là gia tăng trừng phạt để chứng minh mình là Tổng thống mạnh mẽ.
Ở Mỹ, khoảng 40% ủng hộ Trump, tức là 60% chưa lên tiếng, trong số này 20-30% kịch liệt chống lại. Ông Trump thắng cử từ tiếng nói thầm lặng của những người không nói.
- Đảng Dân chủ thất bại trong việc luận tội Tổng thống mang lại lợi thế cho ông Trump trong cuộc bầu cử tới?
Còn quá xa để tác động. Nhìn lại lịch sử, những người đi luận tội đều bị thiệt hơn. Cuộc luận tội vừa rồi không thuyết phục được cử tri Mỹ mà chỉ làm cho các nhóm nòng cốt càng thêm đối nghịch nhau trong lòng một nước Mỹ ngày càng phân hóa.
- Vì sao kịch bản Thượng viện sẽ tuyên vô tội với ông Trump được dự báo trước, đảng Dân chủ vẫn “cố đấm ăn xôi”?
Sự bất đồng giữa Trump và đảng Dân chủ là rất lớn, thì đó là câu chuyện muốn hạ bệ nhau. Thứ hai, có những sự việc xảy ra thật nhưng cách nhìn nhận của hai đảng là khác nhau. Thứ ba, dường như mọi người quên áp lực đặt lên Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là rất lớn.
Bà Pelosi từng không muốn nhưng lời tố cáo của người thổi còi là giọt nước tràn ly buộc bà phải bước tiếp. Câu chuyện luận tội gắn vào cuộc đấu giữa hai đảng làm rối rắm mọi thứ. Đây là cuộc đấu chính trị, câu chuyện đạo đức, pháp lý không còn.
- Cuộc đối đầu chính trị Dân chủ-Cộng hòa trong nền chính trị Mỹ sẽ ra sao?
Dân chủ là giá trị Mỹ, chào đón những người cần tìm những nơi tốt hơn. Ông Trump tận dụng cái đó để đẩy cái mình muốn, nhưng lại muốn phản bác, đóng cửa với những cái khác. Thực tế đó là sự đối đầu xã hội và giảm chi phí cho sản xuất. Đảng Cộng hòa hướng chính sách vào các tập đoàn lớn để đưa kinh tế Mỹ đi lên, trong khi đảng Dân chủ dành một phần ngân sách nào đó cho nhân dân.
Bất cứ cuộc tranh cử nào cũng là sự khác biệt giữa chính sách đối nội, đối ngoại. Đảng Dân chủ quan tâm hơn tới phúc lợi, giáo dục, y tế của người dân, thu thuế người dân cao. Đảng Cộng hòa hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn phát triển, kéo cả nền kinh tế lên, từ đó cắt các chi phí phúc lợi, tăng chi phí doanh nghiệp để giảm cạnh tranh.
Về đối ngoại, có những chính sách mà 2 đảng đối đầu gay gắt như Trung Đông hay Triều Tiên, nhưng cả hai đều thống nhất kiềm chế Trung Quốc mặc dù không thống nhất cách tiếp cận. Hai đảng cũng thống nhất cài đặt lại NAFTA và phê chuẩn ngân sách.
- Việc đảng Dân chủ chưa tìm ra được gương mặt ứng viên nặng ký để có thể đối đầu với ông Trump có phải là dự báo về chiến thắng dễ dàng của ông Trump trong cuộc bầu cử tới? Liệu có bất ngờ nào khác từ các ứng viên của đảng Dân chủ không thưa Đại sứ?
Khi có một người độc tôn, cho thấy trào lưu chính của bộ phận đảng đó tương đối thuần, nhưng không nhất thiết mang lại lợi thế trong tranh cử. Tôi dự đoán đảng Dân chủ sẽ nhanh tìm được gương mặt đối đầu với ông Trump. Nhưng nhìn vào những cuộc bầu cử sơ bộ vào họp kín gần đây có thể thấy Đảng Dân chủ chưa có ai bứt phá và bản thân đảng Dân chủ cũng đang phân vân.
Nhìn lại các cuộc bầu cử trước, trước khi được đề cử, người ta không biết các ông Obama, Bill Clinton, Kennedy là ai. Vào lúc này, không loại trừ khả năng đảng Dân chủ sẽ xuất hiện nhân tố đột biến, làm tính năng động của cuộc bầu cử nước Mỹ khác đi, nhưng sẽ không giống như năm 2016.
Nội bộ đảng Dân chủ hiện tại: Có Sanders nổi lên, nhưng chủ thuyết cực tả, có lẽ Dân chủ không muốn. Một người không mấy tiếng tăm như Pete Buttigieg chiến thắng ở Iowa, Biden thì mờ nhạt, không biết trong lòng đảng Dân chủ đang có gì. Một người khác đang đứng ngoài cuộc là tỷ phú Bloomberg, dù từng rất được kỳ vọng nhưng chưa tham gia bất cứ cuộc tranh luận nào.
Đảng Dân chủ hiện tại đang cố tìm cách đánh vào nhóm nòng cốt ủng hộ ông Trump, nhưng chưa tìm được cách. Do đó cả họ và đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục đánh mạnh vào các bang dao động, đặc biệt là những nơi 50:50, nhưng xác định nơi nào là 50:50 lại khác trước đây. Chắc chắn nếu bầu cử, ông Trump không thể đánh vào các bang New York hay California vì các chính sách nhập cư, chính sách thương mại của ông. Dân chủ cũng vậy, họ sẽ mất phiếu ở “Vành đai gỉ sét” và Florida.
Vốn lâu nay Dân chủ dựa vào tầng lớp nhập cư, phụ nữ, người da màu. Ông Trump giờ khoét sâu cả vào bộ phận đó. Thực tế đảng Dân chủ vẫn đang theo lối mòn của các cương lĩnh cũ và chưa có mấy đột phá, do đó phải chờ xem các cuộc tranh luận có tìm kiếm được một ứng viên nào đó đưa ra các yếu tố đột phá không. Đảng Dân chủ chỉ duy trì như hiện tại chắc chắn sẽ gặp rất nhiều bất lợi.
- Giả sử ông Trump đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, tình hình thế giới có gì thay đổi, đặc biệt là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và tình hình Trung Đông, khi giới chuyên gia nhận định ông Trump đang có một số “bước lùi” để nhẫn nhịn qua bầu cử?
Sau 3 năm Trump định hình khá rõ chính sách của mình. Câu chuyện cài đặt lại bên trong và bên ngoài cũng rất rõ. Bên trong, ông Trump sẽ không cần lắm sự ủng hộ của cả hai đảng mà buộc đảng bên kia phải theo.
Ông Trump sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp từ giảm thuế cho tới xây dựng hạ tầng, cắt giảm chính sách ràng buộc các doanh nghiệp. Ông Trump sẽ phá tiếp các chính sách phúc lợi còn tồn đọng từ thời Obama.
Về đối ngoại, những gì làm ăn với Mỹ, Mỹ sẽ phải hưởng lợi, người khác phải chia sẻ, nhưng không dẫn tới triệt tiêu hoàn toàn quan hệ của Mỹ với các nước. Thứ hai, về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, ông Trump nhìn nhận khác: duy trì vị trí số một của Mỹ nhưng ông Trump đang cài đặt lại quan hệ với đồng minh, nhìn nhận lại giá trị của nước Mỹ trong quan hệ với các nước.
Ông Trump sẽ phải tính lại gắn kết hơn với đồng minh sau một thời gian chia rẽ, nhưng cũng có thể tiếp tục khoét sâu vào quan hệ này để buộc các đồng minh phải san sẻ thêm.
Với Trung Quốc, ông Trump theo đuổi không để Trung Quốc soán ngôi nhưng không hướng tới triệt tiêu nhau, dẫn tới các thỏa thuận từng giai đoạn và chừng nào còn chưa hài lòng với nhau, chừng đó còn cạnh tranh. Với Ấn Độ-Thái Bình Dương, Trump sẽ chiếu theo quan hệ với Trung Quốc.
Với Trung Đông, ông Trump xác định được các đồng minh chủ chốt. Ngày xưa cốt gốc của Mỹ với Trung Đông là dầu mỏ, thì giờ đây Mỹ đã không còn quá phụ thuộc. 10 năm qua các nhân tố lên xuống trong bản thân khu vực này cũng rất nhiều.
Trong những năm cuối nhiệm kỳ, các Tổng thống thường có các quyết sách để đạt được các mục tiêu của mình. Như ông Obama, đến cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông mới mở lại quan hệ với Cuba. Với tính cách của Trump, có thể có 2 hướng, hoặc cực đoan hoặc hòa hoãn hơn. Nhưng dường như những cái cực đoan thì đã cực đoan rồi, vậy thì liệu có phải tới đây là thời cơ cho các thỏa thuận nhất định không.
Tôi nghĩ ông Trump có 80% tái đắc cử. Trước nay, thăm dò dư luận không tiếp cận được bộ phận họ không thăm dò. Lâu nay cứ nghĩ thăm dò đại thể nhưng thực chất chỉ là thăm dò đại diện. Bộ phận không nói mới là bộ phận quyết định.
Đại sứ Phạm Quang Vinh
* Tháng 9/1980: Bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao
* 2 nhiệm kỳ tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (New York); 1 nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, Thái Lan
* 1995: Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế - Bộ Ngoại giao
* 1/2007 - 9/2008, Phó Vụ trưởng, sau đó là Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế - Bộ Ngoại giao. Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam.
* 9/2008 - 9/2011, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam.
* 9/2011 - 7/2014: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách quan hệ của Việt Nam với các quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam.
*11/2014 - 6/2018: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ