Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) - nổi tiếng là người cởi mở, đối thoại thẳng thắn với những người Việt chống Cộng khét tiếng ở nước ngoài.
Với sự thẳng thắn, cương trực, khả năng thuyết phục và đặc biệt là sự chân thành, thuyết phục bằng thực tế đổi mới phát triển từng ngày của đất nước, ông đã cảm hóa, giúp nhiều nhân vật chống Cộng sừng sỏ, thậm chí từng về nước thực hiện hoạt động khủng bố, nhận ra sai lầm của mình.
Từ những người mang tư tưởng hằn học, họ đã “lột xác” thành người có cảm tình với đất nước, ủng hộ mặt tốt đẹp, tích cực; chia sẻ những gì còn tồn tại mà cả nước đang đồng lòng chung tay giải quyết. Trong số đó có Luật sư Hoàng Duy Hùng, từng là Nghị viên thành phố Houston (Texas, Hoa Kỳ).
Được gặp gỡ, được thuyết phục, nể trọng tình cảm chân thành của Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cùng với chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước, ông Hoàng Duy Hùng đã trở thành người có cảm tình đặc biệt với đất nước. Ông nhiều lần về nước, được gặp gỡ nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang…
Trước thềm kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Thanh Sơn đã dành cho báo điện tử VTC News cuộc trò chuyện và sau đó, qua câu chuyện của ông chúng tôi cũng đã liên lạc, gặp gỡ được nhiều người để họ tâm sự về con đường trở lại với đất nước, dân tộc mình.
- Động lực nào khiến ông kiên quyết thuyết phục những người Mỹ gốc Việt chống Cộng để họ thay đổi tư tưởng, trở về với quê hương đất nước?
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Trước hết, phải khẳng định Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2006 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như kim chỉ nam để chúng tôi vững tâm làm việc.
Tôi luôn tâm niệm cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là cánh tay nối dài của đất nước ra các nước trên thế giới. Sau năm 1975, đất nước của chúng ta được thống nhất thì một bộ phận những người dân Việt Nam, đặc biệt là những người làm việc trong chính quyền Sài Gòn, đã di tản sang các nước để có cuộc sống mới.
Họ ra đi, đem theo hận thù và hận thù đó, rất đáng tiếc, được nuôi dưỡng bởi sự không hiểu về chúng ta, bởi những tuyên truyền sai lệch về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Sự sợ hãi đó gây nên nhiều thiệt thòi cho bà con.
Khi được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài tháng 12/2007, tôi xác định Nghị quyết 36 chính là nền tảng pháp lý để mình thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng, đó là cầu nối giữa đồng bào trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài.
- Đường đi đã có, nhưng cần lắm sự dũng cảm đột phá, thưa ông?
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Xác định được như vậy, chúng tôi nghĩ cần phải có đột phá trong công tác với người Việt Nam ở nước ngoài. Muốn đưa bà con trở về với cội nguồn mạnh mẽ, đông đảo và thật tâm thì phải cảm hóa số chống Cộng cực đoan.
Số chống Cộng lúc đó còn rất nhiều, và có những đầu sỏ rất tích cực, có hận thù có thể nói là rất khó gột rửa trong tâm trí của họ. Tôi nghĩ nếu không có sự dũng cảm đột phá, không có sáng tạo, năng động thì không thể làm được.
Trước hết từ cái tâm của mình. Mình coi bà con, kể cả những người chống Cộng cực đoan, cũng là dòng giống, máu mủ ruột thịt của mình. Nếu để họ ôm hận suốt đời và chống đối lại, trước hết thiệt thòi cho họ, nhưng đồng thời cũng thiệt thòi đối với đất nước.
Đó là vì chúng ta không tranh thủ được nguồn lực rất to lớn từ bên ngoài trong lúc đất nước đang cần kể cả vốn, kể cả trí tuệ và sự hợp tác từ bên trong lẫn bên ngoài. Không có lý gì chúng ta lại bỏ qua những năng lực rất tiềm tàng của hơn 4 triệu người Việt Nam, trong đó có cả những nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà văn hóa… nổi tiếng ở nước ngoài. Chính vì vậy, cá nhân tôi cũng cảm thấy rất thôi thúc.
Nghị quyết 36 được ban hành từ năm 2004, đến khi triển khai chúng tôi thấy đối với bà con, đặc biệt là những người còn tư tưởng hận thù, thì trước hết mình phải chân thành, yêu thương, coi họ như anh em ruột thịt của mình.
Xuất phát từ tình cảm chân thành, cộng với sự dũng cảm, năng động sáng tạo mà thực hiện Nghị quyết thì sẽ thành công. Những năm đó, kết quả thực hiện Nghị quyết 36 được bà con ghi nhận rất thành công.
- Trong quá trình vận dụng Nghị quyết 36, theo chúng tôi được biết thì có những người ông đã thuyết phục hết sức thành công, chẳng hạn như nhân vật Hoàng Duy Hùng...
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Không phải chỉ riêng luật sư Hoàng Duy Hùng, mà trong số những người Việt Nam ở nước ngoài rất nhiều người có tư tưởng cực đoan chống lại Nhà nước Việt Nam, chống lại đường lối chính sách hội nhập với thế giới của chúng ta. Nhưng chúng tôi có sự lựa chọn!
Một số người đặt câu hỏi tại sao không tập trung vào một số nhân vật lãnh đạo trước đây, ví dụ: Nguyên Thủ tướng hay Phó Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, hoặc một số tướng lĩnh mà lại tập trung vào một số nhân vật có vẻ như không có tên tuổi gì lắm. Còn chúng tôi lại nghĩ “tướng mà không có quân thì cũng vô hiệu”.
Chúng tôi tập trung vào những người trực tiếp tổ chức mạng lưới cộng đồng hải ngoại chống Cộng, chống đối Nhà nước Việt Nam để có kế hoạch cảm hóa tiếp xúc. Trong số những nòng cốt tích cực trong cộng đồng chống Cộng cực đoan ở bên ngoài, nổi cộm lên là Hoàng Duy Hùng - người từng lãnh đạo nhiều tổ chức chống Cộng lớn ở Hoa Kỳ, nghị viên của thành phố Houston (tiểu bang Texas).
Hoàng Duy Hùng đã nuôi hận thù từ năm 13 tuổi khi ra đi và từng 2 lần về Việt Nam để tìm cách tiến hành các hoạt động khủng bố. Anh ta có tư tưởng của một người được đào tạo cơ bản ở Mỹ, đồng thời lại là một nhà hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Qua báo cáo, cá nhân tôi nghĩ mình sẽ tiếp cận Hoàng Duy Hùng trước.
Trong đợt công tác sang Mỹ, rất tiếc tôi lại không gặp được Hoàng Duy Hùng. Tôi gặp Nguyễn Ngọc Lập đầu tiên. Lập là người rất tích cực kích động biểu tình, gây các hận thù chống đối chia rẽ đất nước chúng ta. Tiếp đó là một số nhân vật khác nữa. Sau khi tiếp xúc với tôi, họ đều có những biến chuyển tốt.
Tôi với Nguyễn Ngọc Lập, sau 2 tiếng chia sẻ ở khách sạn, thì anh ta bắt đầu có thái độ bâng khuâng, chững lại. Sau lần thứ hai gặp tôi thì Nguyễn Ngọc Lập hoàn toàn bị tôi thuyết phục về thực tế của đất nước và những vấn đề chúng ta đang hội nhập tạo nên những điều có lợi cho cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Video: Chiếc cravat gợi nhớ về nguồn cội
- Thưa ông, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện về luật sư Hoàng Duy Hùng…
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Năm 2012, lần đầu tiên tôi gặp riêng Hoàng Duy Hùng tại nhà anh ấy. Trong nhà Hoàng Duy Hùng có treo cờ vàng ba sọc. Khi gặp Hùng, với tấm lòng chân thành, tôi trao đổi rất nhiều vấn đề về lĩnh vực mình đang phụ trách. Buổi gặp kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Hùng nêu ra những vấn đề gai góc để chúng tôi trả lời và sau đó anh ấy mời chúng tôi ăn tối.
Có thể nói tư duy của Hoàng Duy Hùng lúc bấy giờ là tư duy thăm dò và chống đối. Tất cả những vấn đề Hùng nêu ra chúng tôi đều trả lời cụ thể. Đặc biệt, chúng tôi giải thích cặn kẽ về Nghị quyết 36 vì anh ấy là luật sư.
Khi thấy Hùng bắt đầu có những biểu hiện lừng chừng, cân nhắc thì tôi mời anh ấy về nước để “trăm nghe không bằng một thấy”. Tôi nói: “Anh về đi! Năm sau tôi mời anh về”. Khi ra về tôi nhắc lại với Hùng: “Anh nên về Việt Nam, tôi sẽ đứng ra mời và thu xếp cho anh có chuyến đi gặp các cơ quan chức năng rồi anh sẽ hiểu”.
- Sau đó, cuộc trở về của anh ấy như thế nào, thưa ông?
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Năm 2013, Hoàng Duy Hùng và vợ cùng một số cộng sự về Việt Nam. Chúng tôi đã bố trí cho anh ấy một chuyến đi thăm, gặp gỡ các tổ chức tại một số địa phương. Chuyến đi lần đó có thể nói Hoàng Duy Hùng khẳng định được chúng tôi đã nói đúng, hoàn toàn không có sự cường điệu những vấn đề phát triển của đất nước.
Hoàng Duy Hùng đã tận mắt chứng kiến đất nước ta đang ngày càng có sự thay đổi. Anh ấy cũng thấy chúng tôi nói thật và tình cảm chúng tôi dành cho Hoàng Duy Hùng là thật. Sau đó, anh ấy trở lại Mỹ, những hành động chống đối bắt đầu giảm dần.
Năm 2019, Hoàng Duy Hùng lại về. Lần đó, tôi thu xếp để anh ấy gặp một số đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta và nguyên lãnh đạo các bộ, ngành. Tôi cũng cùng anh em Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời cơm anh ấy.
Khi đến thăm tôi tại nhà riêng, Hoàng Duy Hùng thể hiện tình cảm rất xúc động. Anh ấy xin nhận tôi làm anh kết nghĩa.
- Đó hẳn không phải là chuyện tình cờ…
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Lần này, Hoàng Duy Hùng tận mắt chứng kiến thay đổi thực sự rất to lớn của đất nước so với năm 2013. Anh ấy chia sẻ, Việt Nam không chỉ thay đổi từng năm nữa mà là từng quý, từng tháng. Mỗi một ngày đất nước chúng ta lại có sự thay da đổi thịt, mỗi một năm chúng ta lại đi lên.
Chuyến về nước năm 2019, là chuyến về quyết định để Hoàng Duy Hùng khẳng định quay lại hay không quay lại với quê hương, đất nước. Từ năm 2013 đến năm 2019, Hoàng Duy Hùng có 6 năm để suy nghĩ, đánh giá lại tư duy của mình để quyết định cho tư tưởng và hành động của mình. Sau khi về anh ấy thấy rõ là tình hình đất nước của chúng ta không thể đảo ngược, vị thế của Việt Nam đã được khẳng định trên trường quốc tế.
Sau chuyến trở về Việt Nam năm 2013, Hoàng Duy Hùng bị rất nhiều tổ chức bên Hoa Kỳ đe dọa, thậm chí đến mức vợ chồng phải chia tay, cộng thêm công việc ở văn phòng luật sư cũng không được thuận lợi như trước và anh ấy đã bước sang tuổi 60. Tuy nhiên, Hoàng Duy Hùng vẫn quyết định thành lập kênh youtube Góc nhìn Hoàng Duy Hùng để thể hiện tư duy, tư tưởng thực sự hướng về đất nước.
- Tuy nhiên, ông có nói là Hoàng Duy Hùng chỉ mới hoàn thành 80% kỳ vọng của ông?
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Có người ở một số cơ quan chức năng nói với tôi Hoàng Duy Hùng là người chống Cộng thâm căn cố đế lại được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ thì không thể thay đổi được. Biết đâu, bây giờ anh ta chuyển sang hoạt động chống phá hòa bình.
Tôi cho rằng đó là quyền suy nghĩ, đánh giá của mỗi người. Trong thâm tâm, tôi thực sự mong muốn Hoàng Duy Hùng trở về với đất nước để được hưởng tình thương, cũng như sự khích lệ nhân đạo của nhân dân trong nước dành cho mình.
Tôi tâm sự với Hoàng Duy Hùng: “80% chú đã thành công trong việc thực hiện được mong muốn trở về với đất nước. Còn 20% nữa là chú phải đưa ra những kiến nghị trực tiếp trong lĩnh vực chuyên môn của mình”.
Tôi chia sẻ, để chứng minh cho những người đang còn suy nghĩ về Hùng theo cách này cách khác, Hùng hãy chứng minh cụ thể bằng hành động. Thứ nhất, hãy đưa ra khuyến nghị cho các cơ quan chức năng Việt Nam các biện pháp đấu tranh với luật pháp Mỹ về mất công bằng trong thương mại, nêu lên những giải pháp bảo vệ cho các doanh nghiệp của chúng ta xuất khẩu hàng sang Mỹ không bị thiệt thòi.
“Anh sống tại Mỹ, anh được đào tạo ở Mỹ, anh hiểu hơn ai hết, thì anh phải “mách nước” cho Chính phủ, cho các doanh nghiệp Việt Nam để chúng ta không bị áp đặt, không bị lép vế”, tôi nói.
Thứ hai, chú nên tham mưu cho Nhà nước chúng ta nên có những quyết sách gì trên mặt trận tư pháp quốc tế. Chúng ta vận dụng công ước, điều ước quốc tế như thế nào để bảo vệ lợi ích dân tộc, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chú có thể đưa ra ý kiến, kết hợp cùng các nhà chuyên môn trong nước nghiên cứu. Đó là cách thể hiện bằng hành động.
20% ấy, chú thực hiện được nốt thì kể cả những người còn nghi ngờ sự trở về của chú chắc chắn sẽ được giải tỏa. Hoàng Duy Hùng rất chân thành hứa sẽ thực hiện việc đó. Tôi cũng luôn nhắc nhở Hùng.
Cuộc tái ngộ cách 12 múi giờ
Biết nhóm phóng viên VTC News sẽ có cuộc làm việc với Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn vào 2 giờ chiều 27/4, luật sư Hoàng Duy Hùng nói “rất mong muốn VTC News làm nhịp cầu nối để tôi được nói chuyện với anh Sơn trước những bạn đọc của báo”.
“Nhưng đó là 2 giờ sáng bên Mỹ. Giờ đấy chắc chắn anh đang say giấc mà" - Chúng tôi băn khoăn. "Không, tôi sẵn sàng chờ đợi. Anh Sơn là người có ơn lớn đưa tôi trở về với đất nước. Tôi mong muốn bà con ở Việt Nam, bạn đọc của báo VTC News biết rõ điều đó” - Luật sư Hoàng Duy Hùng tha thiết đề nghị.
VTC News đã ghi lại cuộc trò chuyện giữa hai con người cách biệt 12 múi giờ.
Video: Cuộc tái ngộ cách 12 múi giờ
- Qua câu chuyện tôi thấy nổi lên 2 từ khóa: Đột phá và Dũng cảm. Ở bên ngoài cần có sự Dũng cảm để đương đầu với những phần tử cực đoan, nhưng ở trong nước, tôi nghĩ cũng rất cần sự Dũng cảm…
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Bên ngoài, cá nhân tôi dám đương đầu để chứng minh thực tế về sự phát triển của đất nước ta trước những thành phần cực đoan chống Cộng mà không sợ mình có thể bị hành hung, gặp những rủi ro rất lớn đối với cá nhân vì tôi là một cán bộ Cộng sản cao cấp.
Nhưng dũng cảm để đương đầu với những tư tưởng bảo thủ, đố kị và những định kiến hẹp hòi trong nước còn khó khăn hơn nhiều. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW: Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung tạo nên sự tin tưởng lớn cho những cán bộ có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dũng cảm để bảo vệ lợi ích chính đáng của tập thể. Tôi cho rằng nhẽ ra kết luận này có sớm hơn thì rất tốt!
Công việc vận động người Việt Nam ở nước ngoài xóa bỏ hận thù, nói nghe có vẻ bình thường, nhưng trên thực tế cần phải rất dũng cảm để tranh thủ được tình cảm sự tin tưởng của bà con, đặc biệt là thành phần chống đối.
Đơn cử như việc tôi đi thăm nghĩa trang Bình An (thuộc tỉnh Bình Dương) - nghĩa trang lớn nhất của chính quyền Sài Gòn. Tại nghĩa trang này có khoảng trên 16.000 tử sĩ. Chúng ta gọi là tử sĩ vì họ chết trong cuộc chiến tranh vô nghĩa để chống lại việc thống nhất đất nước, họ phục vụ đội quân xâm lược của đế quốc Mỹ.
Thế nhưng, tôi vẫn nói với anh em, trong số hơn 16.000 tử sĩ ở nghĩa trang này có biết bao nhiêu người đã từng chống quân dịch, có biết bao nhiêu người đã từng phản đối chiến tranh, thậm chí có những người đã giúp đỡ anh em chúng ta.
Trong Hải trình Trường Sa năm 2014, có một cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam muốn tìm lại người lính Sài Gòn năm xưa đã thả ông, khi ông là trinh sát pháo binh rơi vào ổ phục kích của lực lượng biệt kích Sài Gòn. Ông nói, tôi không biết anh ấy còn sống hay đã mất, nhưng nhờ có anh ấy mà tôi sống đến ngày hôm nay.
Là người theo đạo Phật, tôi nghĩ hơn 16.000 tử sĩ nằm ở nghĩa trang Bình An là hơn 16.000 oan hồn, rất nhiều người không muốn chiến tranh, nhiều người buộc phải tham gia chiến tranh và rồi họ ngã xuống. Nhưng cái đau xót cho những người nằm ở đây chính là sự lãng quên về họ của những người đồng đội của họ đã chạy sang nước ngoài.
- Chính vì thế mà ông đã dũng cảm đưa những cựu binh bên kia chiến tuyến đến thăm lại nghĩa trang này?
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Sau Hải trình Trường Sa năm 2014 chúng tôi đưa bà con Việt kiều, kể cả những thành phần cực đoan, đến thăm đầu tiên là nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương. Tất cả đều thắp hương trước bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trước mộ các liệt sĩ của chúng ta.
Tôi cũng đưa bà con đến nghĩa trang Bình An, vì bên ngoài các thế lực thù địch tuyên truyền là Cộng sản đã san bằng nghĩa trang đó. Nhưng những người Cộng sản không những không san bằng mà còn bù đắp thêm, Nhà nước còn cấp kinh phí, vận động nhân dân trong và ngoài nước làm cho nó đẹp hơn.
Tôi chỉ cho đoàn kiều bào xem, và nói nhiều ngôi mộ trước đây chỉ là những nấm đất bị lún vì người thân của họ không có khả năng xây dựng phần mộ. Giờ đây, các ngôi mộ đều có người chăm sóc, được xây đẹp đẽ, khang trang, thậm chí còn được xây đẹp hơn mộ của các anh hùng liệt sĩ của chúng tôi. Các anh hùng liệt sĩ của chúng tôi rất khiêm tốn, họ nằm cạnh nhau những ngôi mộ rất nhỏ.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn kết luận và sau đó có một tràng cười hết sức sảng khoái: “Để làm được những việc như thế nền tảng của nó phải là sự Dũng cảm. Tôi rất thấm thía điều đó. Cũng rất may, khi có người quy kết, chụp mũ cho tôi là “diễn biến hòa bình”, là “lật sử” thì các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ban Bí thư, Bộ Chính trị nhìn thấy rõ được hiệu quả công việc, hoàn toàn ủng hộ cho tôi làm. Đúng ra Kết luận 14 phải có từ thời đó để tôi đỡ bị chụp mũ, mang tiếng”.
Video: Vũ điệu hoà bình trên quần đảo Trường Sa
Sắp đến 30/4, theo ông chúng ta cần làm gì để không còn cảnh đến ngày này thì một số nhóm người Việt ở hải ngoại lại tổ chức các cuộc biểu tình chống đối?
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Câu hỏi của anh làm tôi nhớ đến câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, “mỗi một dịp khi đến ngày 30/4 có cả triệu người vui nhưng cũng có cả triệu người buồn”. Ý nghĩa câu nói của cố Thủ tướng - người có vợ, con đều hi sinh trong chiến tranh - rất sâu sắc, xuất phát từ sự chân thành. Tôi hiểu là ông nói từ tấm lòng.
Đó là bởi, chúng ta vui vì chúng ta là người chủ đất nước, là người thống nhất đất nước, nhưng cũng có cả triệu người buồn vì sau năm 1975 có cả triệu người Việt Nam phải tha hương. Họ buồn bởi luôn luôn trong tư duy của họ là người thua trận. Ngoài ra, họ còn mất hết những gì họ đã xây dựng từ trước.
Họ ra đi vì không hiểu ý nghĩa cuộc chiến tranh, họ suy nghĩ sai lầm về cuộc chiến tranh, họ không hiểu về chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Họ bị tuyên truyền quá sai lầm về thực chất nhà nước của chúng ta, về hiện tình đất nước. Cho nên tôi muốn ngày 30/4 thực sự trở thành ngày ý nghĩa hơn nữa, không chỉ là ngày chiến thắng của chúng ta mà là ngày bà con cô bác ở bên ngoài cũng không còn thù hận.
- Theo ông chúng ta nên nhìn nhận ngày lễ lớn này của dân tộc như thế nào trong điều kiện hiện nay?
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn: Để 30/4 có ý nghĩa với đồng bào cả trong và ngoài nước, thực sự là ngày đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thống nhât đất nước tôi rất mong muốn:
Có sự mạnh dạn đột phá các cơ chế chính sách để tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kiều bào đầu tư, hội nhập sâu rộng hơn. Làm sao để bà con có quyền như thực sự như người dân trong nước.
Tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động gắn kết kiều bào với nhân dân trong nước.
Đối với những tổ chức cực đoan bên ngoài, chúng ta có sự cởi mở chân thành để cảm hóa họ, đừng công kích họ, đừng đẩy họ xa rời chúng ta; động viên anh em làm công việc này tiếp tục dũng cảm, chân thành, năng động, sáng tạo và được bảo vệ.
Ngay từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, đi thăm các nước, Bác Hồ đã nói với kiều bào: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”. Vì vậy chúng ta càng phải đoàn kết gắn bó. Không có sự chân thành dựa trên nền tảng đoàn kết thì không có thành công.
Với tinh thần của Nghị quyết 36, chúng ta nên dũng cảm, năng động sáng tạo để 30/4 trở thành ngày đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước; là ngày cả trăm triệu người vui, nhưng cũng là ngày không còn có những người buồn.
Mong rằng đây không phải là suy nghĩ chỉ của riêng tôi mà còn rất nhiều người khác.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện ý nghĩa này.
Nhóm phóng viên VTC News thực hiện