"Washington từ lâu đã vi phạm nội dung và tinh thần của thỏa thuận. Họ không chỉ từ bỏ các nguyên tắc được nêu trong lời nói đầu của New START mà còn vi phạm các giới hạn trọng tâm của hiệp ước hạn chế số lượng vũ khí chiến lược. Mỹ từ chối trách nhiệm theo hiệp ước. Yêu cầu nhiều lần của Nga để giải quyết vấn đề đã bị phớt lờ", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết.
Vị đại sứ này chỉ ra rằng, yếu tố quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay đối với hiệp ước New START là cuộc chiến hỗn hợp của chính quyền Mỹ đối với Nga, mục tiêu là khiến Moskva hứng chịu thất bại chiến lược.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. (Ảnh: TASS)
"Những lời kêu gọi của Washington về việc giải quyết các vấn đề của New START tách biệt với tình hình thực tế. Mục tiêu thực sự của Mỹ là tiếp cận các căn cứ vũ khí hạt nhân của Nga để có được thông tin về sự phát triển kho vũ khí chiến lược của chúng tôi", Đại sứ Anatoly Antonov cho hay.
Mỹ và Nga liên tục đổ lỗi cho nhau về việc thiếu tiến bộ trong việc đề xuất phương án kiểm soát vũ khí. Mỹ đề xuất mở các cuộc đàm phán về "khuôn khổ" duy trì việc hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược khi các giới hạn hiện tại hết hạn vào năm 2026.
Nga bác bỏ đề xuất của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói rằng trong khi Moskva xem xét bài phát biểu của ông Sullivan, Washington chưa gửi đề xuất chính thức bằng văn bản. Ông Sergei Ryabkov cho biết Moskva không thể thảo luận về các vấn đề kiểm soát vũ khí tách rời khỏi các vấn đề khác.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New START hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai.
Hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ tham gia New START. Ông nhấn mạnh, trước khi nối lại các cuộc thảo luận về công việc tiếp theo trong khuôn khổ hiệp ước, Nga muốn làm rõ kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc NATO khác như Anh và Pháp.
Hôm 1/6, Mỹ kết thúc các thông báo theo yêu cầu của hiệp ước này.