Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại sứ Nga mong muốn căng thẳng Biển Đông sớm được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế

Nga mong muốn các bên hữu quan nhanh chóng giải quyết căng thẳng trên Biển Đông trên cơ sở các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

Liên quan đến những căng thẳng gần đây trên Biển Đông, Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov, trong một cuộc phỏng vấn với VTC News, khẳng định: “Quan điểm của Nga là rất rõ ràng. Chúng tôi không phải một bên tham gia những tranh chấp này. Chúng tôi rất mong muốn các bên hữu quan, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, nhanh chóng giải quyết được những vấn đề này, trên cơ sở những nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.

Ông Vnukov cũng bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới, các bên có thể tích cực hơn nữa trong việc thảo luận các văn kiện có tính cơ sở, như Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Chúng tôi tin rằng tất cả các cuộc đàm phán này nên do các bên liên quan trực tiếp tiến hành, chứ không nên có trung gian - bên thứ ba. Về phần mình, chúng tôi mong muốn làm sao tình hình căng thẳng sớm được giải quyết, bởi các công ty của chúng tôi và một số nước khác đang có hoạt động tại đây” - Đại sứ Nga cho biết.

Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov.

Tôi nhắc lại lần nữa, Nga không phải là một bên tham gia tranh chấp, nhưng lại là bên mong muốn làm sao tình hình căng thẳng được giải quyết nhanh nhất. Ưu thế của chúng tôi là một nước có mối quan hệ tốt đẹp với cả Việt Nam và Trung Quốc – đều là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Bởi vậy, nếu xuất hiện nhu cầu cần chúng tôi giúp đỡ trong việc giải quyết vấn đề này, thì chúng tôi luôn sẵn sàng”.

Nói về hợp tác khai thác dầu khí Việt Nam- Liên bang Nga, Đại sứ lưu ý rằng những công ty dầu khí của Nga không chỉ “đã hoạt động ngày hôm qua, đang hoạt động ngày hôm nay, mà còn sẽ hoạt động những ngày sau nữa”.

Rất nhiều công ty của Nga đã hoạt động ở Việt Nam trong 20 năm qua. Đặc biệt công ty liên doanh Vietsovpetro đã hoạt động trên 40 năm nay rồi. Hoạt động của họ rất thành công. Trong những thời điểm mà giá dầu đi xuống họ vẫn hoạt động có lãi. Cũng giống như những công ty của các bạn đang hoạt động khai thác ở vùng phía Bắc của chúng tôi. Tôi cho rằng đây là một lĩnh vực có ý nghĩa rất quan trọng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa chúng ta” - ông Vnukov cho biết.

Sự hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí giữa hai nước được bắt đầu vào năm 1981, sau sự thành lập của Liên doanh Vietsovpetro. Nhờ các hoạt động của Vietsovpetro, Việt Nam đã được xếp vào “top ba” quốc gia sản xuất dầu hàng đầu Đông Nam Á. Còn tại Nga, Vietsovpetro được công nhận là một trong những dự án kinh tế nước ngoài thành công nhất.

Đại sứ cho biết, trên thực tế, tại Việt Nam đang có sự hoạt động của toàn bộ các công ty hàng đầu về lĩnh vực dầu khí của Nga. Trong số đó không thể không nhắc đến hai tập đoàn Rosneft và Gazprom.

Từ năm 2013, Tập đoàn Dầu mỏ Nga Rosneft đã tích cực có mặt tại Việt Nam. Rosneft điều hành hai dự án thăm dò, khai thác khí đốt và khí ngưng tụ trên 2 lô tại thềm lục địa ở phía Nam của Việt Nam. Tại lô 06.1, Rosneft lần đầu tiên trong lịch sử đã đóng vai trò là nhà điều hành dự án trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác.

Trong khi đó, vào ngày 5/4/2012, Công ty Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký thỏa thuận về khai thác hai mỏ khí lớn trên thềm lục địa của Việt Nam (nằm giữa Vũng Tàu và quần đảo Trường Sa). Trước đó, Tập đoàn Dầu khí BP của Anh, sau khi ký hợp đồng với PVN, đã phải bỏ cuộc vì Trung Quốc đã lên tiếng phản đối. Lần này, sự phản đối của Trung Quốc chỉ kéo dài chưa đầy một tháng, cho đến khi ngoại trưởng Nga S. Lavrop đến thăm Bắc Kinh vào tháng 5/2012.

Bên cạnh đó, Đại sứ Vnukov cũng nhấn mạnh “hoạt động của các công ty Nga đều diễn ra tại những khu vực mà theo luật pháp quốc tế là một phần lãnh thổ của Việt Nam”.

Mới đây, ngày 5/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 5 tại Vladivostok, Phó Thủ tướng Nga M. Akimov đã có buổi tọa đàm với Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng. Tại đây, hai bên nhất trí cho rằng hợp tác dầu khí có ý nghĩa chiến lược đối với quan hệ Việt-Nga.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp dầu khí Nga mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đề nghị Chính phủ Nga tạo điều kiện để các liên doanh của Việt Nam tham gia vào các mỏ tiềm năng mới trên lãnh thổ Nga nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các dự án hiện nay.

Lô dầu 06.1 của liên doanh Việt Nam-Nga-Ấn Độ là nơi đang diễn ra hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5. Lô 06.1 nằm ở phía Tây Bắc Bãi Tư Chính trong khu vực thềm lục địa Việt Nam. Đây là 1 trong 2 điểm nóng suốt gần 3 tháng qua, với một chiến dịch xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng và tàu dân binh Trung Quốc.

Văn Đức- Phương Anh

Tin mới