Ngày 12/11, tại Hội nghị "Kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ”, ông Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, đây không chỉ là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2020), mà còn là dịp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Hội nghị sẽ giúp các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có thị trường Hoa Kỳ.
Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, việc kết nối giữa các tỉnh ĐBSCL và các doanh nghiệp kiều bào tại Hoa Kỳ sẽ góp phần phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương và doanh nghiệp. Với hệ thống giao thông, logistics không ngừng được đầu tư, phát triển, các tỉnh ĐBSCL đang trở thành một trong các đầu mối xuất khẩu hàng hóa lớn của cả nước.
Các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ hiện là rào cản trong việc đưa hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ là một thị trường lớn nhiều tiềm năng, có nhu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam. Đại sứ quán và các cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ của Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn đồng hành để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng, các doanh nghiệp kiều bào ở Hoa Kỳ hiện đều có yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nên họ mong muốn đối tác cam kết làm ăn uy tín, lâu dài, có nguồn hàng ổn định.
“Hiện tại vẫn còn nhiều thách thức trong việc đưa hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ. Đó là rào cản thương mại và kỹ thuật như tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ…”, Đại sứ Hà Kim Ngọc nói.
Tại Hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp quan tâm và thường xuyên tổ chức gặp gỡ kết nối để bà con kiều bào đóng góp, chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và cơ hội hợp tác đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây là cơ hội để kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng hoá tại Hoa Kỳ - một thị trường đầy tiềm năng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trác Toàn - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định là phải làm ăn bền vững, lâu dài. Bên cạnh đó, phải tuân thủ pháp luật hai bên, để góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước và đóng góp cho quê hương.
Đồng thời, cần nghiên cứu có thêm nhiều hình thức, hoạt động tăng cường kết nối, triển khai những hoạt động thiết thực hơn nữa. Tăng cường liên hệ chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ.
"Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, mong muốn nhận được thông tin, yêu cầu của doanh nghiệp, vì sự thành công của doanh nghiệp hai nước cũng có nghĩa đơn vị đã làm tốt nhiệm vụ ngoại giao kinh tế", ông Nguyễn Trác Toàn khẳng định.