Nối tiếp thành công của mùa đầu tiên, Chuyến tàu huyền thoại là vở đại nhạc kịch do tổng đạo diễn Lê Hải Yến cùng ê-kíp là những tên tuổi hàng đầu Việt Nam thực hiện.
Trong khoảng thời gian gần 90 phút, chương trình đã kể câu chuyện lịch sử cận đại, diễn ra trên dòng sông Sài Gòn thông qua 5 chương: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng, Vươn xa.
Những tiết mục được đầu tư hoành tráng.
Chương trình có những màn trình diễn cao trào, hào hứng với đại cảnh hàng ngàn diễn viên tham gia, đồng thời có nhiều điểm nhấn về cảm xúc, xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, khai thác từ những câu chuyện lịch sử và giai thoại về những nhân vật lịch sử trong các bối cảnh lịch sử trọng đại.
Đó là hoạt cảnh gắn với những chuyến tàu đặc biệt, như nhà cách mạng Tôn Đức Thắng vận động công nhân tại xưởng đóng tàu Ba Son bãi công, đòi tăng lương, trì hoãn sửa chữa chiếc Đô đốc hạm Jules Michelet trong đoàn tàu chiến Pháp.
Đó là cuộc nói chuyện từ đôi bàn tay "Đây, tiền đây" của anh Ba và anh Lê trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước; là chuyến tàu Sông Hương nối liền hai miền Nam - Bắc năm 1975 với niềm vui niềm hạnh phúc vỡ òa, xen lẫn niềm khắc khoải chờ đợi nhưng người không trở về; là cuộc sống Sài Gòn hôm nay, với sự phát triển, sôi động của thành phố tự hào mang tên Bác.
Chương trình quy tụ tới hàng nghìn diễn viên.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến và ê-kíp là đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam, giám đốc âm nhạc Đức Trí, tổng biên đạo Tấn Lộc đã giải “bài toán khó” là đưa nhạc kịch ra không gian rộng lớn theo kiểu lễ hội. Thủ pháp sân khấu kể cả ước lệ và công nghệ đều được sử dụng triệt để, tối đa để khán giả có thể cảm thấy từ mọi góc nhìn.
Đặc biệt, phần tái hiện chiến công đánh chìm tàu địch của các chiến sĩ đặc công rừng Sác là màn trình diễn có một không hai đối với một show diễn nghệ thuật. Đó là chương trình đã thực hiện cảnh “đánh chìm” một con tàu (mô hình) trên sông bằng hiệu ứng cháy nổ thật. Sau hiệu ứng cháy nổ, trên mặt sông Sài Gòn là hình ảnh một con tàu đã bị đánh chìm một nửa và bốc cháy.
Hiệu ứng cháy nổ khiến khán giả mãn nhãn.
Phần cuối chương trình là bữa tiệc ánh sáng đặc sắc và mãn nhãn trên sông Sài Gòn, thắp sáng bầu trời TP.HCM.
Đó là màn drone light (trình diễn Drone) xếp thành những biểu tượng thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng của người dân TP.HCM nói riêng và người dân Việt Nam nói chung cùng hướng về Tổ quốc.
Pháo hoa cùng màn drone light đầy màu sắc.
Chia sẻ về thành công của chương trình, tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết đó là thành quả của những ngày làm việc với 500% sức lực.
"Tôi hạnh phúc, vỡ òa vì một ước mơ ấp ủ rất lâu đã trở thành hiện thực. Tôi mơ được kể về những nhân vật lịch sử vĩ đại. Tôi rất yêu và ngưỡng mộ những câu chuyện về Bác. Tôi muốn kể những câu chuyện đó đầy cảm xúc, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để họ cũng yêu lịch sử như là mình đã yêu, đã ngấm vào trong máu.
Tôi đã dành thời gian cả năm trời nghiên cứu lịch sử, viết kịch bản, tìm kiếm những thủ pháp, cách thức để kể câu chuyện đủ hấp dẫn vì đây là đề tài khó.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến và ê-kíp thực hiện.
Tôi biết ơn những đồng nghiệp đã đồng hành, dành tâm huyết thời gian quý báu cùng tôi thực hiện giấc mơ này. Biết ơn họ cũng đã yêu giấc mơ này như giấc mơ của chính họ bởi đó là câu chuyện của chúng ta. Nó không còn là câu chuyện của TP.HCM, không còn là câu chuyện của dòng sông Sài Gòn, mà đó là câu chuyện của cả dân tộc. Chúng ta tự hào vì ở nơi đây đã có rất nhiều những dấu mốc lịch sử lớn đã diễn ra.
Tôi cảm ơn khán giả TP.HCM khi cảm nhận được năng lượng của mọi người trong từng màn diễn diễn ra”, cô xúc động.