Trưa 16/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên - Huế vừa có công điện gửi một số cơ quan, đơn vị sẵn sàng ứng phó với dải hội tụ nhiệt đới đang áp sát đất liền và có thể gây mưa lớn và kèm các hiện tượng tự nhiên nguy hiểm khác như giông lốc, và sấm sét....
Cụ thể, theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, sáng 16/10 dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 14-17 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp lúc 01h ngày 16/10 có vị trí ở khoảng 13,7-14,6 độ vĩ Bắc; 111,4-112,4 độ Kinh Đông nên trong ngày và đêm nay 16/10 trên vùng biển của tỉnh Thừa Thiên- Huế có gió giật mạnh cấp 6-7, sóng cao từ 1,5-3,0m biển động; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo dự báo từ 16 - 18/10 Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và có thể gây ngập lụt tại một số vùng trũng. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Trên đất liền từ 16/10 đến 18/10 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị UBND các huyện, thị xã và TP Huế triển khai công tác ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu,…).
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên - Huế đề nghị các huyện, thị xã và TP Huế lên phương án, rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm. (Ảnh: Quốc Cường)
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế; Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế; Chi cục Thuỷ sản; Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; Hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch).
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai, sơ tán người dân phòng chống mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu thi công có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công: cầu Nguyễn Hoàng, cầu cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây…, triển khai phương án chống va trôi tàu thuyền, sà lan đang thi công ảnh hưởng đến an toàn các công trình cầu đường bộ, đường sắt xung yếu trong tỉnh.
Đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 14/10 khiến nhiều đoạn kè biển ở khu vực xã Phú Diên bị sạt lở.
Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi…, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện đề phòng lũ quét, ngập úng, sạt lở đất bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động. Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dỡ dang, khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng cục bộ.
Trước đó, mưa lớn từ ngày 10/10 đến ngày 14/10 gây ngập lụt tại nhiều địa phương của Thừa Thiên - Huế như TP Huế và một số huyện, thị xã như Phú Lộc; Hương Thuỷ; Phú Vang; Quảng Điền và Phong Điền. Tuy nhiên, từ chiều tối 14/10 đến sáng 16/10 mưa giảm và nước lũ đã rút. Mưa lũ đợt này cũng khiến 2 người dân của Thừa Thiên - Huế thiệt mạng; nhiều đoạn kè biển ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang) bị sạt lở và hiện đang được lực lượng chức năng nỗ lực khắc phục.