Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại học Quốc gia TP.HCM có thêm 4 chương trình đạt chuẩn AUN-QA

(VTC News) -

Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM (CETQA) cho biết, Đại học vừa có thêm 4 chương trình đạt chuẩn AUN-QA.

Cụ thể 4 chương trình Khoa học Vật liệu (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên), Lịch sử (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), Hệ thống Thông tin quản lý (Trường ĐH Kinh tế - Luật) và Kỹ thuật Phần mềm (Trường ĐH Công nghệ thông tin) được AUN chính thức công nhận đạt chuẩn AUN-QA.

ThS Nguyễn Tiến Công, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng CETQA cho biết, cả 4 chương trình đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và đều đạt ở mức độ như mong đợi của bộ tiêu chuẩn AUN-QA, trong đó có nhiều tiêu chuẩn đạt mức trên mong đợi.

Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đây là đợt đánh giá chính thức thứ 19 và là đợt đánh giá theo hình thức trực tuyến đầu tiên tại Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM). Đến nay, ĐHQG-HCM đã có 53 chương trình đạt chuẩn chất lượng AUN-QA. Theo kế hoạch sẽ có 12 chương trình tiếp theo thuộc tất cả 7 trường đại học thành viên ĐHQG-HCM tham gia đánh giá AUN-QA trong năm 2021.

AUN (ASEAN University Network) là mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (ĐNA) được thành lập vào tháng 11/1995 bởi sáng kiến của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ĐNA, với các thành viên ban đầu do Bộ trưởng Giáo dục các nước đề cử.

Kể từ khi thành lập, AUN đã xem chất lượng đào tạo là một mục tiêu quan trọng nhằm khẳng định với quốc tế về sự phát triển của giáo dục đại học ĐNA, tạo ra sự liên thông và công nhận chất lượng đào tạo lẫn nhau giữa các trường ĐH trong và ngoài mạng lưới AUN.

AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance) là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình đào tạo.

Bộ tiêu chuẩn AUN-QA được ban hành năm 2004 bởi SEAN University Network với mục tiêu thúc đẩy quá trình đảm bảo chất lượng tại các trường ĐH trong khu vực và hướng đến việc liên thông tín chỉ từ các chương trình đạt chuẩn của giữa các trường trong mạng lưới.

Bộ tiêu chuẩn này đánh giá toàn diện chương trình đào tạo từ nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên, và doanh nghiệp…

MAI THY

Tin mới