Ông Nguyễn Triều Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo Đại học, Đại học Luật Hà Nội cho biết, năm nay trường dự kiến tuyển 2.265 chỉ tiêu (tăng 265 chỉ tiêu so với năm 2021). Trong đó 100 chỉ tiêu dành cho hệ đào tạo liên kết với Đại học Arizona - Hoa Kỳ và 165 chỉ tiêu cho phân hiệu tại Đắk Lắk.
Với 2.000 chỉ tiêu tại cơ sở chính, trường dành 49% cho xét kết quả thi THPT, 49% cho xét kết quả học bạ và 2% dùng để xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Với thí sinh mắc COVID-19 không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, được đặc cách xét tốt nghiệp, ông Dương cho biết, các em vẫn có cơ hội để trúng tuyển vào Đại học luật Hà Nội nếu có nguyện vọng.
“Như năm 2021, với những thí sinh xét tuyển đặc cách, nhà trường cho thực hiện một bài luận và có 2 em trúng tuyển bằng hình thức này”, ông nói.
Ông Nguyễn Triều Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo Đại học, Đại học Luật Hà Nội.
Ngoài 4 chuyên ngành truyền thống: Luật, Luật Kinh tế, Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh, năm nay trường mở thêm 3 chuyên ngành: Luật Kinh tế chất lượng cao, Sở hữu trí tuệ và Pháp luật thi hành án. Là năm đầu tiên tuyển sinh ngành mới, trường dự kiến dành 50 chỉ tiêu cho mỗi chuyên ngành.
Trường tuyển sinh theo hai phương thức chính: tuyển thẳng và xét tuyển theo đề án riêng. Trong tuyển sinh riêng, Đại học Luật Hà Nội tiếp tục chia ra bốn phương thức.
Thứ nhất, trường dành 48 chỉ tiêu để xét tuyển các thí sinh tham dự vòng thi tháng, quý, năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia kết hợp cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thời gian xét tuyển dự kiến là tháng 8-12/2022.
Thứ hai, xét học bạ - trường dành 50% chỉ tiêu của từng ngành cho phương thức này. Để nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh phải loại giỏi năm kỳ học (trừ kỳ II lớp 12), trong đó kết quả các môn trong tổ hợp xét tuyển ở kỳ I lớp 12 tối thiểu 7,5 (đối với trụ sở chính Hà Nội) và 7 (phân hiệu tại Đăk Lăk).
Năm nay, các tiêu chí về giải thưởng học sinh giỏi, là học sinh trường THPT chuyên không còn là điều kiện chính thức để nộp hồ sơ như năm 2021. Thay vào đó, nếu đạt các thành tích này, các em được cộng 0,5-1,5 điểm khuyến khích. Ngoài ra, khi có chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cũng được quy đổi điểm để thay cho điểm môn ngoại ngữ trong học bạ.
Với phương thức xét học bạ này, thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng/một tổ hợp duy nhất.
Thứ ba, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tại trụ sở chính Hà Nội của tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) là 20, các tổ hợp còn lại là 18. Riêng với hai ngành Luật Thương mại quốc tế, Ngôn ngữ Anh, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh không dưới 7. Tại phân hiệu Đắk Lắk, điểm sàn là 15, áp dụng cho mọi tổ hợp.
Điểm khuyến khích cho phương thức này được áp dụng tương tự (cả về tiêu chí và mức điểm cộng) với xét học bạ.
Thứ tư, với thí sinh đăng ký vào chương trình liên kết với Đại học Arizona (Mỹ), Đại học Luật Hà Nội xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tối thiểu 5.5 IELTS hoặc tương đương. Thời gian xét tuyển dự kiến 4-12/2022.
Điểm chuẩn của Đại học Luật Hà Nội năm 2021 cao nhất là 29,25, áp dụng với ngành Luật kinh tế tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Trong khi các ngành đào tạo tại Hà Nội và liên kết với Đại học Arizona, Mỹ, đều lấy điểm chuẩn từ 21,3 trở lên, phổ biến 26-27, ngành Luật tại phân hiệu Đắk Lắk thấp hơn hẳn, dao động 18-22,75.