Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại học Đông Đô cấp bằng giả: Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý lỏng lẻo, yếu kém

(VTC News) -

Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý lỏng lẻo, yếu kém dẫn đến tiêu cực ở Đại học Đông.

Liên quan đến vụ việc Trường Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an) đã đề nghị truy tố một số bị can là cán bộ của trường và xác định trách nhiệm của các cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Đại học Đông Đô, nơi cấp 193 bằng đại học giả, có 55 trường hợp sử dụng để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sỹ. (Ảnh: Dân trí).

Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với Trường Đại học Đông Đô, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, kể cả những cá nhân sử dụng văn bằng 2 do trường này cấp.

Theo kết luận điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” vừa được Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) ban hành, Trường Đại học Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2). Trong đó có nhiều người "mua" bằng là cán bộ công chức nhà nước. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án.

Cũng theo kết luận điều tra, quá trình hoạt động Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên từ năm 2015, Bộ đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của Trường Đại học Đông Đô lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Các bị can Hòa, Quang, Thùy cán bộ quản lý Trường Đại học Đông Đô (từ trái qua) bị cơ quan CSĐT khởi tố trước đó. (Ảnh: Công an cung cấp)

Kết luận của Cơ quan an ninh điều tra xác định các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch - tài chính và Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường Đại học Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 trong khi trường chưa được cho phép đào tạo, là vi phạm quyết định của bộ trưởng về đào tạo văn bằng 2.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với những sai phạm của Trường Đại học Đông Đô. Về nguyên tắc, Bộ cần giải trình rõ việc quản lý tuyển sinh của trường, trong đó bao gồm cả việc hậu kiểm và vì sao trong từng ấy năm không phát hiện ra sai phạm.

GS. TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu ý kiến: “Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhận ra được đây là một sự quản lý quá lỏng lẻo. Tại sao lại để người ta đào tạo như vậy? Bao nhiêu người làm tiến sỹ, làm thạc sỹ, cử nhân đã được nhận bằng như thế này. Ngoài việc phạm pháp như thế, cái tai hại của việc cấp bằng ấy là những người ấy rất dễ sau này có chức có quyền, rất nguy hại”.

Sai phạm của Đại học Đông Đô liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý yếu kém nên dẫn đến tiêu cực.

Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, sai phạm của Đại học Đông Đô liên quan đến phần quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý yếu kém nên dẫn đến tiêu cực.

“Tất nhiên tinh thần dần dần chuyển sang trao quyền tự chủ cho các trường, nhưng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có trách nhiệm người quản lý nhà nước, thì không thể thả nổi hoàn toàn. Cho nên xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải có trách nhiệm trong đó”, TS Lê Viết Khuyến nói.

Còn Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, vi phạm ở Trường Đại học Đông Đô đã bộc lộ nhiều vấn đều trong quản lý đào tạo, công tác cán bộ, công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước bởi có người “mua” bằng là cán bộ công chức nhà nước.

“Cảnh báo về công tác cán bộ khi đặt ra tiêu chuẩn chú trọng về hình thức, đó là nặng về bằng cấp mà không có tiêu chí đánh giá về thực chứng, cho nên để hoàn thiện các tiêu chuẩn thì có nhiều kẻ gian lận đã tìm cách mua bán bằng cấp để phù hợp với tiêu chuẩn cán bộ. Từ đó làm bàn đạp thăng tiến chui sâu leo cao, cái đó phải xem xét cho kỹ. Chỉ có cách là đánh giá năng lực con người, năng lực cán bộ dựa vào thực chất thì với loại bỏ được tính hình thức đấy”, ông Vân thẳng thắn chỉ ra.

Theo PGS Trần Văn Tớp, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, việc học văn bằng 2 là điều rất tích cực, những người có nhu cầu học tập thêm kiến thức đều có thể theo học.

Tuy nhiên, việc một số người sử dụng văn bằng 2 vì một mục đích khác trong vụ việc của Trường Đại học Đông Đô là vấn đề rất nghiêm trọng. Vì vậy, ngoài việc xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm của Trường Đại học Đông Đô, thu hồi bằng cấp sai quy định thì cũng cần xử lý nghiêm những cá nhân sử dụng văn bằng 2 do trường này cấp.

“Nếu chúng ta xử lý nghiêm người tổ chức làm hàng giả, người ta không dám làm và những người mà có âm có ý định sử dụng bằng giả để hợp thức hóa thì cũng rất hết sức cân nhắc. Tôi thấy tình trạng làm bằng giả có rất nhiều. Bất cứ một vi phạm nào, tử vi phạm giao thông, trong quản lý xây dựng vi phạm trong đào tạo, giáo dục và đào tạo tôi nghĩ là xử lý nghiêm minh bao giờ cũng là một giải pháp rất là tốt”, PGS Trần Văn Tớp nói.

Liên quan đến vụ việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các đơn vị chức năng của Bộ đang phối hợp Bộ Công an để làm rõ thông tin và bản chất của vụ việc và xử lý nghiêm theo đúng quy định những trường hợp sử dụng bằng giả của trường Đại học Đông Đô, các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý.

Minh Hường

Tin mới