Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại học Bách khoa Hà Nội đổi mới bài thi tư duy 2022 thế nào?

(VTC News) -

Năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đổi mới một số nội dung, hình thức bài thi đánh giá tư duy, thí sinh cần đặc biệt lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá tư duy có yếu tố phân loại cao, nhiều thách thức hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước đây, kỳ thi diễn ra quy mô nhỏ hẹp nhưng từ năm 2022 dự kiến sẽ nhiều điểm mới.

Theo đó, bài thi tổ hợp diễn ra trong 270 phút, gồm ba phần: Phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút). Phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút). Phần tự chọn 2 là môn tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, hai phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để đảm bảo các thí sinh có thể thi cả ba phần.

Phần thi tự chọn 1 là điểm mới trong năm 2022. Phần này nhằm đánh giá mức độ am hiểu của thí sinh về kiến thức THPT, tránh việc học tủ, học lệch. “Tất nhiên không loại trừ khả năng những bạn có hiểu biết chuyên sâu hơn về một môn trong tổ hợp nhưng xét về tổng thề, chúng ta tạo ra một sân chơi bình đẳng, kết quả cuối cùng chỉ lấy một đầu điểm”, PGS Điền nói.

Cấu trúc bài thi tư duy năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Về hình thức, bài thi đánh giá năng lực được thi trên giấy, câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi THPT. Riêng môn Toán có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và trình bày của các em.

Dự kiến, kỳ thi tư duy 2022 diễn ra trong một ngày, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc 1 tuần. Kỳ thi được tổ chức tại bốn địa điểm: Hà Nội (Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường trong nhóm), Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ.

Trường cũng sẽ tổ chức hai buổi thi thử online trên hệ thống (https://tsa.hust.edu.vn/dk). Lịch thi thử dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 và tháng 3/2022.

Tính đến tháng 12/2021, 8 trường đại học dự kiến sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 để xét tuyển gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Mỏ Địa chất, Đại học Thuỷ lợi, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Đại học Thăng Long và Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.

Mỗi trường có cách thức sử dụng kết quả thi vào xét tuyển đại học khác nhau. Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, các thí sinh có thể chọn thi phần bắt buộc kèm một trong hai phần thi tự chọn, hoặc chọn thi phần bắt buộc kèm cả hai phần thi tự chọn để nâng cao xác suất trúng tuyển trên thang điểm 30.

Ông Điền cũng cho biết, kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được nhập lên hệ thống của Bộ GD&DĐT, lưu lại giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT, được xét đồng thời với các nguyện vọng khác.

Năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 sinh viên, trong đó chủ yếu dựa vào điểm thi đánh giá tư duy và giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường tuyển 10 - 20% cho một số chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29. Thí sinh phải có điểm trung bình chung 6 học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp đạt từ 7 trở lên (hoặc tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn từ 42 trở lên). Năm ngoái trường dành 50 - 60% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức này.

Với phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy do trường tổ chức, nhằm tuyển 60 - 70% tổng chỉ tiêu. Kỳ thi này dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh chọn các phần thi tương ứng của bài thi đánh giá tư duy để đăng ký vào các chương trình đào tạo.

Còn lại, 20 - 30% chỉ tiêu theo dạng xét tuyển tài năng, gồm: xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT; dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.

Hà Cường

Tin mới