Bán xe mua nhà, bán nhà mua xe
Ông Công kể, nhà ông trước kia ở đầu phố Huế, có cửa tiệm một bên bán thuốc lào, một bên bố ông làm nghề sửa xe đạp.
Ông Vũ Thành Công.
Bố ông là thợ sửa xe giỏi, đặc biệt là các loại xe có xuất xứ từ Pháp. Nhà ông lại ở ngay gần trụ sở Đại sứ quán Pháp trên phố Trần Hưng Đạo nên nhiều người ở đó thường mang xe hỏng đến sửa.
Tình yêu dành cho những chiếc xe đạp trong ông cũng lớn lên từ đó, học hết phổ thông, ông vào học nghề tại một nhà máy xe đạp.
Ông Công kể: “Tôi mới học cấp 2 đã biết sửa xe. Những người giàu và cả người Pháp thường mang xe đến nhà tôi sửa. Sửa cho người Pháp chúng tôi ít lấy tiền. Đổi lại nhờ họ khi về Pháp tìm mua giúp phụ tùng vì ở Việt Nam thời đó rất khó mua”.
Năm 1972, ông Công tìm được một chiếc khung xe Pháp, sau đó lắp phụ tùng vào và có một chiếc xe đạp của riêng mình. Một người anh họ hỏi mua, ông bán được 1,6 triệu đồng và dùng một nửa mua được căn nhà nhỏ ở số 6 phố Huế. Nửa còn lại, ông dành dụm mua chiếc xe mới để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê.
Sau khi đất nước thống nhất, nhu cầu đi lại của người dân cũng thay đổi, từ xe đạp lên xe máy rồi ô tô, những chiếc xe đạp một thời chỉ còn nằm trơ trong góc nhà. Quá khó khăn, chính ông cũng phải tạm bỏ nghề sửa xe đạp để chuyển sang làm du lịch.
Xe Peugeot phanh số 8 được sản xuất năm 1964 mà ông quyết mua bằng được vì trông gần giống chiếc xe ông bán để mua nhà.
Những năm 1990, có vợ chồng người Hà Lan sang Việt Nam được ông Công làm hướng dẫn viên du lịch, qua trò chuyện được biết, ở nhà họ cũng có một kho chứa nhiều xe đạp cổ. Biết được ý định muốn gìn giữ dòng xe đạp cổ tại Việt Nam, họ đã tư vấn, hỗ trợ và ông bắt đầu quay sang sưu tầm xe cổ.
Năm 2013, ông bán căn nhà mặt phố Huế, chuyển về ngõ Văn Chương. Sau khi hỗ trợ cho 2 con trai, ông dành một phần để mua lại những chiếc xe đạp cổ, tiếp tục đam mê.
Chơi xe được gần 50 năm, đến nay bộ sưu tập xe cổ của ông Công đã lên đến cả trăm chiếc, ông phải mua thêm căn nhà bên cạnh làm “bảo tàng xe đạp cổ” như hiện nay.
Yêu xe như con
Ông Vũ Thành Công chia sẻ, xe đạp cổ ở Việt Nam phần lớn được sản xuất từ Pháp với rất nhiều loại: Joang Phoenix, Mercier, Peugeot, Marila, Follis, Aviac… Trong đó xe Peugeot được nhiều người ưa chuộng.
Xe đạp Terrot sản xuất năm 1968, được ông mua cách đây 3 năm.
“Ai đi xe này có thể xếp vào hàng giàu có, lắm tiền nhiều của. Có chiếc Peugeot giá trị tương đương cả căn nhà mặt phố nên không phải ai cũng có điều kiện sở hữu”, ông Công trầm ngâm nhớ lại thời kỳ những năm 1970.
Theo ông Công, để có một chiếc xe ưng ý, người chơi rất mất công sưu tầm và phải chăm sóc đến từng chi tiết, có phụ tùng xe bị hỏng mò tìm cả năm không có.
"Một chiếc đèn hậu nhỏ xíu trên xe đạp cổ giá cũng chỉ vài trăm thôi, nhưng mỗi loại xe một kiểu đèn, không đúng đèn đó thì xe không ra gì. Tìm cả Việt Nam không có, tôi phải nhờ người bên Pháp mới mua được", ông Công chia sẻ.
Ông Công bên bộ sưu tập xe đạp cổ.
Ông Công kể, khi bắt buộc phải đi xe ra ngoài thì luôn để trước mặt, dắt cẩn thận để tránh va đập. Để những “đứa con cưng” khỏi hoen gỉ, hôm nào mưa gió, ông Công còn cho lên giường để tránh bị ẩm ướt.
Đối với ông Công, xe đạp chỉ trao đổi, đem đi triển lãm hoặc tặng lại cho bạn bè có cùng niềm đam mê chứ không bán. Có những chiếc xe trị giá cả chục, cả trăm triệu đồng, nhưng cũng có chiếc chẳng mang nặng giá trị vật chất mà chứa đựng ý nghĩa về thời gian, văn hóa và cả một thời hoài niệm.
Căn nhà nhỏ trong ngõ chất đầy xe đạp.
Có những chiếc đáng giá hàng chục triệu đồng.
Ông mua lại từ năm 2010 với giá khoảng 700-800 USD. Mới đây, có người đã trả 2.000 USD nhưng ông không bán.
Xe đạp con gà, chiếc xe có độ tuổi lâu đời nhất mà ông sở hữu, được sản xuất từ năm 1920.
Ông Công cũng sở hữu nhiều kỷ vật quý về xe đạp như biển số và đăng ký xe từ những năm 1966.
Đôi vành xe đạp bằng gỗ thuộc hàng hiếm được sản xuất ở Pháp từ thế kỷ 19, do được bảo quản tốt đến nay không có hư hại gì.
Mẫu xe đạp nổi danh một thời.
Tình yêu của ông với xe đạp cổ là vô tận