Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu Quốc hội xếp vào hàng gì trong hệ thống cán bộ?

(VTC News) -

Đề cập đến việc đại biểu Quốc hội chưa được xếp vào hàng nào trong hệ thống cán bộ, các đại biểu cho rằng cần bổ sung tiêu chuẩn với đại biểu Quốc hội.

Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. 

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đặt câu hỏi: "Đại biểu Quốc hội xếp vào hàng gì trong hệ thống cán bộ của hệ thống chính trị?".

Theo ông, ở nước ngoài, nghị sỹ Quốc hội là chính khách và yêu cầu tiêu chuẩn cao. Nhưng đại biểu Quốc hội ở nước ta chưa xếp vào hàng nào trong hệ thống cán bộ.

"Tất cả cán bộ từ cấp cao đến cấp thấp đều có quy hoạch, đào tạo, có bồi dưỡng để chủ động bố trí nguồn, nhưng đại biểu Quốc hội thì không. Mỗi dạng cán bộ, ngoài tiêu chuẩn chung phải có thì phải có tiêu chuẩn cụ thể, vốn là yêu cầu quan trọng để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn để bố trí vị trí cán bộ. 

Trong khi Quốc hội là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước, quyết định mọi vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Điều đó đòi hỏi các đại biểu Quốc hội cũng phải có am hiểu tương đối toàn diện", ông Phương cho hay. 

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình).

Vị đại biểu đoàn Ninh Bình cho rằng cần phải có tiêu chuẩn cụ thể, nhấn mạnh đây là điều quan trọng để bầu cử đại biểu Quốc hội. 

Theo ông Phương, hiện nay Trung ương Đảng đã có quy định, tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh cán bộ thì đại biểu Quốc hội cũng cần có tiêu chuẩn cụ thể. Từ đó, ông đề xuất ngoài 5 tiêu chuẩn được quy định thì đại biểu Quốc hội cần có tiêu chuẩn cụ thể như phải có am hiểu tương đối toàn diện về các mặt của đời sống kinh tế-xã hội, có khả năng phân tích, tư duy phản biện, kỹ năng diễn đạt. 

Cùng quan điểm với đại biểu Bùi Văn Phương, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết hệ thống của chúng ta có cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp. Mỗi loại cơ quan có chức năng riêng nên các cán bộ thuộc các cơ quan này có tiêu chuẩn riêng. Đại biểu Quốc hội là cơ quan dân cử nhưng lại không có tiêu chuẩn riêng mà hòa lẫn vào tiêu chuẩn của cán bộ, công chức. 

"Tôi đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, làm rõ quan điểm đại biểu Quốc hội là chính khách quốc gia để đảm bảo cho vị thế, vai trò của đại biểu Quốc hội trong các hoạt động của Nhà nước", ông Nhưỡng nhấn mạnh. 

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) khẳng định vấn đề bổ sung thêm tiêu chuẩn riêng cho đại biểu Quốc hội là không cần thiết. 

Đại biểu Ngô Trung Thành. (Ảnh: Quochoi.vn)

"Việc tăng cường năng lực cho đại biểu Quốc hội là tất yếu nhưng tại Luật tổ chức Quốc hội đã có quy định chung về tiêu chuẩn cho đại biểu Quốc hội.

Trong đại biểu Quốc hội có đặc thù có cả đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm, các đại biểu giữ các vị trí lãnh đạo khác nhau. Đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu giữ các vị trí lãnh đạo khác nhau thì từng vị trí đã có những tiêu chuẩn riêng các trong văn bản", ông Thành nêu ý kiến. 

Song Hy

Tin mới