Một trong những kết quả nổi bật trong quá trình đổi mới của ngành giáo dục Việt Nam được nhân dân đánh giá cao và mở ra hợp tác giáo dục quốc tế là việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học. Dù mới là bước đầu, nhưng tự chủ đại học đã chứng minh tính đúng đắn và đã được luật hóa trong Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.
“Tự chủ đại học là xu thế”
Giáo dục là nền tảng đảm bảo năng suất lao động xã hội để phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự cạnh tranh gia tăng giữa thời đại 4.0. Nêu ý kiến cho vấn đề này tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng, năng suất lao động đang làm nút thắt có tính chất quan trọng đối với nền phát triển kinh tế. Tuy nhiên, năng suất lao động xã hội lại phụ thuộc nhiều vào năng lực của người lao động và sự phát triển khả năng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất như quy mô, như tư liệu sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội).
Đại biểu Nguyễn Chiến đề xuất đưa yếu tố thị trường sang yếu tố tự chủ cho các trường đại học để các trường tự vận động theo cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng đào tạo: “Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, cần tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa trong các thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường vào thị trường giáo dục. Đưa yếu tố thị trường sang yếu tố tự chủ cho các trường đại học để tự vận động theo cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Liên kết nhiều hơn với nền giáo dục trên thế giới để đào tạo, cải thiện nguồn lao động chất lượng cao cho Việt Nam”.
Trao đổi bên lề Quốc hội về tự chủ đại học đang rất được quan tâm này, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, đây là xu thế khi các trường đại học phải dần đi theo định hướng tự chủ. Các trường sẽ hoạt động như mô hình một doanh nghiệp, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường và phải tùy thuộc vào thị trường. Thị trường cần gì thì đáp ứng, sản phẩm nguồn nhân lực đào tạo ra không có chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu thì sẽ bị đào thải theo cơ chế của thị trường.
Đại biểu Bùi Văn Phương cũng khẳng định, Luật Giáo dục đã ban hành và thực thi, các trường đại học được giao quyền tự chủ theo cấp độ từ tự chi thường xuyên, tự chủ về tài chính hay đầu tư và nhân sự... Tùy theo mức độ, khả năng của từng trường, Nhà nước sẽ giao tự chủ.
Tự chủ đại học cần tách bạch vai trò, trách nhiệm
Từ câu chuyện của trường Đại học Tôn Đức Thắng trong bối cảnh tự chủ đại học đang được quan tâm, đại biểu Bùi Văn Phương nêu ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ tự chủ, làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Theo đó, cần tách bạch rõ phần nào là quản lý Nhà nước là của Bộ GD&ĐT và với cơ quan chủ quản thì trách nhiệm đến đâu.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình).
“Một trường đại học vừa thuộc Bộ GD&ĐT quản lý Nhà nước, vừa một cơ quan chủ quản can thiệp vào nữa thì người ta không phát huy được tự chủ. Nếu tự chủ hoàn toàn cả tài chính, cả đầu tư, cả nhân sự thì quyền thuộc về hội đồng nhà trường quyết định, từ hoạt động thế nào, tuyển nhân sự, sử dụng và trả lương ra sao…”, đại biểu Văn Phương cho biết.
đại biểu Quốc hội đoàn Ninh Bình cũng khẳng định, quy định Nhà nước đã nêu rõ khi có quyền tự chủ các trường phải làm thế nào. Những vấn đề phải quy định công khai, phải quyết định theo nguyên tắc tập thể cũng được quy định. Về khuôn khổ pháp lý, hiện đã đủ điều kiện để các trường đại học tự chủ, không cần sự can thiệp từ cơ quan chủ quản.
Liên quan đến tự chủ đại học với câu chuyện của Đại học Tôn Đức Thắng, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục 2020 vừa diễn ra ngày 31/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Câu chuyện này cần nhìn nhận rất bình tĩnh. Tự chủ như trường Tôn Đức Thắng cũng chưa ăn thua gì với đúng nghĩa tự chủ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ đại học là xu thế chung và cần được ủng hộ theo đúng quy định của pháp luật: “Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của trường vì tự chủ về chuyên môn. Giáo dục đại học không chỉ là nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi tạo ra tri thức, muốn vậy họ phải có tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính để phục vụ tự chủ nói chung. Còn đúng hay sai, tất cả hoạt động tự chủ vẫn phải tuân theo quy định pháp luật”.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã thành lập đoàn công tác liên ngành rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về thành lập hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Đại học Tôn Đức Thắng.