Ông Nghĩa nêu ý kiến khi tranh luận về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước sáng 24/5.
Ông Nghĩa phân tích, khi doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật đấu thầu là không cần thiết.
Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi. Vì vậy, đại biểu thống nhất như phương án 1 của dự thảo luật, chỉ quản lý doanh nghiệp Nhà nước, còn doanh nghiệp nhà nước có 50% vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý bằng rất nhiều luật khác. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu.
“Các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng đối với quá trình đầu thầu, thực hiện theo đúng pháp luật. Và khi đấu thầu, họ không chỉ có tiền mà còn rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí là yếu tố quen biết. Quen biết cũng là một yếu tố có lợi cho doanh nghiệp nếu như không có yếu tố tiêu cực”, đại biểu Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh: Quochoi.vn).
Do đó, chúng ta không nên có suy nghĩ theo hướng cực đoan là quấn nhiều vòng dây vào thì sẽ tốt hơn.
“Tốt hơn nhưng mà chúng ta làm chậm đi, siết chặt nhiều quá có thể bớt được chuyện tiền bạc nhưng mà một doanh nghiệp làm ăn thì còn nhiều yếu tố khác nữa. Do đó tôi nhất trí với phương án là nên quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, còn các doanh nghiệp khác thì chúng ta đã có những luật khác chi phối. Ai có tiêu cực, tham nhũng thì đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra cứ điều tra các dòng tiền để xử lý”, ông Nghĩa nói.
Trả lời các đại biểu về nội dung thảo luận, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải tháo gỡ được những vướng mắc phát sinh, nhưng cũng tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu và đảm bảo tính pháp lý và hiệu quả trong hoạt động quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Quochoi.vn).
“Nếu làm chặt quá thì sẽ gây khó khăn, ách tắc, mất quyền tự chủ. Nếu làm lỏng quá thì không đảm bảo hiệu quả quản lý của Nhà nước. Trong bản thân đấu thầu là muôn hình muôn trạng, không có cách gì để chúng ta kiểm soát hết được, trong khi người ta dùng đủ mọi mánh khoé, chiêu trò để lạng lách, che chắn để lách luật, để thu lợi ích. Một người chuyên dùng mọi cách để lách luật, còn một người tìm đủ phương án để ngăn chặn thì không thể nào hài hoà lợi ích được. Do vậy, chúng tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, sau kỳ họp thứ IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp ý kiến, yêu cầu đặt ra là phải làm sao cho thủ tục vừa thông thoáng, đơn giản để thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, vừa quản lý hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
“Quan điểm sửa Luật Đấu thầu là hài hòa quyền lợi của Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho chủ đầu tư khi mua sắm, không để xảy ra tình trạng trục lợi. Đối với doanh nghiệp nhà nước thì là vốn đi vay hay vốn tự có thì đều là vốn của nhà nước. Do đó, theo Nghị quyết 12 thì doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn vốn và bảo đảm hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả làm chính, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng, hợp pháp”, Bộ trưởng Dũng nói.