Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề xuất thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội, ĐBQH nói gì?

(VTC News) -

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thu phí ô tô vào nội đô để tránh ùn tắc là cần thiết nhưng cũng cần phát triển phương tiện công cộng để người dân được lựa chọn.

Nêu quan điểm về Đề án thu phí ô tô vào nội đô TP Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu Hà Nội) cho rằng, thu phí nội đô đối với phương tiện cá nhân là ô tô để tránh ùn tắc quá tải như hiện nay là sự cần thiết nhưng cùng với việc thu phí, cần phát triển phương tiện công cộng để người dân được lựa chọn giữa phương tiện công cộng với chi phí thấp và phương tiện cá nhân để thỏa mãn nhu cầu nhưng mất phí cao hơn.

Khi đó việc thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô sẽ mang ý nghĩa góp phần điều tiết hành vi của người tham gia giao thông chứ không phải là cấm người dân đi bằng phương tiện cá nhân vào nội đô.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Với điều kiện, cơ sở hạ tầng của Hà Nội hiện nay, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu Hà Nội có được nhiều tuyến đường như Cát Linh - Hà Đông sẽ là điều kiện rất tốt để người dân lựa chọn phương tiện công cộng. Về lâu dài, để áp dụng việc thu phí có thể thực hiện trên diện rộng, Hà Nội chắc chắn cần phải phát triển hệ thống giao thông công cộng nhiều hơn nữa.

Ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Đề xuất thu phí để giảm ùn tắc giao thông là một cách để người dân lựa chọn phương tiện tham gia giao thông chứ không phải cấm người dân vào nội đô bằng phương tiện cá nhân, như vậy theo tôi, việc thu phí không hề vi phạm hiến pháp hay pháp luật. Chỉ là khi tăng phí cá nhân để hạn chế và thay đổi hành vi của người dân thì phải tăng các phương tiện công cộng, có sẵn điều kiện cho người dân lựa chọn”.

Về mức giá cho mỗi lượt, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, cần đánh giá, xem xét thật kỹ lưỡng bởi nói mức phí bao nhiêu là phù hợp hay chưa phù hợp rất khó. Đó là cơ sở để người dân so sánh, từ đó lựa chọn giữa việc đi bằng phương tiện cá nhân để thỏa mãn nhu cầu cá nhân và sử dụng phương tiện công cộng, đương nhiên đi bằng phương tiện cá nhân phải trả mức phí cao hơn đi bằng phương tiện công cộng.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau)

Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau), Hà Nội cần hết sức thận trọng bởi khi dựng lên các trạm thu phí còn cần có nhân lực để quản lý, vận hành các trạm thu phí, như vậy chi phí sẽ khá lớn. Dự kiến xây dựng 100 trạm kiểm soát như một mạng lưới bủa vây nội đô.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải hết sức thận trọng vì chưa biết sẽ thu được bao nhiêu tiền nhưng chi cho đội ngũ quản lý sẽ tăng lên nhiều lần. Ông Vân dẫn chứng bằng câu chuyện TP.HCM trước đây lập ra đội ngũ quản lý thu phí dừng đỗ, đến nay phải bù lỗ.

“Bài học BRT vẫn còn đó cùng nhiều chính sách Hà Nội từng đưa ra nhưng không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Theo tôi, cần đánh giá một cách hết sức tổng thể tác động của việc thực hiện đề án, nhất là tác động đến nhân dân và cần lấy ý kiến người dân một cách rộng rãi qua một tổ chức độc lập theo Luật Trưng cầu ý dân”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng, thay vì thu phí vào nội đô như đề xuất của Hà Nội, nên chăng áp dụng hình thức bán vé dán vào biển số xe để dễ kiểm soát, việc kiểm soát có thể giao cho CSGT và Cảnh sát trật tự đô thị kiêm nhiệm.

Thanh Hà (VOV.VN)

Tin mới