(VTC News) - Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu chỉ vì bị bắn bụi mà hành hung người khác thì xã hội sẽ loạn.
Chiều 10/11, Công an TP Hà Nội cho biết đã xác định được nhóm đối tượng hành hung 2 luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân tại địa bàn xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Theo lời khai của các đối tượng, việc nhóm người này tấn công 2 luật sư là do xe ô tô của 2 luật sư phóng nhanh làm bụi bẩn dính lên người.
Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh những tình tiết mới của vụ việc 2 luật sư bị hành hung.
Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) |
- Quan điểm của ông thế nào khi Công an Hà Nội đã xác định nguyên nhân ban đầu việc 2 luật sư bị hành hung tại Chương Mỹ, Hà Nội?
Cơ quan điều tra có trách nhiệm riêng trong việc công bố kết luận sự việc. Vì bụi mà hành hung người khác đến mức gây thương tích thì vẫn phải khởi tố.
Việc kết luận có xử lý hình sự hay không hoặc xử đến đâu thì những cơ quan có chức năng phải tính. Có thể cơ quan điều tra đề nghị không khởi tố nhưng viện kiểm sát không đồng ý và vẫn truy tố, đưa ra tòa xét xử.
Những quy trình này phải đảm bảo và các nạn nhân có quyền có ý kiến về quy trình.
- Nếu cơ quan điều tra cho rằng thương tích của hai luật sư chưa tới mức phải khởi tố hình sự tội “cố ý gây thương tích” theo quy định của pháp luật hiện hành thì sao, thưa ông?
Việc này sẽ phải tính. Lâu nay chúng ta nói rồi, việc chia phần trăm thương tích để xem xét có khởi tố hay không là không được.
Tôi ví dụ, nếu anh đánh đập người khác như thế nhưng lại nói thương tích chưa đủ phần trăm là không được, phải kèm theo tiêu chí khác.
Lâu nay, tôi đã kiến nghị, phải có tội hình sự mà một số nước đã áp dụng là tội lưu manh, côn đồ. Lưu manh, côn đồ được ngăn chặn từ lúc hành vi đấy thì chính là đã ngăn chặn việc nghiêm trọng hơn chứ không đợi gây thương tích.
- Trong kết luận của Công an Hà Nội, chi tiết có cán bộ công an xã đi qua thấy vụ việc nhưng không can thiệp khiến ông suy nghĩ gì?
Việc này, tôi không thể quy kết được. Bởi có những công an trách nhiệm cao thấy việc gì cũng vào nhưng có những ông trách nhiệm kém, thấy đánh nhau nhưng không can thiệp vì không phải nhiệm vụ.
Tôi cho rằng trong vụ việc này đã có hành vi hành hung gây thương tích trong lúc luật sư đi hành nghề. Trách nhiệm điều tra, xác minh, xem xét có khởi tố không, có truy tố không, xét xử như thế nào là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, ở đây có điều nghiêm trọng là nếu chỉ chạy qua khiến bắn bụi như thế mà đã hành hung người ta thì xã hội sẽ loạn. Hành vi đó phải xem lại.
Khi áp dụng luật hiện hành thì có thể xem xét áp dụng nhiều loại tội khác nhau, không chỉ là là tội cố ý gây thương tích.
Hai luật sư bị hành hung |
- Cá nhân ông có trao đổi thêm bên hành lang Quốc hội với Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội xung quanh kết luận điều tra ban đầu gây băn khoăn, hoài nghi dư luận hay không?
Tôi có nói với anh Chung cố gắng làm nhanh lên rồi. Tôi tin tưởng Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung sẽ chỉ đạo việc này nhanh chóng, đúng pháp luật.
Trong khi họp quốc hội, tôi và anh Chung cũng thường xuyên trao đổi với nhau. Anh Chung có nói đây là những người có hành vi côn đồ chứ không phải là công an. Giờ phải chờ kết quả cuối cùng.
Sau khi xử lý xong xem có được đúng như vây không. Nếu không được thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến.
- Là người quan tâm đến vụ việc khi nhận được thông tin kết luận điều tra thì ông có cảm thấy bất ngờ không?
Nguyên tắc của tôi là dựa vào chứng cứ. Khi mà tôi không có chứng cứ khác thì không thể nói là gì khác. Chứng cứ hiện các cơ quan điều tra đang thu thập.
Theo Luật tố tụng hình sự chuẩn bị thông qua thì các luật sư (người bào chữa), bị can, bị cáo đều được quyền thu thập chứng cứ chứ không chỉ cơ quan điều tra. Đây là quy định rất tiến bộ, phù hợp với xu hướng chung thế giới.
Sắp tới đây, với những vụ việc này thì bên cạnh cơ quan điều tra thu thập chứng cứ thì luật sư cho những người bị hại cũng thu thập chứng cứ. Đây là đảm bảo nguyên tắc tranh tụng Hiến pháp 2013.
- Qua sự việc này, bản thân ông khi đi hành nghề luật sư liệu có phải cẩn thận hơn?
Như tôi đã phát biểu, tình trạng luật sư bị đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và đe dọa tính mạng, thậm chí tạt axit, gây thương tích nặng nề do hoạt động nghề nghiệp vẫn xảy ra nhưng mấy năm nay vẫn chưa điều tra ra.
Đây là một điều đáng báo động khi có xu hướng tăng lên. Hiến pháp, luật pháp nâng cao vai trò luật sư nhưng thực thi, đặc biệt cả trong quá trình tố tụng thì những người, cơ quan nào đó lại làm trái quy định luật pháp.
Việc điều tra, xét xử những hành vi xâm hại quyền hành nghề của luật sư quá chậm chạp, không đạt yêu cầu.
Còn tất nhiên bản thân tôi thì luôn luôn lo ngại không biết mình có thể tự bảo vệ mình không.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Thịnh