Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu Quốc hội nêu 7 thủ đoạn tội phạm sử dụng để rửa tiền

(VTC News) -

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu 7 thủ đoạn rửa tiền khác nhau mà cơ quan công an mất nhiều thời gian để điều tra, xử lý.

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) chiều 24/10, ông Nguyễn Minh Đức - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM - nêu 7 thủ đoạn tội phạm thường dùng để rửa tiền. 

Thứ nhất, rửa riền thông qua hình thức thành lập công ty vỏ bọc để mua bán khống hàng hoá. Thực tế, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ nhiều vụ án điển hình khi các đối tượng rửa tiền thành lập các công ty vỏ bọc, sau đó lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi rửa tiền, biến tiền bẩn thành tiền sạch.

Minh chứng là vụ việc của vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985) và Phạm Anh Tuấn (SN 1984, ở Tây Hồ, Hà Nội), cùng đồng phạm đã chuyển trái phép ra nước ngoài 30.000 tỷ đồng với hình thức thành lập 8 công ty khác nhau. 8 công ty này kinh doanh các ngành nghề khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng đều là xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài, thông qua đó chuyển ra nước ngoài 30.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

“Với những thủ đoạn rửa tiền tinh vi như vậy thì Luật phòng chống rửa tiền của ta đã đủ hành lang pháp lý để ngăn chặn chưa? Bản thân tôi thấy rằng các điều khoản trong dự thảo luật chưa đủ hành lang pháp lý để ngăn chặn hành vi này”, ông Đức nhấn mạnh.

Thứ hai, thủ đoạn thông qua nền tảng trò chơi trực tuyến, điển hình vừa qua là vụ thông qua các trò chơi điện tử để tổ chức đánh bạc trực tuyến lên tới hàng ngàn tỷ đồng liên quan đến Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.

Với hình thức này, người chơi có thể dùng tiền mặt để đổi thẻ (hay còn gọi là xèng) tham gia trò chơi, khi trò chơi kết thúc, có thể rút và đổi thẻ đó thành tiền mặt.

Như vậy, trong trường hợp đối tượng phạm tội rửa tiền, dùng tiền bẩn chơi những trò chơi trực tuyến, rồi đổi lại lấy tiền mặt, thì rõ ràng đây là hành vi rửa tiền rất tinh vi.

Thứ ba, núp bóng gây quỹ làm từ thiện, đi du lịch. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước từng ban hành quyết định 1437 năm 2001, quy định không được chuyển quá 5.000 USD ra nước ngoài, thế nhưng Nghị định 70 năm 2014 hướng dẫn thực hiện pháp lệnh ngoại hối sửa đổi lại không còn giới hạn chuyển tiền với số lượng như vậy.

Mục đích của nghị định giúp cho các giao dịch được thuận tiện hơn, nhưng đây cũng chính là điểm hở đối tượng có thể lợi dụng chuyển tiền cho người thân ra nước ngoài bằng nền tảng giao dịch trực tuyến.

Ví dụ như một trường hợp ở quận 7, TP.HCM vừa qua đi du lịch sang Bồ Đào Nha. Người này thông qua luật sư tại Bồ Đào Nha để mở tài khoản ngân hàng với tư cách là khách du lịch và tham gia vào một tổ chức từ thiện.

Sau đó, người này báo cho gia đình ở Việt Nam chuyển số tiền hơn 2.000 Euro trong vòng 24 giờ. Có thể thấy vì không bị giới hạn qua nền tảng giao dịch trực tuyến mà các đối tượng lợi dụng kẽ hở này để rửa tiền. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán lại để có sự kiểm soát tốt hơn.

Thứ tư, thủ đoạn rửa tiền thông qua hình thức chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được hưởng thừa kế. Đây là vấn đề mới, chưa có nhiều quy định ràng buộc.

Ngoài ra, còn có các thủ đoạn như: nhờ người thân mua bán, chuyển nhượng hoặc cho tặng bất động sản; mua bán cổ phiếu, trái phiếu; cung cấp các dịch vụ tiền ảo, bitcoin… cũng là những hình thức rửa tiền rất tinh vi.

Đặc biệt đối với tiền ảo, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhập hoạt động này nhưng rất nhiều hiệp hội hoặc tổ chức vẫn đang thực hiện hoạt động này. Ông Đức cảnh báo hình thức này cũng giống như trò chơi trực tuyến là dùng tiền thật để mua tiền ảo rồi đổi lại tiền thật. Như vậy các đối tượng có thể lợi dụng dùng tiền bẩn mua tiền ảo rồi rút ra thành tiền sạch.

Ngày 20/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền Chính phủ, trình Quốc hội dự Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).

Theo Thống đốc, việc sửa đổi luật Phòng chống rửa tiền lần này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục những thiếu hụt cơ sở pháp lý so với các khuyến nghị của Tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (FATF).

Một trong những điểm mới trong lần sửa đổi này là dự thảo luật hoá các quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ và bổ sung một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh bất động sản...

Dự thảo cũng bổ sung quy định trách nhiệm các tổ chức tham gia vào giao dịch tiền điện tử phải có chính sách, quy trình quản lý rủi ro, nhằm kiểm soát hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ với các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác.

Dự luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp. Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ dự thảo luật này vào ngày 24/10, tại nghị trường ngày 1/11 và thông qua vào cuối kỳ họp thứ 4.

Hà Cường

Tin mới