Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại biểu Quốc hội: 'Lương chưa tăng, giá cả nhanh chân chạy trước'

(VTC News) -

ĐBQH lo lương chưa tăng mà giá cả nhanh chân chạy trước và cho rằng tăng lương chỉ thực sự có giá trị khi thực hiện thành công biện pháp bình ổn giá cả thị trường.

Thảo luận trong phiên làm việc sáng 27/10 của Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, một số đại biểu nhắc đến thống kê gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức bỏ việc, chuyển việc. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là mức thu nhập không đảm bảo, do đó việc tăng lương cơ sở càng trở nên cấp thiết.

Lương chưa tăng, giá cả nhanh chân chạy trước

"Cử tri lo lương chưa tăng, mới rục rịch tăng mà giá cả nhanh chân chạy trước. Giá, lương, tiền cái nào đứng trước cái nào luôn là điều mà người lao động quan tâm. Giá tăng, phí tăng dồn gánh nặng lên vai người lao động, chi phối từng bữa cơm hằng ngày. Tăng lương cơ sở, cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị khi Chính phủ thực hiện thành công biện pháp bình ổn giá cả thị trường", đại biểu Nguyễn Huy Thái nêu quan điểm.

Đại biểu tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn, từ 1/1/2023 để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn. Ông Nguyễn Huy Thái nhấn mạnh cải cách tiền lương là vấn đề vô cùng cấp thiết, bởi việc tăng lương cơ sở ở thời điểm hiện tại là rất quý, nhưng chưa đủ phá bỏ chênh lệch lương khu vực công và khu vực tư.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu).

"Đây là món quà vô cùng ý nghĩa cho những người làm công ăn lương, đã gần 3 năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn vì đại dịch", đại biểu tỉnh Bạc Liêu nói thêm.

Chung quan điểm như đại biểu Nguyễn Huy Thái, đại biểu Thái Thu Xương chia sẻ: "Cử tri rất vui mừng khi Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở, nhưng tôi đề xuất thời gian tăng lương càng sớm càng tốt, từ 1/1/2023".

Đại biểu này cũng đề nghị có thêm các biện pháp kiềm chế lạm phát để tránh tình trạng giá tăng nhanh hơn thu nhập: "Lương tăng một đồng, giá tăng 2 đồng, đời sống người dân càng khó khăn hơn, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Tha thiết mong Chính phủ đưa ra quyết định phù hợp".

Đại biểu Thái Thu Xương

Tăng lương chưa đủ giữ chân công chức, viên chức

Đại biểu Nguyễn Huy Thái đặt câu hỏi lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không. Nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi mà cần sớm thực hiện cải cách tiền lương.

Trước đó, đại biểu Thái Thu Xương nêu vấn đề làn sóng nghỉ việc, chuyển việc ở khu vực công chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Cụ thể, trong tổng số gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc tính từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2022, tỷ lệ ở lĩnh vực y tế lên tới hơn 30%, lĩnh vực giáo dục là hơn 41%.

Theo đại biểu Thái Thu Xương, nguyên nhân của tình trạng này là áp lực công việc quá cao, cường độ lớn, đặc biệt trong thời kỳ dịch COVID-19 khi cán bộ ngành y tế phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày trong môi trường nguy hiểm. Công chức, viên chức ngành giáo dục cũng chịu nhiều áp lực do thay đổi điều kiện làm việc trong mùa dịch. Tuy nhiên, 2 lực lượng này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng với công sức bỏ ra.

Ngoài giải pháp tăng lương cơ sở và điều chỉnh chế độ tính lương, đại biểu Thái Thu Xương cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu xem xét sửa đổi nghị định 56 ngày 4/7/2011 của Chính phủ về phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức tại cơ sở y tế công lập, xem xét nâng lương khởi điểm với bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nhân lực ngành y tế.

Nhiều đại biểu khác cũng nhắc đến vấn đề cán bộ công chức, viên chức rời khu vực công hàng loạt và chỉ ra nguyên nhân đến từ thu nhập. Ngoài ra, môi trường làm việc cũng là một yếu tố cần được xem xét để tìm ra giải pháp ngăn chặn làn sóng này.

"Tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng tăng. Thực tế này là vấn đề đặt ra cho hoạt động quản trị của Chính phủ", đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm.

"Nguyên nhân của hiện tượng này là tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc. Thực tế cho thấy tiền lương và thu nhập trong khu vực công thường thấp hơn nhiều so với bên ngoài và thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập bởi ràng buộc của các quy định pháp lý. Các quy định này thường có độ trễ so với thực tiễn, và khả năng của ngân sách".

Cũng theo đại biểu tỉnh Kon Tum, nhiều cán bộ công chức nghỉ việc, chuyển việc còn vì nguyên nhân khác là áp lực quá lớn, do yêu cầu của công việc còn là trách nhiệm đối với nhân dân. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội có biện pháp để đảm bảo sự hài hòa giữa thu nhập và trách nhiệm, vai trò "công bộc của dân" , quan tâm đúng mức đến thu nhập cán bộ công chức viên chức bằng cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc. 

Ngọc Anh

Tin mới