Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại biểu Quốc hội hiến kế hỗ trợ doanh nghiệp đang 'hấp hối' bởi đại dịch

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội cho rằng Việt Nam còn nhiều dư địa để nghiên cứu đưa ra các gói kích thích bằng việc nâng trần nợ công nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chỉ tiêu vĩ mô.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 8-9/11, Quốc hội họp tập trung thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đưa ra đề xuất Chính phủ tăng cường gói hỗ trợ mới, đồng thời khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành nhằm cung cấp "oxy” cho doanh nghiệp đang “hấp hối” bởi đại dịch COVID-19. 

Đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ tăng cường gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. Ông So nhấn mạnh việc tiếp cận gói hỗ trợ còn khó khăn, trong khi doanh nghiệp đang đối mặt nhiều vấn đề. “Cần tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, nhanh chóng giải ngân, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận”, ông nói.

Ông So cũng đề xuất nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Việt Nam còn nhiều dư địa để nghiên cứu đưa ra các gói kích thích đủ lớn bằng việc nâng trần nợ công nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chỉ tiêu vĩ mô.

Một nút thắt nữa cần phải giải quyết nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển, đó là mở rộng thị trường. Theo đại biểu So, đây là nhiệm vụ sống còn và phát triển kinh tế. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài làm cho nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương. Do đó cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số. Xây dựng Trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực tế, đợt bùng phát dịch thứ 4 để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động phải hồi hương do mất việc làm. Bà Thủy đề nghị Chính phủ cần tăng cường triển khai các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ. Bà Thủy cho rằng nếu triển khai chậm thì nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường cùng với nhiều việc làm bị mất đi.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng nhấn mạnh, cần có những gói kích thích kinh tế hợp lý hỗ trợ trực tiếp hiệu quả doanh nghiệp. Doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế song ông An cho rằng thực tế sự quan tâm thời gian qua vẫn còn chưa đủ.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng lợi nhuận các ngân hàng vẫn còn cao, chưa hài hoà với khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi”, ông An nói.

Ông An dẫn thống kê cho thấy mới đang có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng. Còn lại 70% vẫn phải sử dụng các nguồn vốn đi vay từ các nguồn không chính thức với lãi suất cao.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong việc bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế, xã hội.

Do đó, ông Khải đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp.

"Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", đại biểu nêu ý kiến.

Mới đây, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, cần đưa ra một số gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kể cả chấp nhận tăng bội chi. Còn sau đó, khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì sẽ tính toán giảm tỷ lệ bội chi. 

Ông Phớc thông tin thêm, Bộ Tài chính đang đề xuất một số chính sách tài khóa, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, có thể trích từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ở những ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm. Tiếp đó là phát hành công trái, trái phiếu trong nước.

"Tổng các gói hỗ trợ đang thiết kế nên chưa có số lượng cụ thể, cần nhiều cơ quan tham mưu đưa ra phương án để trình các cấp", ông Phớc nói.

Ngọc Vy

Tin mới