Những ngày qua, sau khi TP.HCM và một số địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, hàng trăm nghìn người dân từ các tỉnh phía Nam bằng đủ loại phương tiện lên đường về quê ở miền Trung và miền Bắc. Nhiều người chở theo đồ đạc, con nhỏ vượt hãng nghìn km bất kể ngày đêm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng dù việc người dân ồ ạt đổ về quê là tự phát, tuy nhiên trách nhiệm của chính quyền các địa phương là phải chủ động đảm bảo an toàn cho người dân.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
- Từng đoàn người từ các tỉnh phía Nam đang vượt hàng nghìn km về quê ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, có người chở theo con nhỏ, phải ăn ngủ ngay bên đường. Chứng kiến cảnh tượng như vậy, là ĐBQH, cảm xúc của ông thế nào?
Dịch COVID-19 hoành hành nhiều tháng khiến người lao động cực kỳ khó khăn. Ở những nơi bị phong toả, mặc dù đã có chủ trương rất quyết liệt, vận động cả quân đội, công an chi viện, lo cuộc sống sinh hoạt cho người dân nhưng chỉ ở mức độ nào đó. Bởi vậy, sau khi nới lỏng giãn cách, người dân được phép về quê thì họ đã đổ về các tỉnh bằng xe máy rất đông.
Dù ban đầu một số địa phương đã có kế đưa đón người dân bằng ô tô nhưng không dự trù được số người đăng ký và việc người dân về tự phát, ồ ạt bằng xe máy đã dẫn đến “vỡ trận”.
Người lao động về các tỉnh miền Nam, miền Tây thì đỡ nhưng khổ nhất là những người về miền Trung, thậm chí miền Bắc, phải đi cả nghìn cây số bằng xe máy. Nhìn thấy cảnh tượng người lao động phải đi cả ngày lẫn đêm, dưới mưa nắng, có những cặp vợ chồng chở theo con nhỏ thật rất đau xót.
Người dân buộc phải trở về quê vì không còn cách nào khác, cuộc sống ở thành phố thời gian qua đã quá cực khổ rồi, tiền không có, lương thực thực phẩm không đầy đủ. Bên cạnh đó việc giãn cách nhiều tháng khiến cho chồng xa vợ, cha mẹ xa con… dẫn đến chuyện tình cảm, tương thân tương trợ thiếu thốn nhiều, nên sau khi nới lỏng giãn cách thì người dân đi về quê cũng là nhu cầu chính đáng.
Một khó khăn nữa đối với việc người dân đổ về quê đó là các tỉnh không thống nhất với nhau về áp dụng biện pháp phòng chống dịch với những người này.
Có những tỉnh chỉ cách ly tập trung đối với những người là F0, có những tỉnh lại yêu cầu bất cứ người dân nào về đều phải cách ly, sau khi xét nghiệm, sàng lọc đảm bảo đầy đủ mới cho về nhà, và về nhà vẫn phải cách ly tại nhà.
Người ta đã khó khăn ở TP.HCM, ở Bình Dương rồi mà về nhà vẫn tiếp tục trải qua khó khăn nữa vì vẫn tiếp tục phải giãn cách, mà giãn cách tập trung chứ không phải ở nhà. Phải nói là vô cùng khó khăn, vô cùng cực khổ.
Việc thống nhất trong chỉ đạo chung của cả nước từ cấp vĩ mô đến cơ cở còn chưa có sự nhất quán, mỗi địa phương một phương án sẽ rất khó cho người dân.
- Thủ tướng vừa ban hành công điện yêu cầu các địa phương lập danh sách và đưa đón người lao động đảm bảo an toàn. Theo ông các địa phương cần phải làm gì?
Các tỉnh phải chịu trách nhiệm. Mặc dù người dân đi xe máy là tự phát nhưng các địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn và các tỉnh phải liên kết, phối hợp với nhau.
Tôi thấy hiện nay các tỉnh phía Nam đã và đang thực hiện được chủ trương đó. Tuy nhiên một khó khăn là trong miền Nam đang là mùa mưa, mà người dân tập trung đi lại đông bằng xe gắn máy như vậy sẽ rất khó khăn.
Cả tuần lễ nay ngày nào cũng có những đoàn người về, việc đi lại như vậy có nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và việc cung cấp lương thực thực phẩm.
Tuy nhiên, các đoàn xe nếu có xe dẫn đường của cảnh sát thì tôi nghĩ sẽ ổn.
Ở đây chính sách của địa phương tuy mỗi nơi mỗi khác nhưng dù cách nào cũng phải đảm bảo chung làm sao cuộc sống của người dân được an toàn, đảm bảo.
Sự giúp đỡ của địa phương là rất quan trọng vì hầu như những người này tiền bạc đều đã hết, có người mang trong túi chỉ còn được vài chục nghìn, có người thậm chí còn không có tiền phải nhờ những người xung quanh giúp đỡ, tương trợ.
Tôi nghĩ các địa phương có trách nhiệm, có gói hỗ trợ, giảm bớt khó khăn trong điều kiện hiện nay.
- Ông vừa nhắc đến yếu tố thời tiết, hiện nay không chỉ miền Nam đang vào mùa mưa mà miền Trung và miền Bắc đang phải đối mặt với mưa bão, việc đảm bảo an toàn đi lại cho người dân khi di chuyển bằng xe máy cần được triển khai thế nào, thưa ông?
Các địa phương cần cứ tình hình thực tế để lên phương án, cần có trách nhiệm đưa đón người dân qua địa bàn của mình, bằng cách nào, như thế nào thì tuỳ thuộc vào các địa phương nhưng phải đảm bảo an toàn khi mưa bão ảnh hưởng.
pham-van-hoa.jpg
Người dân đã quá cực khổ, đã quá khó khăn rồi họ mới phải đi về quê.
ĐBQH Phạm Văn Hoà
Điểm vô cùng khó hiện nay đó là người dân đi về một cách tự phát, họ đi bằng xe gắn máy một cách ồ ạt.
Đây là việc chưa có tiền lệ cho nên các địa phương cảm thấy rất lúng túng trong việc đưa đón.
Tôi nghĩ chính quyền địa phương cũng như ngành y tế và cả hệ thống trị phải vào cuộc, có phương án làm sao đảm bảo như Thủ tướng chỉ đạo là an toàn tuyệt đối, không để lây lan dịch bệnh cũng như để người dân hao mòn sức khoẻ, ảnh hưởng đến tư tưởng.
- Một số ý kiến đề xuất về phương án dùng tàu hoả, ô tô để đưa người dân về quê, ông đánh giá thế nào?
Điều khó khăn nhất hiện nay với các địa phương là người dân ồ ạt đi về một cách tự phát nên việc đưa đón rất khó khăn.
Đối với những người đã chạy xe máy rồi nếu đón người thì phương tiện của họ phải giải quyết như thế nào? Nếu để ô tô khách, ô tô tải chở sẽ rất lộn xộn vì số lượng quá lớn. Việc kiểm soát ra sao, mất mát hư hao ai chịu trách nhiệm?
Đề xuất là hợp lý nhưng phải tính toán thật kỹ lưỡng, rành mạch. Điều này không hề đơn giản.
Tôi nghĩ tạm thời thì tỉnh nào tỉnh đó có trách nhiệm với nhau. Mỗi tỉnh tính toán sắp xếp cho người dân, nếu không mưa bão thì người dân đi xe gắn máy, cần có ô tô cảnh sát dẫn đường, nhà nước sẽ hỗ trợ đi lại từ chi phí xăng xe. Còn nếu mưa bão có chỗ trú tại nơi rộng rãi, an toàn.
Việc đưa đón bằng tàu hoả, ô tô khách hiệu quả nhất khi các địa phương chủ động phương án và người dân thực hiện theo, còn ở đây việc người dân đi lại là tự phát, tự động bỏ về khiến các địa phương không lường hết được khả năng.
Trước đó một số địa phương đã có phương án đưa đón người lao động bằng ô tô, tuy nhiên số lượng người dân đăng ký không nhiều, có người cho rằng việc đăng ký rườm rà, bận bịu chuyện này chuyện kia nên họ quyết định đi xe máy cho tự do.
Còn nếu có thể sử dụng tàu chở người từ Nam ra Bắc thì mỗi chuyến có thể chở được hàng trăm, thậm chí cả nghìn người thì chỉ cần vài chuyến là xong. Lỗi ở đây là do người dân quá khó khăn, cực khổ nên đã tự đi về, vì vậy nhà nước phải can thiệp, giúp đỡ.
- Việc người dân ồ ạt về quê như vậy sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, trong đó là thiếu hụt nhân lực cho TP.HCM, Bình Dương... khi phục hồi và phát triển kinh tế?
Sắp tới sẽ rất khó khăn khi TP.HCM, Bình Dương trở lại cuộc sống bình thường. Nhân lực cực kỳ quan trọng, việc thiếu hụt nhân lực là yếu tố rất khó khăn cho việc phục hồi kinh tế từ nay đến cuối năm.
Mà hiện nay theo quan sát, số lượng người đổ về các tỉnh lên đến cả trăm nghìn người nên việc thiếu hụt lực lượng rõ ràng là rất lớn.
- Vậy nên có giải pháp vận động, khuyến khích hơn nữa để người dân ở lại các thành phố và thêm các gói hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống cho họ, thưa ông?
Hiện các địa phương đã khuyến khích, vận động người dân ở lại nhưng người dân không chịu. Các gói hỗ trợ hiện cũng có nhưng chưa tới tay người dân hoặc đến rất nhỏ giọt nên không đảm bảo cuộc sống cho họ.
Kêu gọi thế nào người dân cũng không đồng ý, ở lại là họ thiếu thốn rất nhiều, từ tiền ăn uống, nhà trọ, tiền học hành của con cái nhưng trong túi lại không có tiền. Dù nhà nước đã hỗ trợ, hỗ trợ 3-4 đợt rồi nhưng không thấm.
Người dân ngay cả khi về quê cũng khó khăn vì họ sẽ thiếu công ăn việc làm. Vì vậy sau khi chúng ta triển khai đầy đủ việc tiêm chủng, ngăn ngừa được COVID-19 thì người dân sẽ quay trở lại.
- Xin cảm ơn ông!