Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu Quốc hội đề xuất lập 'siêu đô thị' trực thuộc thành phố

(VTC News) -

Đề cập nội dung thành phố trong thành phố, ông Nguyễn Quang Huân đề nghị cân nhắc đưa thêm khái niệm "siêu đô thị" vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Sáng 25/10, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đề nghị bổ sung khái niệm "siêu đô thị" trong quy hoạch thành phố trong thành phố.

Đại biểu lý giải, trước đây có thành phố trực thuộc tỉnh nhưng hiện nay có thành phố thuộc thành phố, tên gọi như vậy sẽ nhầm lẫn.

"Chúng ta có nên đưa khái niệm "siêu đô thị" vào trong dự thảo luật lần này để tránh tình trạng phải gọi TP Thủ Đức thuộc TP.HCM hoặc sau này có TP Thủy Nguyên thuộc TP Hải Phòng. Trong Điều 4 của dự thảo có 6 loại đô thị, trong đó có loại đô thị đặc biệt. Vậy những đô thị đặc biệt có nên gọi là metropolis - siêu đô thị hay không?", đại biểu Nguyễn Quang Huân đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề nghị bổ sung khái niệm về "công trình ngầm" trong Điều 2 của dự thảo luật để tránh các trường hợp diễn giải khác nhau trong tương lai.

Về quy định về bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 9) còn quá chung chung, cần cụ thể hóa hơn, ví dụ như quy hoạch quản lý rác thải đô thị. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng hơn về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn lực hỗ trợ quy hoạch, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích khi các nhà đầu tư tư nhân tài trợ.

Về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc trung ương, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng Điều 21 về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc trung ương quá chi tiết, có thể gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện, đề nghị cân nhắc viết theo hướng bao quát hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cân nhắc giảm bớt các quy hoạch chi tiết, đơn giản như quy hoạch cấp nước, vì quá nhiều quy hoạch sẽ gây rắc rối, thay vào đó có thể quy định chung trong luật, còn các bước cụ thể để lập quy hoạch có thể để trong các quy định ngành.

Góp ý về Điều 6, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) cũng đề nghị cần làm rõ cụm từ “đô thị lớn”, đồng thời xác lập các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị.

Đại biểu đề nghị làm rõ các khái niệm "khu chuyển đổi chức năng", "khu hạn chế phát triển", "khu phát triển mới", "khu dự trữ phát triển" và hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện và biện pháp quản lý.

Bên cạnh đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu với Chính phủ về công tác lập quy hoạch, vì nội dung chính của dự thảo luật này gắn liền với quy hoạch đất đai. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. (Ảnh: quochoi.vn)

Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại phiên họp, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến các dự án xây dựng của doanh nghiệp, người dân, đến nhiều quy định của các luật khác, cũng như nhiều loại quy hoạch…

Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất thận trọng, rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan về quy hoạch…

Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo Luật đã quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch cấp quốc gia, vùng cũng được quy định cụ thể. 

“Nội dung này đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch về phân khu, quy hoạch chi tiết, có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa… Các nội dung này đã được giải trình, tiếp thu, giải trình rõ trong Báo cáo số 983 gửi đến các đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ. 

Minh Tuệ

Tin mới