Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu Quốc hội có bản lĩnh thì không ngại phiếu cao hay thấp

(VTC News) -

“Với tôi, uy tín thực sự của một đại biểu Quốc hội là lời hứa và việc làm trước cử tri phải nhất quán, sao cho xứng đáng với mỗi lá phiếu bầu cho mình”.

Danh sách gần 500 đại biểu Quốc hội khóa XV vừa được Hội đồng Bầu cử Quốc gia chính thức công bố. Trong đó, tỷ lệ trúng cử của từng đại biểu là nội dung được nhiều cử tri quan tâm.

Với những người lần đầu trúng cử thì rõ ràng, số phiếu bầu cao cũng là động lực giúp họ bước vào nhiệm kỳ mới một cách tự tin. Còn với những đại biểu có kinh nghiệm nghị trường, họ lại có những suy nghĩ khác. Với họ, nếu có bản lĩnh và thực lòng trách nhiệm với cử tri thì họ không ngại phiếu cao hay thấp.

Tỷ lệ phiếu bầu cao hay thấp chưa nói lên điều gì

PGS.TS Đinh Xuân Thảo

PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, cho biết, 4-5 nhiệm kỳ gần đây, dư luận ngày càng dành nhiều sự quan tâm đến tỷ lệ phiếu bầu của mỗi người trúng cử.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Đinh Xuân Thảo, tỷ lệ phiếu bầu cao hay thấp chưa nói lên điều gì, vấn đề quan trọng là người trúng cử sau này hoạt động thế nào. Người có tỷ lệ phiếu bầu thấp, có thể do cử tri chưa hiểu rõ về ứng cử viên đó nên số phiếu thấp, nhưng sau này người ta lại hoạt động rất tốt, cũng có người được số phiếu bầu cao, sau này hoạt động chưa chắc đã tốt.

Việc công bố tỷ lệ phiếu bầu đối với mỗi người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được quy định cụ thể trong luật. Cụ thể, theo các Điều 84, 86 của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND, Hội đồng Bầu cử Quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử.

Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội có nhiều nội dung, trong đó có ghi số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử và danh sách những người trúng cử theo từng đơn vị bầu cử.

Uy tín của đại biểu là lời hứa và việc làm phải nhất quán

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Đã từng làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội 2 khóa XIII và XIV, vừa tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Cà Mau với 72,68% số phiếu bầu, ông Lê Thanh Vân chia sẻ, ông không ngại khi tỷ lệ phiếu bầu cho mình ít hay nhiều, cao hay thấp, điều ông quan tâm là mình có thể thực hiện đến đâu những lời hứa trước cử tri.

“Với tôi, uy tín thực sự của một đại biểu Quốc hội là lời hứa và việc làm trước cử tri phải nhất quán, sao cho xứng đáng với mỗi lá phiếu bầu cho mình. Theo quy định của pháp luật thì Quốc hội được hợp thành từ các đại biểu Quốc hội. Muốn Quốc hội hoạt động thực chất, có thực quyền thì mỗi đại biểu Quốc hội được bầu ra phải thực sự đại diện cho tinh hoa trí tuệ của nhân dân. Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào sự sáng suốt lựa chọn của mỗi cử tri và đó cũng chính là quyền, là nghĩa vụ của mỗi công dân trong xây dựng, kiến tạo Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, ông Lê Thanh Vân bày tỏ.

Ông Bế Minh Đức, đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng vừa tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Cao Bằng với tỷ lệ phiếu bầu 72,45%, cho rằng, có thể với những người lần đầu ứng cử và trúng cử sẽ có suy nghĩ khác, nhưng với cá nhân ông, khi đã được cử tri tín nhiệm và bầu chọn thì đều mang một trách nhiệm lớn như nhau.

“Khi được tái cử, tôi thấy trách nhiệm của mình trước Nhân dân, cử tri vẫn như vậy, không thay đổi, so với thời điểm 5 năm trước khi lần đầu tiên tôi trúng cử”.

Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức

Đại biểu Bế Minh Đức chia sẻ như vậy, đồng thời cho rằng, điều mà ông còn trăn trở là trong nhiệm kỳ khóa XIV, tuy đã cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành những nhiệm vụ được giao cũng như những kỳ vọng của cử tri, nhưng nhiều công việc ông muốn phát huy thêm mà chưa có điều kiện để thực hiện.

Ông hy vọng ở nhiệm kỳ mới, cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy chính quyền, địa phương và của nhân dân, ông sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện để tiếp tục phát huy hết khả năng và trách nhiệm của mình, hoàn thành những nội dung mà ông trăn trở, tâm huyết.

Có thể, với nhiều ứng cử viên, việc họ trúng cử đại biểu Quốc hội với tỷ lệ phiếu bầu cao hay thấp không nói lên điều gì, họ có thể cảm thấy vinh dự, tự hào khi nhận được số phiếu bầu cao, nhưng cũng không ngại ngần khi tỷ lệ phiếu bầu còn thấp.

Nói như ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII thì người đại biểu có tâm huyết, trách nhiệm sẽ tìm ra cách thức, tìm ra con đường để tháo gỡ, cởi bỏ những khúc mắc, trăn trở của cử tri.

Thanh Hà (VOV.VN)

Tin mới