Ngày 11/2, tiếp tục chương trình phiên hợp thứ 42, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Quochoi.vn)
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay thì cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37%, 40% tổng số ĐBQH hoặc cao hơn nữa.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo thể hiện thành hai phương án để xin ý kiến. Phương án một là giữ quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 175 đại biểu) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.
Phương án hai là quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 200 đại biểu).
"Trên cơ sở phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tán thành phương án 1", ông Tùng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. (Ảnh: Quochoi.vn)
Góp ý về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nếu tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách lên 37- 40%, sẽ có thêm cơ hội để thu hút các chuyên gia, các cán bộ từng công tác tại các bộ, ngành, tổ chức xã hội mà có uy tín, trình độ, sức khỏe tiếp tục ứng cử làm ĐBQH để cống hiến.
"Nếu tỉ lệ được tăng lên như vậy thì có thể dành từ 3-5% số ĐBQH cho những người có kinh nghiệm như vậy", Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, luật hiện hành quy định tỉ lệ ĐBQH là 35% là số tối thiểu nên hoàn toàn có thể nâng tỉ lệ này lên. Tuy nhiên, trong thực tế thì chưa bao giờ số ĐBQH chuyên trách đạt tỉ lệ này mà cao nhất mới chỉ đạt 34% bởi khi bầu một ĐBQH còn liên quan đến cơ cấu, tiêu chuẩn.