Bức xúc trước hàng loạt vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, con giết bố, chồng giết vợ, anh giết em, gần đây nhất là vụ việc 3 con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) băn khoăn phải chăng những giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là luôn biết ơn "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" hay tình cảm "anh em như thể tay chân" đã không còn được coi trọng, hay do các quy định của pháp luật còn chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe để các đối tượng bất chấp luân thường đạo lý, coi thường pháp luật mà phạm tội.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết, tội phạm giết người thời gian qua đã tăng 13,17%, tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, đặc biệt xảy ra một số vụ giết người mà nạn nhân là người thân tăng 4,83%.
Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái.
Nhấn mạnh, tội giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, hơn nữa đây còn là các vụ án mà nạn nhân là người thân, mỗi vụ án xảy ra đều quá xót xa, đại biểu cho rằng các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an đánh giá nguyên nhân dẫn đến gia tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, nhất là các vụ việc mà nạn nhân là người thân trong gia đình. Từ đó, chúng ta có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong đấu tranh phòng ngừa, đánh giá về chế tài xử phạt đối với tội giết người trong các quy định của pháp luật hiện hành liệu đã đủ sức răn đe loại tội phạm nguy hiểm này hay chưa.
Cùng đó, Chính phủ cần có các biện pháp quyết liệt, căn cơ, phòng ngừa các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội nói chung và nguyên nhân mâu thuẫn gia đình nói riêng; phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở; có biện pháp thống kê những đối tượng có nguy cơ phạm tội, những vụ việc tranh chấp đã được các tổ chức hòa giải tại cơ sở thực hiện hòa giải nhưng không thành.
Các vụ việc có thể từ những mâu thuẫn âm ỉ trong cuộc sống hằng ngày cho đến những mâu thuẫn bộc phát, đặc biệt là tình trạng lạm dụng rượu, bia, làm giảm khả năng kiểm soát hành vi đã gây ra những vụ án thương tâm để đưa vào danh mục, những vụ việc, những đối tượng thường xuyên theo dõi, kịp thời đấu tranh, phòng ngừa vi phạm ngay từ ban đầu.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương phát huy tối đa vai trò của các tổ chức hòa giải tại cơ sở, quan tâm giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong xã hội, kịp thời hòa giải ngay từ ban đầu để ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Các cơ quan tố tụng tại địa phương cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử những vụ án giết người, nhất là các vụ án gây bức xúc dư luận, lựa chọn một số vụ án điểm để đưa ra xét xử lưu động, công khai, nhằm tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa chung.
Đặc biệt, theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa lực lượng Công an Nhân dân và các nhà trường, tổ chức chính trị xã hội để nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên không chỉ về pháp luật mà còn định hướng về tu dưỡng đạo đức, nhân cách, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về pháp luật sâu rộng của người mỗi người dân, mỗi thành viên trong gia đình bằng nhiều hình thức, đặc biệt là quan tâm hơn nữa công tác giáo dục con em, thế hệ trẻ coi trọng tình cảm gia đình, phát huy những truyền thống tốt đẹp, đạo đức, chuẩn mực của con người Việt Nam.