Sáng 26/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Trang bị máy bay cho Cảnh sát cơ động?
Phát biểu từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định về trang bị phương tiện máy bay, tàu biển cho Cảnh sát cơ động là không hợp lý. Bởi lực lượng Phòng không không quân, Cảnh sát biển, bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư đã có máy bay và tàu biển.
"Tại sao chúng ta không sử dụng lực lượng và phương tiện kỹ thuật này khi cần thiết để có sự phối hợp? Quân đội sẽ sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, Cảnh sát cơ động khi cần thiết để làm nhiệm vụ", đại biểu Hoà đặt câu hỏi.
ĐBQH Phạm Văn Hoà phát biểu tại phiên thảo luận.
Theo ông Hoà, nếu trang bị máy bay, sân bay, tàu biển cho Cảnh sát cơ động sẽ gây tốn kém ngân sách, sau đó lại phải trang bị kỹ thuật, huấn luyện thường xuyên kỹ thuật sân bay, tàu bay riêng. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có điều kiện chính trị, trật tự xã hội ổn định.
"Theo đánh giá chủ quan của tôi, những vấn đề như khủng bố, biểu tình, bạo loạn ở nước ta so với các quốc gia khác trên thế giới là hiếm và sẽ rất ít xảy ra. Cho nên, khi cần thiết bị, trang bị có thể sử dụng các phương tiện của quân đội sẽ hợp lý hơn bởi công an với quân đội như anh em ruột thịt. Từ đó, có thể sử dụng phương tiện sẵn có mà không cần phải mua mới", đại biểu Hòa nêu quan điểm.
Từ hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, tranh luận với đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, cần khẳng định Cảnh sát cơ động là lực lượng chống khủng bố, bạo loạn, đảm bảo an ninh trật tự. Do vậy, đây là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất của công an trong lĩnh vực này. Đại biểu Thịnh cho rằng không thể nói vì tiết kiệm mà chúng ta không trang bị cho lực lượng Cảnh sát cơ động.
Theo đại biểu Thịnh, nếu như lực lượng này ngăn chặn được khủng bố, bạo loạn, trật tự an ninh quốc gia thì không thể đong đếm bằng đồng tiền. Chúng ta phải khẳng định, cứu được con người và giải quyết vấn đề quốc gia thì không gì có thể đong đếm được.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lực lượng cảnh sát cơ động cần phải trang bị một cách hiện đại nhất. Do vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng trang bị máy bay, sân bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, lực lượng Cảnh sát cơ động hoàn toàn có thể sử dụng máy bay khi thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt.
Ông Thắng cũng nêu vấn đề là có cần phải trang bị riêng máy bay cho lực lượng Cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ thay bằng việc có thể phối hợp với lực lượng khác. Thực tiễn hiện nay cho thấy, chúng ta có đầy đủ khả năng để thực hiện việc này.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị).
“Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, một bên là cảnh sát cơ động cần thiết phải sử dụng máy bay và một bên là Cảnh sát cơ động có cần thiết phải trang bị máy bay hay không?”, đại biểu Hoàng Đức Thắng đặt vấn đề.
Đại biểu Thắng cũng cho rằng chúng ta cần làm rõ việc phối hợp, huy động lực lượng phương tiện thì sẽ tốn nguồn lực hơn hay tiết kiệm, hiệu quả hơn hơn. Trong trường hợp này, có phải là "nhất cử lưỡng tiện" hay không?.
Từ đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cân nhắc kỹ, đánh giá tác động nhiều chiều, lấy ý kiến ĐBQH cụ thể về vấn đề này trước khi thống nhất, vì đây là vấn đề có tác động rất lớn.
Nêu quan điểm “việc trang bị máy bay cho lực lượng Cảnh sát cơ động tiêu tốn rất nhiều nguồn lực quốc gia”, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, trong bối cảnh chung hiện nay thì chúng ta nên tiết kiệm. Việc tiết kiệm là theo hướng nên phát huy hết công năng chứ không phải trang bị thêm nhiều những cơ sở vật chất.
Quyền huy động người, thiết bị của cảnh sát cơ động
Thảo luận trực tuyến tại Quốc hội, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, dự thảo luật quy định CSCĐ có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong trường hợp cấp bách.
Tuy nhiên, bà Mai đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ thẩm quyền của CSCĐ trong huy động người, phương tiện, thiết bị trong trường hợp cấp bách cũng như trình tự, thủ tục huy động người, phương tiện, thiết bị trong trường hợp này để đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị làm rõ quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của CSCĐ trong trường hợp cấp bách.
"Việc huy động người và trên cơ sở tự nguyện để đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Các nhiệm vụ CSCĐ có tính chất đặc thù, do đó nếu người được huy động không đảm bảo các yêu cầu của nhiệm vụ sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân, đồng thời ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ đề ra", bà Mai nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ phạm vi thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ nhằm tránh chồng chéo với các lực lượng khác.
Cụ thể, dự thảo luật quy định CSCĐ sử dụng biện pháp vũ trang và tuần tra, khảo sát, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, chưa rõ nhiệm vụ này có chồng lấn với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam của Cục Cảnh sát biển Việt Nam hay nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát quản lý bảo vệ biên giới quốc gia của Bộ Quốc phòng hay không.
Đồng quan điểm với đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương ) cho rằng, dự thảo luật nhiều lần sử dụng từ "cấp bách" hay từ "tình huống cấp bách", "trường hợp cấp bách". Do đó, bà Nga đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung phần giải thích từ ngữ, làm rõ nội hàm, ngữ nghĩa của từ "cấp bách", trong trường hợp nào là cấp bách, tình huống nào là cấp bách?
"Bởi những quyền hạn của CSCĐ hay việc huy động người, phương tiện của CSCĐ hết sức đặc thù, có những trường hợp liên quan đến quyền con người, quyền tải sản. Cho nên chúng ta phải quy định rõ trường hợp nào được coi là cấp bách để tránh việc lạm dụng không cần thiết", đại biểu Nga nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Đình Chung đề nghị làm rõ "trường hợp cấp bách" để Tư lệnh CSCĐ và giám đốc công an tỉnh, thành phố được điều động CSCĐ để thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Trần Đình Chung (đoàn Đà Nẵng) cũng đề nghị làm rõ "trường hợp cấp bách" để Tư lệnh CSCĐ và giám đốc công an tỉnh, thành phố được điều động CSCĐ để thực hiện nhiệm vụ.
Ông Chung cũng quan tâm đến một nội dung khác trong dự thảo luật quy định là CSCĐ được quyền mang theo người, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật thiết bị vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự trong trường hợp áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc việc mở rộng thêm các trường hợp là đối tượng áp giải.
"Nhiều trường hợp CSCĐ phải mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật lên tàu bay dân sự để áp giải các đối tượng chưa bị khởi tố như đối tượng khủng bố, đối tượng phản động nguy hiểm có yếu tố chính trị hoặc các đối tượng khác có khả năng đe doạ an toàn của CSCĐ và những người trên máy bay", đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng nêu.