Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu HĐND Hà Nội: Cần phân tích nguyên nhân viên chức y tế, giáo dục bỏ việc

(VTC News) -

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng viên chức y tế, giáo dục nghỉ việc, bỏ việc.

Chiều 7/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10 Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu chia thành 5 tổ để thảo luận về những nội dung liên quan đến tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Đại biểu Duy Hoàng Dương đề nghị phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng viên chức y tế, giáo dục nghỉ việc, bỏ việc; làm rõ thành phần đối tượng, độ tuổi, trình độ, số lượng cụ thể; rà soát, điều chỉnh việc thực hiện quy hoạch mạng lưới y tế, giáo dục; đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới giáo dục, y tế để phù hợp với sự phát triển Thủ đô trong tình hình mới; xây dựng cơ chế tự chủ cho hai lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách hành chính cần gắn chặt với Đề án phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính thông suốt từ thành phố đến xã, phường; công tác kiểm tra cũng phải được tích cực, để tính hiệu quả phát huy.

Đối với Dự án đường Vành đai 4, đại biểu Duy Hoàng Dương cho rằng, thành phố cần dự báo về công tác phát sinh trong giải phóng mặt bằng. Trước mắt, cần thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý ngay các vấn đề khó khăn, có kịch bản cụ thể, xử lý đơn thư khiếu nại nhằm triển khai cao nhất về giải phóng mặt bằng cho dự án về đích đúng tiến độ.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn và các ĐB HĐND TP thảo luận tại tổ chiều 7/12.

Đại biểu Nguyễn Thanh Nam bày tỏ đồng tình với đánh giá rằng năm 2023 tiếp tục có những khó khăn tiềm ẩn, như rủi ro trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nghề sử dụng nhiều lao động, ngành có lãi suất tăng cao, sử dụng lao động cơ hữu... dẫn đến khó khăn trong đảm bảo việc làm. Vì thế, trong các chỉ tiêu đánh giá năm 2023, cần quan tâm tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn; phân tích rõ tỷ lệ doanh nghiệp giải thể để có điều chỉnh về chính sách.

Thảo luận tại tổ 5, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) cho rằng, nhà nước, chính quyền nên có chính sách tháo gỡ về tiền tệ và bất động sản. Tiền tệ giống như mạch máu, phải lưu thông thông suốt. Bất động sản đang khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức tham gia thảo luận.

Đối với chính sách phát triển nông nghiệp, cần phải đưa chính sách, nghị quyết đến được với cơ sở, với người dân, có giám sát.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Chính phủ đã có nghị quyết về việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, nhưng cơ chế tài chính và thời hạn di dời chưa quy định rõ. Do đó, thành phố cần rà soát lại, có quy định rõ về thời gian.

Về cấp nước sạch ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nhà đầu tư đầu tư sẽ bị lỗ, khó thu hồi vốn, trong khi người dân quen dùng nước giếng, chưa mặn mà với nước sạch vì phải mua. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư và trợ giá cho người dân ở khu vực đó. Nếu không, nhà đầu tư sẽ không mặn mà với các khu vùng sâu vùng xa; dẫn đến khó đạt được chỉ tiêu về nước sạch.

“Ngoài ra, khu vực quận Hoàng Mai đang thiếu trường công lập, tuy nhiên quy hoạch có vấn đề, một số dự án triển khai nhưng đang 'tắc' thủ tục, chưa xây được trường. Đề nghị thành phố tháo gỡ về vấn đề này” - đại biểu Nguyễn Minh Đức kiến nghị.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội tham gia thảo luận.

Bí thư Quận uỷ Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho hay, đầu tư là một trong các hoạt động quan trọng. Tuy nhiên, nhiều công trình trọng điểm không đạt tiến độ đề ra, ít công trình đi vào sử dụng, điều này cho thấy sự dàn trải, kém hiệu quả. Những điểm nghẽn rất lớn của đầu tư công vẫn chưa giải quyết được. Đây là vấn đề khó, Hà Nội phải là địa phương đi đầu cùng Chính phủ tháo gỡ. 

Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Quí Tiên thừa nhận, qua các ý kiến, có thể thấy cơ chế, thể chế còn chậm. Qua giám sát của HĐND TP, có 404 dự án chậm triển khai. Qua rà soát của các quận, huyện, có thêm 173 dự án chậm triển khai. Các dự án này thu hồi cũng khó, triển khai cũng khó do thể chế, việc xử lý thế nào vẫn chưa có lời giải.

Minh Tuệ

Tin mới