Bài toán cấp thiết dành cho các doanh nghiệp đầu ngành chăn nuôi
Thông tin từ Cục Thú y cho thấy từ đầu năm 2021 đến nay cả nước đã xảy ra 1.834 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 112.092 con, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân của sự gia tăng này được cho là bởi trên thị trường vẫn chưa có đơn vị nào nghiên cứu thuốc hay vaccine phòng bệnh thành công. Đặc biệt, trong các tháng cuối năm cận kề dịp Tết Nguyên đán càng khiến cho việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh, dịch bệnh cũng vì vậy mà dễ lây lan hơn.
Chủ tịch HĐQT Dabaco báo cáo kết quả thí nghiệm vaccine với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi đang là bài toán đặt ra cấp thiết cho nhiều đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp đầu ngành. Mới đây, khi Tập đoàn Dabaco công bố thông tin nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đã mang đến tin vui cho ngành chăn nuôi cả nước.
Theo đó, phòng thí nghiệm đạt chuẩn BSL3 của Dabaco đã gọi dậy, nuôi cấy cũng như hoàn thành quy trình bảo quản thành công tế bào dòng thường trực PIPIC (PIPEC); gây nhiễm, nuôi cấy, bảo quản thành công chủng virus ASF G-Delta I177L/Delta VLR trên dòng tế bào thường trực PIPIC (PIPEC).
Đội ngũ chuyên gia Trung tâm chẩn đoán thú y Dabaco.
Theo ông Vũ Đăng Đồng - Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y Dabaco, kết quả này chính là tiền đề quan trọng để Dabaco hoàn thiện, thử nghiệm, điều chế - sản xuất vaccine nhược độc dịch tả lợn châu Phi trong thời gian sớm nhất.
Phát triển công nghệ giúp nâng tầm vị thế ngành chăn nuôi Việt Nam
Trong ngành chăn nuôi Việt Nam, cái tên Dabaco không còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với việc xây dựng thành công chuỗi cung ứng khép kín thay cho chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, Dabaco luôn là địa chỉ cung cấp giống vật nuôi uy tín, chất lượng tốt tại nhiều địa phương. Chính định hướng ấy đã giúp doanh nghiệp có quy mô lớn bậc nhất cả nước này dù nằm trong “tâm bão” dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc với Trung tâm chẩn đoán thú y.
Năm 2020, Dabaco ghi nhận lãi sau thuế đạt 1.400 tỷ đồng, gấp 4,6 lần lợi nhuận đạt được năm 2019. Đây cũng là mức lãi kỷ lục công ty từng đạt được theo năm. Sang năm 2021 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tính đến quý 3 doanh nghiệp này đã đạt mức lợi nhuận sau thuế là 718 tỷ đồng, tương đương mức 87% kế hoạch năm. Tuy vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong dịch bệnh nhưng không vì thế mà Dabaco đứng ngoài “cuộc chạy đua” thanh toán dịch tả lợn châu Phi.
Được biết để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, trước đó Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Cục Thú y và các đơn vị chức năng “chạy đua với thời gian” trong nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine.
Hoạt động thí nghiệm.
Ngay sau khi tiếp nhận việc chuyển giao từ Mỹ virus chủng ASF G-Delta I177L/Delta VLR và dòng tế bào thường trực PIPIC (PIPEC), phòng thí nghiệm Dabaco đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm. Phòng thí nghiệm được trang bị hệ thống máy móc và công nghệ hàng đầu thế giới như buồng cấy an toàn sinh học cấp độ 2 (BSC2) của Thermo (Mỹ), hệ thống tủ lạnh âm sâu (-20 độ và -80 độ), hệ thống kính hiển vi soi ngược được gắn với máy tính và phần mềm chuyên dụng nhập khẩu từ Nhật Bản nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiên cứu.
Thành công của dự án không chỉ là bước đột phá trong điều chế vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi mà còn giúp ngành chăn nuôi Việt Nam nâng cao vị thế, uy tín trên thị trường quốc tế bởi đến nay trên thế giới vẫn chưa có nước nào nghiên cứu và sản xuất thành công loại vaccine này.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết, dự kiến đến tháng 12/2021 Dabaco có thể công bố kết quả dự án. Từ nền tảng vaccine ASF này, Dabaco hoàn toàn có thể thay đổi cục diện cuộc chơi, giúp Việt Nam vươn lên trở thành cường quốc về chăn nuôi lợn trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời đây cũng được xem như một cú hích giúp Dabaco bước chân vào lĩnh vực vaccine, lĩnh vực khoa học công nghệ đòi hỏi trình độ hàng đầu thế giới hiện nay.