Video: Đá lát vỉa hè ở Hà Nội vỡ nát sau 2 năm sử dụng
Sau 4 năm triển khai chủ trương cải tạo hè phố, vỉa hè, nhiều tuyến đường tại 12 quận nội thành Hà Nội được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên. Tuy nhiên, dù được giới thiệu có độ bền lên tới 70 năm nhưng theo ghi nhận của PV VTC News, chỉ sau 1-2 năm sử dụng, nhiều đoạn đã xuống cấp, nhan nhản vết nứt vỡ, có chỗ các viên đá lát bung ra khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.
Trước thực trạng này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội.
"Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị liên quan chính, là cơ quan quản lý cần phải chịu trách nhiệm trước thành phố về toàn bộ công tác giám sát, thi công lát đá vỉa hè", ông Nghiêm nói.
Ngoài ra, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc đá lát vỉa hè vừa sử dụng đã hư hỏng còn có trách nhiệm của các đơn vị thi công.
"TP Hà Nội đã có chỉ định thầu giao các công ty, đây là những dự án giao khoán, cho nên các công ty thi công, công ty nhận thầu cũng phải chịu trách nhiệm", ông Nghiêm cho biết thêm.
Cũng theo ông Nghiêm, các công ty vật liệu xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đá. Đá được đóng theo kiện, tuy nhiên khi được giao đá để lát vỉa hè, các công ty vật liệu xây dựng cũng cần phải kiểm tra chứ không chỉ đếm theo kiện.
Vị chuyên gia này nhận định còn có trách nhiệm quản lý của các cấp phường, quận, huyện trong việc tổ chức giám sát, có thể do không tổ chức giám sát quá trình thi công nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuất hiện tình trạng đá lát vỉa hè bị xuống cấp, vỡ nát
Nhận định về chủ trương "thay áo" vỉa hè Hà Nội bằng đá tự nhiên, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, chủ trương hoàn thiện để tạo ra sự bền vững của các vỉa hè là một yêu cầu mà nhiều đô thị rất quan tâm. Trong nhiều năm nay, TP Hà Nội thay đổi rất nhiều vật liệu để lát vỉa hè, từ vật liệu gạch thiên nhiên cho đến các gạch lục giác, gạch con thoi, gạch xây chèn… nhưng đều không đảm bảo về tuổi thọ.
"TP Hà Nội có chủ trương xây dựng lát vỉa hè bằng đá có tuổi thọ khoảng 50-70 năm. Đây là chủ trương đúng nhưng trong thực tiễn chúng ta thấy không phải nó ổn định như thiết kế mong muốn, nhiều khu vực đã bắt đầu có rạn nứt và có những dấu hiệu không bền vững, sắp phải thay thế lần nữa", vị kiến trúc sư cho hay.
KTS Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đá vỉa hè mới đưa vào sử dụng đã vỡ nát, xô lệch.
"Thiết kế còn mang hình mẫu chung, không phù hợp với từng tuyến phố; chất lượng lớp nền không đảm bảo; chưa phân loại để đảm bảo lối ra vào của nhà ở khác với công trình công cộng, thương mại, trụ sở cơ quan và chất lượng đá tại một số khu vực không đảm bảo", ông Nghiêm nêu.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam
"Trước hết phải thấy vỉa hè ở các đô thị lớn như ở Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều đường ống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có cả dây thông tin, cấp điện, cấp nước, thoát nước…. Vỉa hè ở Hà Nội có bản sắc riêng, tức là có hệ thống cây xanh, có những cây xanh mới trồng trong vài năm gần đây, có cây xanh là cây cổ thụ lâu đời, có cây rễ cọc, có cây rễ chùm.... tác động rất nhiều đến lớp nền của lớp vật liệu hoàn thiện vỉa hè ở trên.
Thực tế hiện nay có những khu vực khi thi công không chú trọng đến điều kiện đặc thù này cho nên không có giải pháp thích ứng với từng đoạn hè phố cụ thể. Ví dụ như có những rễ cây lớn, họ vẫn cứ để nguyên và tạo ra một lớp bê tông. Trong thiết kế, để lát gạch cần có một lớp bê tông, nhưng bản thân lớp bê tông này có đảm bảo chất lượng hay không thì thiếu sự kiểm tra, giám sát", KTS Đào Ngọc Nghiêm băn khoăn.
Theo phân tích của ông Nghiêm, thiết kế lớp nền và đá lát tại các tuyến phố đều như nhau, trong khi đó các công trình ở vỉa hè khá đa dạng.
Ông Nghiêm lấy ví dụ có những nơi là nhà ở của dân, người ta chỉ đi lại nhẹ nhàng nhưng có nơi là cổng vào của các trung tâm thương mại, trụ sở cơ quan, trường học... người dân đi cả xe máy, ô tô lên vỉa hè thì chỉ vài năm là vỉa hè vỡ nát.
"Định nghĩa của vỉa hè là không gian chuyển tiếp giữa các đường giao thông vào trong các công trình nhà ở, cho nên người dân phải dắt xe máy, đi ô tô vào là tất yếu. Thế nhưng chất liệu, vật liệu đã tính đến vấn đề này chưa?", KTS Đào Ngọc Nghiêm đặt câu hỏi.
Vị chuyên gia cũng đưa ra vấn đề về tính xác thực khi nghiệm thu thi công vỉa hè, mặc dù đá được giới thiệu là tự nhiên, chất lượng ổn định, bền vững khoảng 50-70 năm nhưng thực chất có những viên có chất liệu tốt, có những viên chưa đảm bảo chất lượng, khi tạo ra đã có vết nứt sẵn, gây lên hiện tượng không đồng đều, vì vậy cần phải nghiệm thu chặt chẽ.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, các vỉa hè lát đá tự nhiên ở Hà Nội đều xuống cấp, nhiều đoạn dài nhan nhản vết nứt, vỡ, có chỗ các viên đá lát bung ra, vỡ nát khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.
Theo ông, giải pháp xử lý tốt nhất bây giờ là những viên đá nứt đôi hoặc mất góc thì phải tìm hiểu nguyên nhân do chất lượng đá hay lý do khác. Những khu vực đá bập bênh, nhất là chỗ các trường học thì phải xem lớp nền bê tông có đảm bảo hay không. Sau khi lát đá không có thời gian bảo dưỡng nên mới xảy ra hiện tượng đó.
Ông Nghiêm cũng cho rằng cần phải đẩy mạnh vai trò của người dân giám sát thông qua các ban công tác mặt trận khi thi công, nghiệm thu và quản lý vỉa hè.
Liên quan đến vụ việc này, PV VTC News nhiều lần liên hệ Sở Xây dựng Hà Nội - đơn vị quản lý, giám sát công tác lát đá vỉa hè để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục nhưng chưa nhận được câu trả lời.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin.