Lý giải nguyên nhân trên tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, được tổ chức chiều 18/9, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói, trong bối cảnh tìm việc làm khó khăn như hiện nay, không có nhà thầu nào từ chối thi công xây dựng, nhưng họ rất sợ khi tham gia đấu thầu, trúng thầu các công trình đầu tư công.
Bởi vì, ngoài định mức đơn giá đấu thầu thấp, thường xuyên bị các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, các nhà thầu còn gặp nhiều khó khăn do giá cả hàng hoá đầu vào, nhất là vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, trong khi đấu giá xây dựng rất thấp. Đặc biệt, việc nợ đọng xây dựng, chây ì thanh toán của chủ đầu tư với nhà thầu xây dựng sau khi công trình hoàn thiện rất khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam. (Ảnh: Quochoi.vn).
Ông Hiệp lấy ví dụ, có những đơn vị xây dựng công trình 1.000 năm Thăng Long, đến nay đã 12 năm nhưng nhà thầu xây dựng vẫn chưa được thanh toán.
“Chúng tôi mong Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội có giải pháp tháo gỡ cụ thể. Chúng tôi đề nghị Quốc hội sớm tổ chức cuộc họp giữa các nhà thầu xây dựng với chủ đầu tư để thanh toán nợ đọng, xử lý vấn đề nợ đọng kinh phí xây dựng, kéo dài thi công, chậm bàn giao mặt bằng sau đấu thầu”, ông Hiệp kiến nghị.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, vấn đề đơn giá, định mức, thời gian thi công, giám sát, thanh toán… được Quốc hội, đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm.
Thừa nhận việc các công trình đầu tư công diễn ra chậm do công tác giải phóng mặt bằng, kéo theo giá cả xây dựng tăng cao, gây khó khăn cho nhà thầu, ông Thanh nhận định, đối với đầu tư công, vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường công tác giám sát, nhất là dự án về giao thông trọng điểm.
Hiện, một số công trình hạ tầng, kỹ thuật chưa được bàn giao cho nhà thầu, còn giải ngân chỉ mới đạt hơn 50%. Nguyên nhân dẫn đến điều này là công tác giải phóng mặt bằng chậm, đơn giá chưa phù hợp trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay...
"Vấn đề này, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng để có phương án giải quyết. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xem xét trách nhiệm của các bên, trong đó có cả nhà thầu chưa xác định đúng đơn giá, chủ đầu tư không bàn giao mặt bằng sạch, chính quyền địa phương và có cả những biến động ngoại cảnh về giá hàng hóa…”, ông Thanh nói.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn).
Cũng theo ông Thanh, giai đoạn 2022 - 2026 sẽ có nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai xây dựng. Điều này cần có định mức đơn giá sát với thực tế và gần với thời gian xử lý thanh quyết toán cho nhà thầu, từ đó tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu.
"Uỷ ban Kinh tế cũng tổ chức cuộc họp giữa nhà thầu xây dựng với một số chủ đầu tư, các bộ liên quan để tháo gỡ vướng mắc cho các nhà thầu, nhưng phải sau kỳ họp Quốc hội diễn ra với tháng 10 tới”, ông Thanh nói.
Ông khẳng định thêm, vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành nào, Uỷ ban Kinh tế sẽ làm rõ hơn, đồng thời làm việc hoặc có văn bản gửi tới các đơn vị chức năng giải quyết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nhà thầu, cũng như chất lượng công trình đầu tư công.