Theo đại biểu Trần Văn Lâm, khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, cả hệ thống chính trị góp sức hỗ trợ với Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV. Nhưng hai năm qua kinh tế tăng trưởng thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản rút khỏi thị trường, người dân lao đao vì dịch dã, nhiều khoản nợ ngân hàng đến hạn không trả được nhưng hầu hết nhà băng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng. Ông Lâm cho rằng, sự chia sẻ của ngân hàng với doanh nghiệp thời gian qua chưa tương xứng.
Đại biểu Trần Văn Lâm. (Ảnh: Quốc hội)
Trước đó, đại biểu Cao Thị Xuân cũng nêu câu hỏi về việc doanh nghiệp gặp khó trong huy động vốn tín dụng, do đó các dự án giao thông chủ yếu đề xuất chuyển sang đầu tư công?
Đại biểu Cao Thị Xuân tại phiên chất vấn sáng 9/6. (Ảnh: Quốc hội)
Trả lời về việc ngân hàng chung tay, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn giảm lãi cho doanh nghiệp, người dân. Tổng số miễn giảm là 48.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bản thân hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, nguồn thu là từ thu lãi và các loại hình dịch vụ khác, nhưng cũng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh. Do đó, các ngân hàng cần có nguồn tài chính dự phòng để xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư cho phép các nhà băng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức tín dụng tham gia rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp nợ xấu, lẽ ra không đủ điều kiện vay vốn, nợ xấu, không có khả năng trả nợ, nên không được vay vốn. Nhưng bằng cách này, các doanh nghiệp, người dân có thể được vay vốn trở lại.
Trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng 8%. Mức này theo Thống đốc là cao, cho thấy đây cũng là nhờ thông Thông tư tái cơ cấu các khoản vay và cho phép giữ nguyên nhóm nợ, nên các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau đại dịch thì tiếp tục được vay vốn.
Các nhà băng được thành lập đều có mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng có quy mô vốn và tài sản là rất lớn. Hiện nay nếu đến cuối năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tổng tài sản là 14 triệu tỷ đồng, đến tháng 3/2022 lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng, tín dụng 12 triệu tỷ đồng. Tài sản của một tổ chức tín dụng, như ngân hàng thương mại nhà nước, khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận sinh lời là mười mấy nghìn hay hai mươi nghìn tỷ đồng trên tổng số tài sản đó thì không phải là lớn. Tỷ lệ sinh lời trên vốn của một số tổ chức tín dụng so với các doanh nghiệp ở các ngành khác không cao.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của các đại biểu sáng 9/6. (Ảnh: Quốc hội)
Nói về việc cấp vốn tín dụng cho các dự án giao thông, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: hệ thống ngân hàng vẫn cung cấp. Nhưng việc triển khai các dự án công trình giao thông là rất quan trọng, cần vốn từ nhiều nguồn, có đầu tư công, vốn nước ngoài, vốn tư nhân, trong đó vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Do vốn phục vụ các nhu cầu xây dựng giao thông thường giá trị rất lớn, thời hạn vay dài, tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí. Thực tế, thời gian qua các ngân hàng cho vay với dự án BOT có khó khăn, bởi nợ xấu trong các dự án này cao, nhiều dự án phương án tài chính không được như ban đầu. Thời gian tới, chính sách của Ngân hàng Nhà nước với các dự án BOT cũng là cơ sở để ngân hàng thẩm định, cho vay. Ngân hàng nào cho vay vượt tỷ lệ đảm bảo an toàn thì cần đồng tài trợ với các tổ chức tín dụng khác. Nếu vượt 15% và 25% theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng thì sẽ trình Thủ tướng quyết định.
Đại biểu lo gói hỗ trợ lãi suất vay 2% bị trục lợi
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt câu hỏi, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất vay 2%, trị giá khoảng 40.000 tỷ đồng. Tức là sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được giải ngân từ chương trình vay này. Thống đốc có giải pháp nào để kiểm soát để tránh dòng vốn này đi vào khu vực không cần thiết và tránh trục lợi chính sách như đã xảy ra năm 2009?
Đại biểu Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Quốc hội)
Về câu hỏi này, bà Hồng cho rằng, đây là một gói hỗ trợ mà doanh nghiệp rất quan tâm, nằm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đối tượng là các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Trong quá trình xây dựng Nghị định 31, Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ ngành để bàn thảo rất nhiều, Chính phủ cũng họp rất nhiều với mục đích đưa ra quy định phù hợp nhất, để các nhóm đối tượng được quy định rõ ràng, đảm bảo việc triển khai chính xác nhất, hạn chế vướng mắc.
Nghị quyết 11 của Chính phủ đã quy định có hai nhóm đối tượng:
Thứ nhất là nhu cầu vay vốn về kinh tế đã được quy định tại Quyết định 37 của Thủ tướng về phân ngành kinh tế. Đây là quyết định về phân ngành kinh tế theo chuẩn quy định của bộ Kế hoạch Đầu tư.
Thứ hai là cho vay đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ thì do bộ Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát công bố để có cơ sở rõ ràng. Ngoài ra còn có sự tham gia của các bộ ngành liên quan trong các khâu dự toán, thực hiện dự toán cũng như là quyết toán. Đặc biệt Nghị định này có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước đối với các khoản cho vay trước khi Bộ Tài chính quyết toán khoản cho vay này.
“Như vậy, Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải cho vay đúng đối tượng. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, các ngành được hỗ trợ nhưng phải đảm bảo khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Nếu không đủ 3 yêu cầu trên thì không được tiếp cận chương trình ưu đãi này”, bà Hồng nói.