Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đã đến lúc sống chung an toàn với COVID-19?

(VTC News) -

Sau khi thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, đã đến lúc có thể chung sống với dịch?

 

Trao đổi với phóng viên VOV.VN. BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, hiện số bệnh nhân nặng phải vào viện điều trị xu hướng giảm đáng kể. Số ca mắc đa phần nhiễm biến thể mới Omicron và phác đồ điều trị không khác so với những biến chủng trước đó. Đặc biệt, phần lớn ca mắc đều nhẹ hơn.

Các bệnh nhân nhẹ chỉ cần điều trị triệu chứng. Bệnh nhân nặng phác đồ điều trị không khác so với trước đây, kể cả với các bệnh nhân có bệnh nền. Hiện số bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ít dần đi, bệnh nhân nặng cũng giảm dần”, BS Phúc nói.

Bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư giảm.

Cũng theo BS Phúc, về dịch tễ, người dân tiêm vaccine và mắc COVID-19 chiếm tỷ lệ lớn: “Đến thời điểm này, chúng ta có thể sống chung an toàn với dịch”, bác sĩ nói.

Không ít chuyên gia trong nước cũng nhận định “có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu”, khi biến thể Omicron chiếm ưu thế như hiện nay và diễn tiến bệnh nặng không nhiều. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện vẫn có tỷ lệ nhất định người nhiễm biến thể Delta hay người nhiễm chủng Omicron vẫn có thể tái nhiễm với chính chủng này nhưng với biến thể phụ khác.

Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, BV Thanh Nhàn (Hà Nội) khuyến cáo: “Tất cả các đối tượng, ở mọi lứa tuổi, nếu tiếp xúc nguồn lây đều có thể tái nhiễm SARS-CoV-2; trong đó, nhóm nguy cơ tái nhiễm cao hơn là người già, người bị suy giảm miễn dịch, người bệnh lý nền và trẻ chưa được tiêm vaccine. Việc tái nhiễm cũng có thể gặp ở người trẻ, vì vậy bất kỳ ai cũng không thể chủ quan, kể cả với người từng mắc và khỏi bệnh”.

Các chuyên gia cũng cho biết, khả năng miễn dịch có được từ vaccine hiệu quả trong vòng 6-9 tháng. Người từng mắc COVID-19 có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch khác nhau, tùy thuộc, vào mức độ triệu chứng bệnh, nhẹ, trung bình hoặc nặng. Ngoài ra, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần nên cần tiêm vaccine để tăng cường khả năng chống lại COVID-19.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Đến ngày 17/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP quy định về chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Trong Nghị quyết chỉ đạo, căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm nhóm B bao gồm: Bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bệnh bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, bệnh do liên cầu lợn ở người, sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt phát ban, bệnh sởi, tay-chân-miệng, bệnh than, bệnh thủy đậu, thương hàn, uốn ván, viêm gan virus, viêm màng não do não mô cầu, viêm não virus, tiêu chảy do virus Rota...

Cũng theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, sau khi xếp COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường thì việc cách ly tại cộng đồng không cần thiết. Nhưng khi bệnh nhân nhập viện vẫn cần phân loại vào khoa truyền nhiễm, để tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân thông thường, bởi đây vốn là đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao.

Từ 29-31/3, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày tính trung bình theo tuần trên cả nước giảm đáng kể, lần lượt các ngày từ hơn 103.000 xuống hơn 97.000 và còn hơn 91.000. Tại Hà Nội, dịch COVID-19 đã qua đỉnh và giảm xuống còn hơn 8.000 ca F0 mới mỗi ngày trong 2 ngày qua.

Thiên Bình/VOV.VN

Tin mới