Hôm 24/11, nghị sĩ Ukraine David Arakhamia, từng là trưởng đoàn đàm phán của Ukraine trong cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3/2022, cho biết xung đột Ukraine đã có thể kết thúc từ mùa xuân năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Arakhamia, trong lúc các cuộc đàm phán diễn ra, Thủ tướng Anh lúc đó là ông Boris Johnson đã đến Kiev vào ngày 9/4, đề nghị các quan chức Ukraine tiếp tục chiến đấu và không ký bất kỳ thỏa thuận nào với Moskva.
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Getty)
Mới đây, trả lời The Times, cựu Thủ tướng Boris Johnson bác thông tin trên, gọi đó là “sự tuyên truyền vô nghĩa Nga”.
Ông Johnson cho biết, ông chỉ nói với Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ Ukraine “một nghìn phần trăm” và bày tỏ lo ngại về bản chất của bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào với Nga.
“Tôi hơi lo lắng ở giai đoạn đó. Tôi không thể tận mắt chứng kiến thỏa thuận này và tôi nghĩ rằng bất kỳ thỏa thuận nào với Nga cũng sẽ là rủi ro", cựu Thủ tướng Boris Johnson nói.
Trong vòng nhiều tháng sau khi xung đột với Nga leo thang, Kiev trở hoàn toàn phụ thuộc vào phương Tây về vũ khí, đạn dược và vật tư cũng như tài trợ cho lương và lương hưu của chính phủ. Các tướng Mỹ và Anh cũng giúp lập kế hoạch và tổ chức cuộc phản công mùa hè năm 2023 của Ukraine.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba mới đây cũng cho biết các nước phương Tây không yêu cầu chính quyền Kiev đàm phán giải pháp hòa bình với Nga.
"Các đồng minh của chúng tôi không yêu cầu đàm phán với Nga để ngừng các cuộc giao tranh, kể cả khi chúng tôi gặp nhau ở cấp phái đoàn phương Tây cũng như trong các cuộc họp kín theo hình thức thu gọn. Đây không phải một vấn đề có thể đưa ra như một sự lựa chọn", Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết trong cuộc phỏng vấn với báo El Pais của Tây Ban Nha.
Lên tiếng về đàm phán hoà bình với Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng lệnh ngừng bắn trong xung đột ở Ukraine sẽ không dẫn đến đối thoại chính trị và sẽ chỉ có lợi cho Moskva. Theo lãnh đạo Ukraine, bất kỳ sự tạm dừng nào cũng sẽ cho phép Nga tập hợp lại và tăng cường cung cấp đạn dược "và chúng tôi sẽ không mạo hiểm".
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 2 năm và dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Nhiều nước đang cân nhắc về việc tiếp tục bơm tiền, viện trợ quân sự để Kiev chống lại Moskva. Trước bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang rơi vào bế tắc, nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.