Khoa Ngoại – Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa cấp cứu thành công cho N.V.Q. (24 tuổi, trú tại Ninh Hiệp, Hà Nội) trong tình trạng mất máu nặng, có nhiều vết thương vùng đầu, mặt, cổ. Trong đó, nguy hiểm nhất và vết thương do bị đâm ở cổ đang có dấu hiệu máu chảy không ngừng.
Tiên lượng ca bệnh nặng, các bác sĩ đã nhanh chóng hồi sức tích cực, sơ cứu, cầm máu, khâu ép tại chỗ vết thương và chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ.
Sau khi được truyền 2.200ml máu và xử lý vết thương, nam thanh niên đã qua cơn nguy kịch. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy trong cổ bệnh nhân có vết thương của động mạch chung cùng 2 vết thương ở tĩnh mạch cảnh phải và trái. Bác sĩ đã xử lý, khâu vết thương vị trí các mạch máu tổn thương và phần mềm.
Bác sĩ Phan Văn Thành cho biết, vết thương mạch máu lớn (vùng cổ, nách, bẹn…) là những vết thương đặc biệt nguy hiểm vì sẽ gây mất nhiều máu nhiều. Bởi vậy, tính mạng bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sơ cứu ban đầu.
Với những vị trí thuận lợi thì garo là những kỹ thuật có hiệu quả tốt. Với những vị trí khó (vùng cổ, bẹn) trong trường hợp nguy cấp có thể dùng tay chặn chặt trên vết thương để giảm mất máu.
“Nếu làm tốt giai đoạn sơ cứu tại hiện trường, khả năng nạn nhân được cứu sống sẽ cao hơn và chi phí điều trị thấp, bệnh viện chỉ cần khâu nối lại là có thể cứu được tính mạng của nạn nhân.
Với bệnh nhân trên, ca phẫu thuật diễn ra khá khó khăn do người bệnh mất máu nhiều. Rất may là sau khi được hồi sức tích cực, truyền bù liên tục 2.200ml máu, xử lý vết thương bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và được ra viện sau 6 ngày điều trị”, bác sĩ Thành nói.