Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cựu quan chức 'chây ì' trả nhà công vụ: Không chấp hành thì thực hiện cưỡng chế

(VTC News) -

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng nếu ai không chấp hành, thì thực hiện cưỡng chế, nhà dân đã làm rất nhiều rồi, nên nhà công sản này cũng cứ thực hiện như vậy.

Bộ Xây dựng vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Điều đáng nói, thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này từ 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ.

Liên quan đến vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo điện tử VTC News.

- Ông đánh giá thế nào về việc 12 cựu quan chức - những người từng nắm những vị trí lãnh đạo cao cấp, nắm rõ về luật pháp nhưng lại "chây ì" không chịu trả nhà?

Đây là một hành động rất đáng xấu hổ. Về mặt ý thức chấp hành quy định là rất kém, thể hiện ý đồ tư lợi.

Tôi cho rằng cần đánh giá lại lúc bổ nhiệm đúng hay chưa? Đặc biệt phải xem lại đạo đức người được bổ nhiệm. Từ đó, rút kinh nghiệm cho những lần bổ nhiệm sau, để những quan chức được cấp nhà công vụ khi về hưu tự ý thức trả lại nhà.

- Trước đó, trả lời trên báo chí, nhiều cựu quan chức từng “chây ỳ” trả nhà có nói rằng: "Không ai đòi nhà và cũng không biết trả ai?".Thậm chí có người còn cho con cái ở. Ông nghĩ sao về điều này?

Về nguyên tắc, không còn ở cương vị đó nữa thì phải trả lại nhà, không có bất cứ lý nào biện minh được. Còn tất nhiên khi xử lý thì phải xử lý cho công bằng, không thể xử lý trường hợp này lại không xử lý trường hợp khác.

GS. Đặng Hùng Võ

Về mặt nhà nước phải công bằng và cương quyết làm, cương quyết xử lý. Nếu không người dân nhìn vào sẽ rất bất tiện, họ cho rằng thu hồi đất của dân thì cưỡng chế ngay lập tức, thế nhưng quan chức không thấy cưỡng chế.

Còn bản chất, việc thu hồi này là như nhau. Người nghỉ hưu phải trả lại nhà là đương nhiên, nhà nước cũng phải thu hồi và thu hồi như nhà dân.

- Đòi nhà công vụ nhiều lần nhưng bất thành, liệu có phải các cơ quan chức năng đang quá nhân nhượng với các cựu quan chức này?

Tôi cho rằng không phải nhân nhượng, mà thể hiện chủ nghĩa thân hữu. Tức là trước đây quen thân nhau, từng làm việc với nhau nên giờ không dám ráo riết quá.

Chúng ta phải hiểu thân nhau ở nhà, nhưng việc nhà nước là việc nhà nước. Đây là 2 việc khác nhau.

Chúng ta hay lẫn lộn việc riêng công với việc tư. Đây là sự nhập nhèm rất đáng trách của mối quan hệ quản lý hiện nay.

- Vậy theo ông, có phải chế tài xử lý hiện nay chưa thực sự nghiêm?

Chúng ta có chế tài xử lý nhưng vấn đề là có muốn làm hay không thôi. Giống như thu hồi nhà đất của dân, thì với quan chức cũng vậy. Thay vì ra thông báo nhắc nhở thì ban hành quyết định hành chính thu hồi lại tài sản công sản nhà nước.

Nếu ai không chấp hành, thì thực hiện cưỡng chế. Nhà dân chúng ta đã làm rất nhiều rồi, nên nhà công sản này cũng như vậy, không có gì khó cả.

Tôi cũng cho rằng, việc các cơ quan thông báo lần 1, lần 2, xong không thực hiện lại ý kiến tiếp dễ khiến người vi phạm "nhờn luật".

- Việc quan chức về hưu vẫn ở nhà công vụ có phải là 1 hình thức lãng phí tiền của của người dân không thưa ông?

Quan chức đã về hưu vẫn còn tiếp tục được ở nhà công vụ, cũng những người dân vẫn đang phải tiếp tục chi trả cho những người chẳng còn cung cấp dịch vụ gì cho mình nữa cả.

Ngoài ra, nhà công vụ là làm từ tiền ngân sách, từ tiền đóng góp của người dân. Vì vậy, trong khi người dân phải mua nhà ở trên thị trường, thậm chí phải mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, thì sao quan chức lại được đặc quyền thế?

Tôi cho rằng, quan chức cũng phải làm như người dân, là tự mình đi mua nhà. Không có tiền ở chung cư cao cấp thì mua nhà xã hội. Quan chức phải gương mẫu hơn người dân.

- Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng, đối với những quan chức về hưu vẫn không chịu trả nhà công vụ, cần công khai tên tuổi tại địa phương và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đấy là một trong các cách thức mà ngân hàng thế giới hiện nay đang áp dụng. Đây là 1 trong những biên pháp tốt để người vi phạm thực hiện. 

Không chỉ công khai tại các bảng tin ở địa phương, mà thậm chí lập hẳn một website lấy tên là "những cán bộ không trả nhà".

Làm như vậy họ sẽ tự biết xấu hổ mà trả lại nhà. Câu chuyện hiện nay là chúng ta cứ im ỉm làm với nhau, chưa đánh động vào danh dự. Nhưng đã bêu tên lên thì câu chuyện danh dự sẽ trở thành chuyện lớn.

Xin cảm ơn ông!

Không trả nhà công vụ được coi là một kiểu tham nhũng tài sản công

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Thiên Việt cho rằng, việc các công chức được giao/ cho thuê nhà công vụ nhưng khi hết công vụ hoặc về hưu mà không trả nhà có thể hiểu là không chỉ chây ỳ thiếu ý thức mà còn vi phạm quy định tại điều khoản 2 điểm đ điều 34 Luật nhà ở 2014: “Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ”.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Quang Ngọc, nhà công vụ được bố trí tuỳ theo chức vụ cấp bậc đối với cán bộ công chức và được hỗ trợ chi phí từ ngân sách. Vì vậy, cán bộ đã về hưu vẫn tiếp tục sử dụng sẽ tạo ra bất công đối với những đối tượng cần sử dụng nhà công vụ mà chưa có. Mặt khác việc lạm dụng sử dụng nhà công vụ mà không phải trả tiền có thể được coi là một kiểu tham nhũng tài sản công.

Hiện nay chưa có quy định rõ ràng hoặc có các chế tài đối với việc chây ỳ trả nhà công vụ. Việc không tuân thủ quy định trả nhà khi về hưu hoặc không còn đáp ứng yêu cầu về sử dụng nhà công vụ được coi là vi phạm quy định của Luật nhà ở và được xử lý theo quy định tại điều 179 Luật Nhà ở. Mức độ xử lý từ hành chính đến hình sự, tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm.

Tuy nhiên việc áp dụng này trên thực tế rất khó khăn do cán bộ công chức được bố trí nhà có chức vụ quyền hạn nên còn nhiều nể nang. Mặt khác như đã đề cập là chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi này. Do vậy, cần cụ thể hoá hành vi và có chế tài là điều cần thiết nếu cơ quan chức năng tiến hành sửa luật hoặc ban hành văn bản dưới luật.

Châu Anh

Tin mới