Phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 21/9. HĐXX gồm chủ tọa Nguyễn Thị Thanh Bình, thẩm phán Đoàn Thị Hương Giang và 3 hội thẩm nhân dân. Đại diện VKS thực hành quyền công tố là kiểm sát viên Nguyễn Đức Bằng, Nguyễn Ngọc Ước, Ngô Phạm Việt, Trương Bảo Ngọc và Trần Thị Liên.
Cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, 68 tuổi, bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù.
Bị cáo buộc vai trò đồng phạm là ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty CP Đầu tư Lavenue), Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư quận 2) và Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường).
Liên quan đến vụ án, Nguyễn Thị Thu Thủy (61 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM) đang bị truy nã, cơ quan điều tra tách ra xử lý sau.
Có hơn 10 luật sư bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, ông Tài được luật sư Trương Trọng Nghĩa và Ngô Minh Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) bảo vệ; ông Kiệt có luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM)...
Quá trình điều tra, truy tố, Lê Thị Thanh Thúy có 4 luật sư. Tuy nhiên, trước phiên xử bà này từ chối 3 người, hiện chỉ còn luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch bào chữa.
"Thúy kêu oan về nhiều nội dung trong cáo trạng. Cô ấy tiều tụy, có biểu hiện sa sút tinh thần, sức khỏe", luật sư Trạch cho biết.
Ông Tài và Thúy lúc bị bắt. (Ảnh: Bộ Công an)
Để phục vụ việc xét xử, tòa triệu tập 11 cá nhân, trong đó có một số bị can đang bị điều tra trong vụ án khác; hàng loạt đơn vị, pháp nhân với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: UBND TP.HCM; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính; Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại TP.HCM (Ban chỉ đạo 09); Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM (QLKDN); Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm; Công ty cổ phần đầu tư Lavenue...
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2007, khu đất số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) do Công ty QLKDN quản lý, cho 4 công ty thuộc Bộ Công thương thuê làm trụ sở. Khu đất "vàng" này được Ban chỉ đạo 09 - do Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân làm Trưởng ban, đề xuất giao Công ty QLKDN lập thủ tục bán đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Yêu cầu đưa ra là "nhà đầu tư thực hiện dự án phải có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn".
Công ty QLKDN được UBND TP.HCM chấp thuận cho làm chủ đầu tư, góp 50% vốn dự án còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công thương góp (chia đều mỗi công ty là 12,5%). Tuy nhiên, ngay sau khi được UBND thành phố cho tham gia cổ phần, các công ty của Bộ Công thương sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời.
Lê Thị Thanh Thúy được xác định là lợi dụng mối quan hệ tình cảm với ông Tài, gửi văn bản cho Công ty QLKDN, tự nhận Hoa Tháng Năm là công ty "có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn, có năng lực tài chính" để tác động xin tham gia dự án không phải cạnh tranh, không đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án. Thực tế, Công ty Hoa Tháng Năm không có năng lực tài chính và kinh nghiệm, chưa tham gia bất cứ dự án nào.
Ông Tài gọi điện cho bà Nguyễn Thị Thu Thủy, yêu cầu tạo điều kiện cho công ty của Thúy. Ngày 23/7/2010, bà Thủy đề xuất thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue, đồng thời kiến nghị cho Công ty TNHH Một thành viên Hoa Tháng Năm hợp tác đầu tư 30% vốn (trong tỷ lệ góp vốn 50% của Công ty QLKDN) cùng thực hiện dự án.
Từ đề xuất của Công ty QLKDN, tháng 8/2010, ông Tài tổ chức họp, chấp thuận cho công ty của Thúy được thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại. Đồng thời, Phó Chủ tịch thành phố cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành hoàn tất thủ tục cho công ty này được giao và thuê đất.
Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn hiện đang dùng làm bãi giữ xe. (Ảnh: Như Quỳnh)
Tháng 6/2011, ông Tài ký quyết định cho Công ty Lavenue sử dụng toàn bộ khu đất xây khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng tại số 8 Lê Duẩn và cho thuê hàng năm với khu đất số 12 Lê Duẩn. Tổng nghĩa vụ tài chính công ty này phải nộp ngân sách là hơn 647 tỷ đồng bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và tiền thuê theo đơn giá thị trường.
Cơ quan công tố xác định, việc ông Tài chấp thuận áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án, cũng như chấp thuận cho Công ty Lavenue thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại là trái quy định.
Từ sự chỉ đạo của ông Tài, các bị can Kiệt, Nam, Út dù biết hồ sơ dự án chưa đầy đủ, chưa được phê duyệt, chưa thẩm định... nhưng vẫn đề xuất ký các quyết định vi phạm pháp luật dẫn đến khu đất "vàng" bị chuyển nhượng sang công ty của Thúy.
Nhà chức trách xác định hành vi sai phạm của ông Tài là "có tính hệ thống, xảy ra trong một thời gian dài, là nguyên nhân chính dẫn đến các vi phạm pháp luật tại dự án số 8-12 Lê Duẩn".
Thiệt hại mà ông Tài và các đồng phạm gây là 2.554 tỷ đồng - tương đương giá trị quyền sử dụng đất. Do Công ty Lavender đã nộp ngân sách 647 tỷ đồng, nên thiệt hại còn 1.927 tỷ.