Bài viết "Ngày càng đáng sợ, ra đường có chuyện không ai cứu người nữa rồi" nhận được hàng trăm bình luận với hai luồng ý kiến trái ngược nhau: Một là phê phán tình trạng thờ ơ vô cảm trước tai họa của đồng loại; hai là phản đối việc chỉ trích những người "ngoảnh mặt làm ngơ" này vì họ phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ làm ơn mắc oán, cứu người gặp họa.
Ở phía coi chuyện không can thiệp, giúp đỡ người bị hành hung hay tai nạn giao thông là đáng thông cảm, nhiều độc giả kể lại trải nghiệm đáng thất vọng của chính mình hoặc người thân, người quen. "Tất cả là sợ bị vạ lây thôi", độc giả Tuấn Vinh lý giải về thái độ được coi là bàng quan trước hoạn nạn của người khác, vốn đang ngày phổ biến.
Anh kể: "Như anh trai tôi, trên đường đi làm gặp một chị bị tai nạn giao thông, anh dừng xe đỡ chị đó dậy. Rồi người nhà chị đó chạy lại đánh anh trai tôi tơi tả, gãy cả xương sườn, mặt mày thâm tím. Họ còn đập hỏng cả xe máy, anh trai tôi phải nhập viện. Hai ngày sau, chị bị tại nạn giao thông tỉnh dậy nói không phải anh trai tôi gây tai nạn. Lúc này gia đình họ mới đến xin lỗi, nhưng anh trai tôi phải nằm viện 15 ngày. Như vậy thử hỏi có ai còn dám ra tay cứu giúp để rồi gặp vạ không nhỉ? Các cụ nhà ta có câu: 'Được vạ thì má đã sưng".
Độc giả Lê Beo khẳng định anh không vô cảm và tin rằng nhiều người cũng không vô cảm, nhưng những tình huống anh từng gặp phải khiến anh thông cảm với những người không giúp đỡ nạn nhân trên đường: "Tôi nhiều lần giúp đưa người bị tai nạn đi cấp cứu, có lần tôi phải đóng viện phí và chờ tìm người nhà gần cả ngày, bệnh viện mới chịu cho đi, có lần còn bị công an điều tra bắt khai báo mấy lần. Ôi khó trách lắm. Còn những vụ đấm đá, đâm chém thì thôi đừng trách những người không giúp đỡ, tội nghiệp".
Rạng sáng 25/6/2019, cô gái trong ảnh nằm bất động trên vỉa hè TP.HCM do tai nạn giao thông nhưng mấy chục người đi qua không ai giúp, dù bạn đồng hành của cô cầu cứu. Cô gái qua đời sau đó. (Ảnh cắt từ clip)
Cho rằng "người đứng nhìn cũng có lý của họ", độc giả Trần Nhật Nam kể câu chuyện của mình: "Tôi từng giúp một cô gái bị gã đàn ông đánh, sau khi nói qua nói về thì xảy ra chuyện đánh nhau. Người đó thua bỏ chạy vào trong đồn cảnh sát giao thông. Kết quả không ai truy cứu tại sao nó lại đánh phụ nữ (người bị đánh là bạn gái nó) mà chỉ chăm chăm vào một vấn đề là tại sao bên tôi đi 4 người mà chỉ có 2 mũ bảo hiểm.
Tôi đã trình bày rõ ràng là trong lúc xảy ra xô xát đã bị mất 1 cái, còn 1 cái kém chất lượng đã bị vỡ. Cô gái bị đánh đang ngồi khóc thì chả ai hỏi han chi. Tôi thì tự nhiên bị phạt vì không đội mũ bảo hiểm. Hỏi lần sau tôi có dám giúp nữa không?". Anh Nam cho rằng, muốn có người giúp đỡ nạn nhân, pháp luật cần có thêm những quy định bảo vệ họ.
Nhiều trường hợp giúp người vạ lây khác cũng được độc giả kể lại qua các bình luận.
Ẩn danh: Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. An toàn của bản thân luôn phải đặt lên hàng đầu. Giúp được người khác mà mình vẫn an toàn thì hãy giúp, vì nếu mình có chuyện thì chỉ người nhà và bản thân gánh chịu. Cháu trai một anh làm chung phòng tôi can bạn đánh nhau, rồi chết không nhắm mắt vì một nhát kéo, đưa xác về quê để người mẹ vuốt mắt mới chịu nhắm.
Ảnh này được cắt từ clip ghi lại cảnh nữ sinh ở Bình Dương bị gã côn đồ (dấu X màu đỏ) đánh đập tàn nhẫn đầu tháng 12/2020, đám đông dù thương xót nhưng không quyết liệt ngăn cản, để hắn thản nhiên rời đi.
Phạm Lộc: Cứu người thì lo sợ bị giàn cảnh cướp giật hoặc bị người nhà nạn nhân đánh do nghĩ mình là người gây ra tai nạn. Ông cậu tôi cũng từng vì cứu người mà bị ăn đấm sưng hết mặt mũi. Còn các vụ hành hung, ẩu đả, nếu lao vào khống chế thì một là mình bị thương vong, hai là dính đến pháp luật, lên trình báo mất rất nhiều thời gian và nếu lỡ làm hung thủ thương vong thì đi tù như chơi. Pháp luật hiện tại còn nhiều lỗ hổng nên người dân sợ liên lụy, nhiều vụ làm ơn mắc oán lắm rồi
Thu Duyên: Hồi cấp 3 có một lần tôi can ngăn bạn cãi nhau, thế là bị kéo tóc lôi đi (đấy là chưa đánh nhau đấy nhé); 30 năm trôi qua tôi cạch đến già, thấy cãi nhau, đánh nhau là tránh xa. Nếu nó cầm dao đâm người, vào can trong lúc nó đang mất lý trí, thọc cho một nhát thì xong luôn.
Buồn: Đây là câu chuyện của tôi. Tối 19h tôi đang ngồi trong nhà, nghe tiếng xe đụng nhau ngoài đường thì chạy vội ra xem xét, gọi taxi đưa nạn nhân đi cấp cứu, xong quay ra gọi cho người nhà. Vậy mà 5 phút sau tôi bị vài cái đấm, mấy cái đạp, còn bị công an dẫn lên phường uống trà. Hỏi như thế tôi có nên cứu người nữa không? Hãy trách bà con anh em dòng họ người bị tai nạn trước đi.
Lang Thang: Tôi từng đưa người bị tai nạn đi cấp cứu, chẳng thấy cảm ơn, may mà né được cú đấm. Lòng tốt ai cũng có, nhưng chẳng may mình có mệnh hệ gì thì đàn con ai chăm? Cứu người mà bị nhìn nhận như người gây tai nạn, mất công mất việc với công an. Bây giờ khi gặp tai nạn thì chỉ gọi điện cho 113 và 115 thôi.
Rất nhiều độc giả cho rằng, để không còn tình trạng ngoảnh mặt làm ngơ khi nhìn thấy đồng loại gặp nạn, pháp luật cần có các quy định để bảo vệ hiệu quả hơn những con người nghĩa hiệp, tốt bụng, có như vậy mọi người mới dám ra tay can thiệp hoặc giúp đỡ người khác.
Ẩn danh: Không phải con người không có lương tâm và trách nhiệm, mà là do pháp luật chưa quy định rõ về sự ưu tiên cho những người đứng ra giúp đỡ nạn nhân. Có rất nhiều trường hợp, người giúp đỡ nạn nhân bị người thân của họ hành hung, có khi từ vai trò người giúp lại bị nghi là thủ phạm hoặc người gây tai nạn. Quan trọng hơn là họ bị ảnh hưởng bởi công an cứ mời hợp tác điều tra, gây ra phiền phức, ảnh hưởng đến sự riêng tư của người giúp đỡ.
Nếu như pháp luật quy định chặt chẽ hơn, bảo vệ tốt hơn cho những người giúp đỡ nạn nhân hoặc can ngăn trong trường hợp nguy hiểm để cứu sống nạn nhân thì tôi nghĩ không ai đứng nhìn những chuyện đáng tiếc xảy ra mà không can thiệp.
Tô Bá Huy: Giúp người bị tai nạn giao thông, đưa vào viện thì bị đổ lỗi là gây ra tai nạn, được người nhà nạn nhân "tẩm quất" hoặc đưa thẳng về gặp tổ tông. Mấy năm trước có một học sinh cấp 3 đi tù oan, một sinh viên bị đánh chết vì giúp người tai nạn giao thông đó.
Ẩn danh: Vì rất nhiều lẽ mà khi gặp những sự việc như vậy, nhiều người muốn can ngăn giúp đỡ nhưng sợ bị liên luỵ. Ví dụ gặp người bị tai nạn, họ giúp đưa vào chỗ cấp cứu nhưng bệnh viện yêu cầu đóng viện phí bước đầu hoặc từ chối vì không có tiền. Có khi người nhà không hiểu, tưởng mình là người gây tai nạn… Và cuối cùng, theo tôi là do sự vô cảm đối với cái chết của đồng loại cũng do giáo dục mà ra.
Minh Thanh: Tôi thấy nhiều vụ cứu người bị nạn xong thì bị chính người nhà đánh vì hiểu nhầm là kẻ gây tai nạn. Chưa kể nếu vào khống chế hung thủ không cẩn thận để hung thủ bị thương thì cũng dễ dính tội. Nếu đen hơn, bị hung thủ tước luôn mạng mình thì ai chịu? Vợ con và gia đình mình chứ ai vào đây nữa? Bởi vậy, cần có những quy định cụ thể để người giúp đỡ không bị liên lụy, không phải gánh hậu quả rủi ro quá nhiều, rồi họ không dám cứu. Tôi tin xã hội rất có tình người, nhưng cũng nên làm cách nào đó đừng để họ sợ hãi, bỏ mặc người gặp nạn.
Tuy nhiên, không ít độc giả cho rằng thật đau lòng khi chuyện bỏ mặc người gặp nạn được coi là bình thường, như bình luận của bạn Tuyển Lê: "Buồn vì đọc những bình luận biện minh cho nạn thấy chết không cứu. Các bạn nói đều có lý, quả thật cứu người nhiều lúc thiệt mình, quả là ai cũng có quyền nghĩ đến sự an toàn của mình đầu tiên. Thế nhưng tôi vẫn thấy đau lòng quá, khi mà chuyện ngoảnh mặt làm ngơ trước cơn hoạn nạn của người khác được coi là bình thường và những ai chỉ trích, lên án lại bị mắng mỏ là anh hùng bàn phím".
Độc giả Hoàng Dung viết: "Tôi từng gặp ở xung quanh chúng ta rất nhiều người vô cảm. Họ coi thường thân xác và tính mạng của người khác. Họ thấy người khác gặp nguy hiểm vẫn dửng dưng như không có chuyện gì. Thật là buồn và thất vọng. Thiết nghĩ pháp luật nên có biện pháp trừng phạt hành vi này để giáo dục đạo đức xã hội".
Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.