Tại buổi tham quan và làm việc của đoàn công tác của Đại biểu quốc hội với Công ty Liên doanh Điều hành Dầu khí Cửu Long (Cửu Long JOC), đơn vị thành viên của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), ông Nguyễn Văn Quế - Tổng Giám đốc Cửu Long JOC chia sẻ thông tin về hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nói chung và của Cửu Long JOC nói riêng.
Đoàn công tác tham quan Cửu Long JOC.
Tại buổi làm việc với Cửu Long JOC, đoàn công tác cũng được nghe giới thiệu về sơ lược về hoạt động của PVEP và Cửu Long JOC; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và những góp ý với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Ông Nguyễn Văn Quế - Tổng Giám đốc Cửu Long JOC chia sẻ về hoạt động của công ty.
Ông Nguyễn Văn Quế - Tổng Giám đốc Cửu Long JOC cho biết, trải qua 24 năm hình thành và phát triển, Cửu Long JOC đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tính đến hết năm 2021, Cửu Long JOC nộp ngân sách 11,9 tỷ USD, trong tổng doanh thu 27,3 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Cửu Long JOC hoàn thành chiến dịch lắp đặt bơm ngầm, thành công khoan thêm 2 giếng; kỳ vọng năm 2022, công ty sẽ nộp ngân sách 864 triệu USD. Dự kiến, đến cuối năm 2022, Cửu Long JOC cũng sẽ cán cột mốc 400 triệu thùng dầu khai thác từ lô 15.1.
Giới thiệu với đoàn công tác về kho vật tư, thiết bị Cửu Long JOC.
Hoạt động ở khâu đầu - tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, lĩnh vực hoạt động của PVEP nói chung và Cửu Long JOC nói riêng chịu sự điều chỉnh rất lớn của Luật Dầu khí. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách.
Như với PVEP, giai đoạn 2007 – 2016, công ty thực hiện đầu tư đến 27 dự án nhưng từ 2016 trở đi sau khi điều chỉnh về hợp đồng dầu khí, cũng như những chính sách, pháp luật đầu tư, thì đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác giảm mạnh, giai đoạn 2016 – 2021 chỉ có khoảng 2 dự án đầu tư, quy mô cũng có sự giảm sút rõ rệt.
Do đó, trong quá trình các cơ quan chức năng lấy ý kiến sửa đổi Luật Dầu khí, PVEP, cũng như Cửu Long JOC và các nhà thầu đã rất nghiêm túc, tích cực tham gia góp ý, xây dựng luật, xuất phát từ hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế, cũng như những đặc thù của ngành Dầu khí với đầu tư lớn, rủi ro cao.
Toàn cảnh buổi làm việc với Cửu Long JOC.
Trong các kiến nghị, có hai kiến nghị lớn là tháo gỡ vướng mắc về sự chồng chéo, bất cập giữa các luật, như Luật Đầu tư, Luật xây dựng, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước; tăng các ưu đãi đầu tư, phù hợp với tình hình hiện trạng tài nguyên dầu khí của đất nước, như ngoài ưu đãi đầu tư với nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp, cần có thêm ưu đãi xét trên quy mô trữ lượng, với những dự án có trữ lượng nhỏ, kinh tế cận biên.
Đoàn tham quan Cảng Dầu khí PTSC.
PVEP, Cửu Long JOC và các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự kỳ vọng rất lớn Luật Dầu khí sửa đổi sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, góp phần làm minh bạch, tạo bước đột phá về mặt cơ chế, để không bị tụt hậu so thế giới, khu vực, góp phần thu hút đầu tư từ bên ngoài, cũng như phát huy được nguồn lực nội tại, thúc đẩy đầu tư vào ngành dầu khí nói chung, đặc biệt là đầu tư ở lĩnh vực khâu đầu (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí) nói riêng, tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, đóng góp cho sự phát triển bền của đất nước.