Phải tới tối 12/9, Cục Thể dục thể thao mới gửi lời mời đầu tiên đến huấn luyện viên Park Chung-gun về việc đàm phán, gia hạn hợp đồng. Trước đó, vị chuyên gia người Hàn Quốc không nhận được bất kỳ lời đề xuất nào từ ngành thể thao Việt Nam và đành trở về Hàn Quốc.
Chia sẻ với Báo điện tử VTC News, bà Nguyễn Thị Nhung - cựu HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam, người từng đích thân mời HLV Park Chung-gun về Việt Nam làm việc cách đây 10 năm - tiết lộ vị chuyên gia đang cảm thấy thất vọng vì cách làm việc của ngành thể thao Việt Nam.
HLV Park Chung-gun đã trở về Hàn Quốc.
"Ngành thể thao không nên quên đi nhiệm vụ chính của mình, và cần xem lại cách hành xử với các chuyên gia nước ngoài, cụ thể là ông Park Chung-gun.
Thầy Park có mặt tại Việt Nam sau ASIAD 2014 cũng vì lời mời của chúng ta. Ngành thể thao Việt Nam phải công nhận rằng bắn súng Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhờ HLV Park. Thầy đã cùng Cục trưởng và các lãnh đạo ngành, lãnh đạo vùng xây dựng nên một chiến lược phát triển ngành bắn súng, xây dựng lực lượng từ con số 0", bà Nhung chia sẻ.
Ngành thể thao Việt Nam thất hứa?
Theo quy chế, các chuyên gia nước ngoài chỉ được ký hợp đồng 1 năm với các cấp đội tuyển. Khi hết hợp đồng, Cục Thể dục thể thao sẽ đề xuất cơ chế với nhà nước, sau đó làm việc riêng với các HLV.
Bà Nhung tiết lộ ngay thời điểm ông Park Chung-gun nhậm chức HLV trưởng tuyển bắn súng Việt Nam năm 2015, lãnh đạo ngành đã hứa hẹn mời ông Park ở lại làm việc lâu dài, ít nhất tới khi HLV Park về hưu. Điều kiện để ngành giữ thỏa thuận này là ông Park giúp bắn súng Việt Nam có huy chương Olympic.
Ông Park Chung-gun là HLV của xạ thủ đoạt HCV Olympic - Hoàng Xuân Vinh.
Sau 10 năm làm việc tại Việt Nam, ông Park Chung-gun đã dẫn dắt các xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tới tấm HCV Olympic 2016, xạ thủ Phạm Quang Huy tới HCV Asiad 2023 và Trịnh Thu Vinh tới chung kết 2 nội dung bắn súng tại Olympic 2024. Tuy nhiên, ngành lại chậm trễ trong việc gia hạn với ông Park.
"Thầy sang Việt Nam năm 2015, lúc ấy 48 tuổi. Thầy bỏ hết công việc ở lại quê nhà để trở thành HLV tại Việt Nam. Chỉ 1 năm sau chúng ta có huy chương Thế vận hội Rio 2016. Tại Olympic 2024, thầy cũng giữ đúng lời hứa sẽ giúp đoàn Việt Nam có VĐV lọt chung kết môn bắn súng và phấn đấu có huy chương. Vậy tại sao ngành thể thao không giữ lời hứa của mình?", bà Nhung bức xúc.
Theo quy định của cả Việt Nam và Hàn Quốc, tuổi nghỉ hưu của người lao động nam là 60 tuổi. HLV Park Chung-gun hiện 58 tuổi, tức phải 2 năm nữa mới về hưu. Bà Nhung chia sẻ rằng việc ngành chậm trễ, lưỡng lự gia hạn với ông Park, đã trực tiếp biến ông thành người thất nghiệp trong hơn 1 tuần.
"Vì sao ngành lại bắt thầy Park phải chờ đợi từng ngày, không biết mình có được gia hạn hay không? Các lãnh đạo ngành đẩy bài toán này từ hết phòng ban này tới phòng ban kia. Về lý thuyết, ngành không sa thải HLV Park. Nhưng cách hành xử bằng sự im lặng như vậy, không khác gì ngành đã ‘đuổi’ chuyên gia về nước", bà Nhung nói thêm.
Ngành thể thao hành xử thiếu chuyên nghiệp
"Tôi từng làm việc với các lãnh đạo ngành để mời ông Park sang Việt Nam hồi 2014. Nhưng bây giờ, khi thầy Park phải về nước như vậy, thế hệ lãnh đạo mới đã gặp gỡ, an ủi thầy chưa? Tôi khá chắc là chưa. Đây là hành động rất thiếu chuyên nghiệp", bà Nhung nói.
Theo phản ánh của ông Park với bà Nhung, ngành thể thao không hề liên hệ với ông về việc chấm dứt hợp đồng hay gia hạn thêm 1 năm. Ông cũng không nhận về một lời hỏi thăm hay động viên từ lãnh đạo ngành. Bà Nhung nhận xét đây là cách hành xử rất thiếu chuyên nghiệp, và ở một mức độ nào đó, là "vô ơn".
"Tôi hiểu là Cục và Liên đoàn phải chờ cơ chế để có thư mời chính thức, nhưng cái thiếu sót ở đây là các lãnh đạo đã thiếu quan tâm, thiếu sự biết ơn và đồng cảm với HLV Park Chung-gun. Không có một bó hoa nào, không một lời động viên nào được đưa ra cả.
Ngành thể thao Việt Nam của hiện tại đang được hưởng những thành quả của thế hệ trước. Nhưng cách hành xử thế này đã phá hủy mối quan hệ giữa Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài. Nhiều VĐV, người trong cuộc đã nói với tôi rằng họ không còn muốn cống hiến, khi nhìn cách HLV Park bị đối xử", bà Nhung nói.
HLV Park Chung-gun và xạ thủ Trịnh Thu Vinh tại Olympic 2024.
Cục Thể dục thể thao từng cho biết nguyên nhân thể thao Việt Nam phát triển kém là do thiếu HLV nội giỏi. Theo đó, những mũi nhọn của thể thao Việt Nam đều được dẫn đắt bởi những chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, sau sự việc lần này, ngành thể thao Việt Nam nhiều khả năng đã mất đi vị chuyên gia nước ngoài giàu thành tích nhất lịch sử thể thao nước nhà.
"Tại Mỹ, HLV trưởng của đội tuyển bắn súng năm nay đã gần 80 tuổi, mắc nhiều bệnh nhưng vẫn ra trường bắn. Ông chỉ cần có mặt ở đó thôi là đủ để khiến bầu không khí trở nên long trọng. Các VĐV và thành viên ban huấn luyện vô cùng trân quý những hình mẫu như vậy.
Nhìn lại ngành thể thao Việt Nam, chúng ta chưa biết trân trọng những thành quả mình từng đạt được, chưa biết hành xử sao cho đúng, đối với những người có công lao, tận tụy phục vụ nước nhà", bà Nhung nói.