Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cựu du học sinh Úc làm app sơ cấp cứu tiếng Việt, tăng tỉ lệ cứu sống nạn nhân

(VTC News) -

App tiếng Việt đầu tiên về các giải pháp sơ cấp cứu của cựu du học sinh Úc Hồ Thái Bình góp phần giúp giảm tỷ lệ tử vong của người gặp rủi ro sức khỏe.

Anh Hồ Thái Bình (1990) là một trong những cựu du học sinh tại Australia, cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT, Thạc sĩ Kinh doanh, Đại học Queensland. Anh đang cùng lúc nắm giữ hai vị trí là Giám đốc Doanh nghiệp Xã hội Kỹ năng sinh tồn Việt Nam (Survival Skills Vietnam - SSVN) và Phó giám đốc Công ty TNHH SiGen.

Cùng trò chuyện với anh Hồ Thái Bình để hiểu được vì sao anh luôn dành tâm huyết cho việc đẩy mạnh phát triển các dự án startup và kết nối chặt chẽ với Hội du học sinh Việt tại Australia và cựu sinh viên.

- Là một cựu du học sinh Australia, vì sao anh chọn trở về quê hương lập nghiệp thay vì ở lại như nhiều người khác?

Tôi nghĩ là người Việt Nam, miễn là trái tim luôn hướng về quê hương, thì dù ở Việt Nam hay bất kỳ đâu trên thế giới cũng đều có thể đóng góp cho đất nước mình.

Đối với trường hợp của tôi thì do có đam mê về giải quyết vấn đề xã hội, mặc dù học về kinh doanh nhưng trong thời gian ở Australia tôi vẫn học thêm các môn về phát triển bền vững. 

Quốc gia nào cũng có vấn đề riêng của họ. Tôi có quan điểm là mình là người Việt thì cá nhân mình muốn ưu tiên giải quyết vấn đề của nước mình trước. Và cách tốt nhất để giải quyết chính là về Việt Nam để ứng dụng những kiến thức này nhằm thấu hiểu và tìm ra đáp án của các vấn đề đó.

- Công việc của anh đang có nhiều tiến triển đột phá, anh từng gặp khó khăn và thuận lợi gì khi khởi nghiệp?

Về thuận lợi, các dự án đều có mục đích và ý nghĩa mang lại lợi ích cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội đang quan tâm nên từ đó cũng nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng, các chương trình hỗ trợ của các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, có thể duy trì được mạng lưới các bạn học, các cựu sinh Australia từ nhiều lĩnh vực khác nhau nên có thể tìm đồng đội, những người chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc. 

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì cũng có những khó khăn như những cái mình làm mặc dù không có gì mới ở các nước phát triển, thậm chí nó là một phần hiển nhiên của đất nước họ, nhưng khi đưa về thì nó quá xa lạ và khó nhận được sự chấp nhận của thị trường ngay từ đầu.

Ví dụ như khi một người bị tai nạn giao thông ở các nước phát triển như Australia, Mỹ, các nước Châu Âu… thì những người qua đường tham gia sơ cứu hỗ trợ nạn nhân đúng cách trước khi xe cứu thương tới là chuyện rất bình thường. Tỷ lệ tham gia là 70%. Vì kỹ năng sơ cấp cứu đã được dạy trong nhà trường từ năm 6 tuổi và liên tục được TV nhắc đi nhắc lại.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ này rất thấp, tôi đọc được báo cáo của một bệnh viện cho thấy, tỷ lệ này chỉ dưới 5%, và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông, đột quỵ, đuối nước… của Việt Nam cao hơn so với các nước mà người dân được học sơ cấp cứu từ sớm.

Người Việt thường cho rằng vấn đề sơ cấp cứu là của bác sĩ, tuy nhiên trong “thời gian vàng” chỉ có ít phút đầu, kể cả tại các nước phát triển, xe cấp cứu cũng không thể tới kịp. Khi thuyết trình ý tưởng thành lập doanh nghiệp đào tạo sơ cấp cứu, các nhà đầu tư đều nói rằng cái kiến thức này đem đi cho cũng không ai thèm nhận huống chi là bán.

Anh Hồ Thái Bình tham gia khóa đào tạo cùng chuyên gia Tony Coffey.

- Xuất phát từ ý tưởng nào khiến anh quyết định thành lập công ty về sơ cấp cứu? 

Ban đầu, tôi chỉ là một học viên trong lớp Sơ cấp cứu của Survival Skills Vietnam do thầy Tony Coffey - một chuyên gia cấp cứu ngoại viện (paramedic) người Úc và chị Trang Jena - cũng là cựu du học sinh giảng dạy.

Khi học xong, tôi thấy kỹ năng này rất quan trọng vì chính mình cũng đã được mẹ mình - một nhân viên y tế cứu sống nhiều lần nhờ những kỹ năng này, do đó mình làm tình nguyện viên cho Survival Skills Vietnam để làm ra ứng dụng di động Sơ Cấp Cứu và tổ chức các lớp học đầu tiên ở Vũng Tàu.

Tới một tối nọ, trong lớp học, có một nhóm học sinh cấp 3 đi 20km từ Bà Rịa tới Vũng Tàu để học, cả nhóm rất bất ngờ vì bình thường những người học sơ cấp cứu là người lớn, đặc biệt là phụ nữ có con nhỏ để chăm sóc các bé khi gặp sự cố sức khỏe, tai nạn. Tò mò, chị Trang Jena hỏi em học sinh đó lý do mà em ấy đi học thì nhận được câu trả lời rằng: “Nếu em biết sơ cấp cứu trước 2 tháng, thì ba em có thể đã không chết”. 

Vào thời điểm 2 tháng trước, khi gia đình em học sinh này đang chuẩn bị đón Tết thì ba của em ấy đột ngột bất tỉnh và tim ngừng đập, tuy nhiên gia đình không biết làm gì mà chỉ biết đợi xe cứu thương tới. Khi xe cứu thương đến nơi thì đã quá trễ.

Câu chuyện này làm tôi trăn trở, nếu như cả đội ngũ tiếp tục làm tình nguyện, mỗi người cố gắng làm ngoài giờ để xin thêm ngày phép, tiết kiệm lương mỗi tháng để đi dạy thiện nguyện bằng một nhóm nhỏ, thì mỗi năm cao lắm chỉ dạy được vài trăm người, con số đó chỉ là muối bỏ bể so với dân số 100 triệu người. Do đó, nếu cứ làm theo cách này, thì sẽ có hàng nghìn người khác phải chứng kiến người thân của mình ra đi mà không biết làm gì như trường hợp trên.

Trong lúc đang tìm giải pháp thì cũng là lúc Việt Nam vừa công nhận Doanh nghiệp xã hội (DNXH) trong Luật doanh nghiệp. 

DNXH là một ý tưởng rất hay, tôi có thể sử dụng kiến thức kinh doanh đã được học từ Úc để tạo một tác động xã hội nào đó tại Việt Nam. Và từ khi chuyển mình từ một dự án tình nguyện thành DNXH thì Survival Skills Vietnam có nhiều nguồn lực hơn để tăng số lượng người tiếp cận kỹ năng sơ cấp cứu và đầu tư vào công nghệ để giúp mọi người ở bất kỳ đâu đều có thể tiếp cận được.

Khóa đào tạo sơ cấp cứu.

- Công ty đang sở hữu một ứng dụng di động về sơ cấp cứu rất hữu ích, anh đã bắt đầu dự án này như thế nào?

Cách đây 7 năm, khi tôi tham gia lớp sơ cấp cứu, có thắc mắc là mình không phải y bác sĩ để thực hành sơ cấp cứu hằng ngày, nên một thời gian có thể sẽ quên. 

Do đó, tôi thử lên mạng tìm thì phát hiện ra phần lớn thông tin về sơ cứu thời bấy giờ là những thông tin không đáng tin cậy, có mục đích bán hàng, các thông tin y tế từ nguồn đáng tin cậy thì thường dành cho người làm y tế, người dân không có chuyên môn y tế khó có thể hiểu hoặc làm theo được. 

Trong khi đó, các ứng dụng di động thì phần lớn bằng tiếng Anh, không hề có ứng dụng nào bằng tiếng Việt.

Từ đó, tôi thấy việc làm ra một ứng dụng tra cứu sơ cấp cứu bằng tiếng Việt là rất cần thiết. Tuy nhiên lúc đó thì SSVN đang làm tình nguyện, tiền đóng góp phần lớn là tiền tiết kiệm của các thành viên đóng góp nên không đủ để làm app.

Tôi thử tự học các cách lập trình đơn giản để làm app. Do không có chuyên môn về lập trình nên phải vừa làm vừa học, đã làm và bỏ đi 10 phiên bản lỗi mới ra được một bản cuối cùng thành công trên thiết bị Android chỉ với tính năng tra cứu và hướng dẫn bằng hình và văn bản.

Sau đó, rất may mắn là có được sự hỗ trợ của anh Trung là học viên của SSVN đồng thời là lập trình viên, SSVN đã ra đời thêm phiên bản IOS. 

Không lâu sau, thông tin này được truyền tới Đại sứ quán Úc, và phía chính phủ Úc đã tài trợ kinh phí để có thể phát triển lên phiên bản tiếp theo có nhiều chức năng hơn như hướng dẫn bằng video, giọng nói…

Đến nay, ứng dụng di động Sơ Cấp Cứu là ứng dụng tra cứu thao tác sơ cứu khẩn cấp đầu tiên và phổ biến nhất bằng tiếng Việt.

Dự án đào tạo cho người điếc.

- Là một cựu sinh viên Úc, anh rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội và đã có những thành tích rất nổi bật. Việc duy trì sự kết nối giữa du học sinh có ý nghĩa thế nào trong mối quan hệ giao bang giữa hai nước Việt  - Úc?

Các cựu du học sinh Úc là những người đã sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sau đó đã học và sống một thời gian ở Úc, nhờ đó vừa hiểu được văn hóa, môi trường, cách làm việc ở 2 quốc gia. Từ đây, họ là cầu nối hiệu quả giúp người dân, doanh nghiệp, chính phủ 2 nước vượt qua các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa nhờ đó có thể thấu hiểu và hợp tác hiệu quả.

Với một cộng đồng cựu du học sinh đông đảo vào bậc nhất trong các quốc gia, các cựu du học sinh Úc là một trong những lợi thế lớn để thắt chặt mối quan hệ bang giao giữa hai nước.

Dự án gần đây nhất cùng làm với các cựu sinh Úc khác là Đào tạo kỹ năng Sơ cấp cứu cho người điếc, được thực hiện với Trung Tâm Vì Người Điếc PARD do chị Nguyễn Trần Thủy Tiên - giám đốc Trung Tâm chủ trì. 

Dự án bao gồm đào tạo người điếc kỹ năng sơ cấp cứu, đào tạo tập huấn viên người điếc để dạy lại kỹ năng sơ cấp cứu cho những người điếc khác trực tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, tạo nên thư viện video hướng dẫn sơ cấp cứu bằng ngôn ngữ ký hiệu. 

Hai tổ chức kết nối được với nhau do các nhà sáng lập của 2 tổ chức cùng tham gia tập huấn về kỹ năng giảng dạy do Chương trình Phát triển nguồn nhân lực Australia - Việt Nam (Aus4Skills) tổ chức cho cựu sinh Úc.

Anh Hồ Thái Bình chia sẻ tại Diễn đàn cựu du học sinh Australia tại Hà Nội.

- Dự định tương lai của anh trong việc phát triển các dự án tại Việt Nam?

Công ty SSVN của tôi mong muốn đưa sơ cấp cứu tiếp cận đến nhiều người hơn, đặc biệt là những địa phương xa các thành phố lớn, nơi hệ thống y tế, cấp cứu cũng như nhận thức về an toàn và sức khỏe của người dân chưa cao. 

Do đó, tôi đang trong giai đoạn tìm kiếm các đối tác làm trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương để chuyển giao mô hình này để họ vừa có thể vừa tạo ra lợi nhuận cho bản thân, vừa đóng góp cho cộng đồng một cách bền vững.

- Trân trọng cảm ơn anh!

Là một phần của Aus4Vietnam, Aus4Skills là chương trình hợp tác kéo dài 10 năm giữa Việt Nam và Australia, trị giá 86,4 triệu đô la Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn năng lực, nắm bắt các cơ hội kinh tế, đạt được sự phát triển lâu dài và phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, chương trình cũng góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam. 

Aus4Skills bao gồm năm hợp phần chính:

Học bổng Chính phủ Australia

Kết nối Cựu sinh viên

Xây dựng năng lực Giáo dục Đại học

Củng cố lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam

Hỗ trợ phát triển kỹ năng lãnh đạo trong dịch vụ công thông qua Trung tâm Việt - Úc.

Vân Hồng

Tin mới