Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc: 'Trung Quốc không có nhiều bạn đáng tin cậy như Mỹ'

(VTC News) -

Trong bài phân tích trên Nikkei, Derek Grossman, cựu Cố vấn Lầu Năm Góc, cho rằng Trung Quốc có rất ít đối tác và các đối tác của Bắc Kinh không đáng tin như Mỹ.

Mở đầu bài phân tích, Derek Grossman cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng leo thang như hiện nay, Trung Quốc và Mỹ đang tích cực thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những quan hệ đối tác như vậy mang lại những lợi thế đáng kể, từ khả năng tiếp cận căn cứ quân sự đến các kết quả chính trị thuận lợi, cũng như các cơ hội thương mại tiềm năng.

Mỹ củng cố quan hệ với đối tác

Bất chấp những lời đe dọa của chính quyền Trump về chiến tranh thương mại, sự hoài nghi về các liên minh của Mỹ, Washington đạt được những kết quả tích cực về mặt ngoại giao. Mỹ đã thắt chặt quan hệ với các đồng minh hiệp ước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan...

Washington hợp tác với Ấn Độ, nâng cấp quan hệ đối tác không chính thức với Đài Loan, tăng cường sự tham gia của các quốc đảo Thái Bình Dương và có khả năng cạnh tranh trên hầu hết khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ về việc giữ cho khu vực này tự do và rộng mở cũng đã gây được tiếng vang với các nước Tây Âu thân thiện như Pháp, Đức và Anh.

Trung Quốc và Mỹ đang tích cực thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Ảnh: Brookings)

Mỹ cũng đang tích cực hợp tác, đa phương hóa hơn nữa quan hệ với các đối tác. Tuần trước, tại Tokyo, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gặp những người đồng cấp từ Australia, Ấn Độ và Nhật Bản về các cuộc thảo luận “Bộ tứ kim cương” (QUAD). Tại đây, chủ đề về Trung Quốc nằm trong chương trình nghị sự.

Theo Derek Grossman, so với Mỹ, đối tác của Trung Quốc chắc chắn không nhiều bằng, cũng không đáng tin cậy bằng. Đó là một thách thức lớn đối với Bắc Kinh khi sự cạnh tranh các cường quốc tiếp tục gia tăng.

Trung Quốc không có “bạn đúng nghĩa”

Ngược lại, Trung Quốc đã làm suy yếu lòng tin với các nước láng giềng trong những năm gần đây. Thái độ hiếu chiến, chính sách ngoại giao “cơ bắp” và những hành động ngang ngược của Trung Quốc khiến nước này không có thêm đối tác mới. Trung Quốc không có liên minh và quan hệ đối tác của nước này là với các quốc gia không quan trọng.

Lấy ví dụ Nga, đối tác truyền thống, lâu năm nhất của Trung Quốc. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau rất nhiều lần. Ông Tập thậm chí còn gọi ông Putin là "người bạn tốt nhất, thân thiết nhất của tôi". Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích, phản đối trật tự dân chủ dựa trên luật lệ của phương Tây. Theo phản xạ, Nga cũng phản đối lợi ích của Mỹ, điều này phù hợp với nhu cầu của Trung Quốc.

Thế nhưng, ngay cả khi Trung Quốc và Nga đều đặn tăng cường hợp tác an ninh thông qua trao đổi quân sự, hai nước vẫn có sự “dè dặt” trong các thỏa thuận bí mật, các cuộc tập trận chung, cũng như phối hợp công nghiệp quốc phòng và kỹ thuật.

Matxcơva không hài lòng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á và với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Mong muốn của Nga là Trung Quốc tránh xa Bắc Cực - nơi liên quan đến lợi ích trực tiếp của Nga. Hơn nữa, Nga phải cân nhắc trong quan hệ với Bắc Kinh bởi nước này cần quan hệ với các đối tác khác, nhất là khi Matxcơva đang cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ấn Độ - nước có tranh chấp với Trung Quốc.

Ngay sau khi Trung Quốc gây chiến với Ấn Độ vào tháng 6 dọc theo biên giới tranh chấp của họ trên dãy Himalaya, Nga đã hoãn việc đàm phán bán thỏa thuận tên lửa đất đối không S-400 với Bắc Kinh. Nói cách khác, Matxcơva dường cũng có sự tính toán rất kỹ trong việc cân nhắc lợi ích của mình trong quan hệ Bắc Kinh. Và khi hai nước không có liên minh an ninh, Bắc Kinh không nên trông đợi sự hỗ trợ của Matxcơva nếu bị tấn công.

Triều Tiên là quốc gia duy nhất có liên minh an ninh với Trung Quốc. Năm 1961, hai quốc gia đã ký Hiệp ước “Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ”. Theo đó, Trung Quốc sẽ can thiệp nếu Triều Tiên bị tấn công. Thế nhưng, hiệp ước an ninh giữa hai nước sẽ được đàm phán lại vào năm tới, và kết quả sẽ làm sáng tỏ tình trạng hiện tại của mối quan hệ hai nước.

Xét ở góc độ quan hệ lãnh đạo, người đứng đầu Trung Quốc và Triều Tiên rất ít khi gặp nhau. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên vào tháng 3/2018 - cuộc gặp được thúc đẩy bởi cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến ​​của ông Kim Jong-un với Tổng thống Donald Trump diễn ra sau đó. Ông Tập có thể cảm nhận ông Kim quá liều lĩnh với các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như “thờ ơ” với sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Trung Quốc chú trọng đẩy quan hệ đối tác với Pakistan, quốc gia mà Bắc Kinh đã ủng hộ kể từ Chiến tranh Lạnh, đối trọng khiến Ấn Độ phải phân tâm. Trong những năm gần đây, Islamabad đã giúp Bắc Kinh ngăn chặn những kẻ khủng bố ở Pakistan và Afghanistan xâm nhập vào Trung Quốc. Đổi lại, Pakistan đã yêu cầu Trung Quốc công nhận các tuyên bố chủ quyền của mình ở Kashmir.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có nhiều cuộc gặp mặt, tiếp xúc từ năm 2012. (Ảnh: Reuters)

Pakistan không mang lại lợi ích cụ thể nào trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn của Trung Quốc với Mỹ. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan - dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu trị giá hàng tỷ USD theo Sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh - dường như không hoạt động hiệu quả khi Trung Quốc chi trả các khoản cam kết đầu tư cho Islamabad như kỳ vọng. 

Trên thực tế, Pakistan có vị trí địa chính trị quan trọng dọc theo Ấn Độ Dương, tuy nhiên, cảng chính Gwadar của nước này chưa bao giờ trở thành một căn cứ hải quân.

Đối tác gần gũi nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á là Campuchia. Thủ tướng Hun Sen là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát và Campuchia cũng đã có những tuyên bố “nghiêng” về Trung Quốc trong các vấn đề ở Biển Đông.

Theo cựu Cố vấn Lầu Năm Góc Derek Grossman, thái độ của Campuchia xuất phát từ việc nước này được hưởng lợi từ Sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” của Trung Quốc mang lại trong những năm qua. Bắc Kinh cũng được cho là đang xây dựng các căn cứ quân sự tại Ream và Dara Sakor trên đất Campuchia.

Một khi Bắc Kinh tiếp cận được những căn cứ này, nó sẽ giúp Trung Quốc mở rộng đáng kể phạm vi ảnh hưởng và nguy cơ đe dọa từ các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực sẽ gia tăng. Động thái này cũng sẽ củng cố mối quan hệ đối tác sâu sắc giữa Campuchia và Trung Quốc.

Gần đây, có nhiều thông tin về việc Campuchia cho san bằng một cơ sở hải quân của Mỹ tại Ream và chỉ ra rằng Bắc Kinh được hưởng lợi.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hunsen bác bỏ nghi vấn Trung Quốc sử dụng độc quyền Ream, nói Campuchia đã cho phép tàu của nhiều nước neo đậu tại quân cảng này. 

Thủ tướng Hunsen mới đây còn khẳng định, Campuchia không phải là quốc gia vệ tinh của Trung Quốc dù Phnom Penh nhận được nhiều hỗ trợ từ Bắc Kinh thời gian qua. Ông Hunsen tái khẳng định cam kết của Campuchia về một chính sách độc lập, trung lập và không liên kết. Ông nhắc lại các tuyên bố trước đây rằng Hiến pháp Campuchia không cho phép các lực lượng quân sự nước ngoài sử dụng căn cứ quốc gia.

Kông Anh

Tin mới