Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cựu Chủ tịch GPBank Tạ Bá Long nhận 30 tỷ đồng 'hoa hồng'

Biết dự án Sài Gòn One Tower không đủ điều kiện thế chấp, song Chủ tịch GPBank Tạ Bá Long và cấp dưới vẫn cho vay 305 tỷ đồng để bỏ túi 10% "hoa hồng".

Bộ Công an vừa hoàn tất điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn, Công ty CP M&C và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank), gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 960 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đề nghị VKSND tối cao truy tố Tạ Bá Long (nguyên chủ tịch GPBank), Phạm Quyết Thắng (nguyên Tổng Giám đốc GPBank), Đoàn Văn An (nguyên Phó Chủ tịch GPBank) cùng 7 người khác là cựu cán bộ GPBank về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Liên quan vụ án, Phùng Ngọc Khánh (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sài Gòn One Tower, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C); Nguyễn Trọng Hiếu (nguyên Chủ tịch HĐQT) và Kim Văn Bộ (nguyên Phó Giám đốc Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn) bị cáo buộc hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Tạ Bá Long (phải) tại tòa Hà Nội cuối năm 2017.

Theo điều tra, Công ty Sài Gòn One Tower được thành lập để xây dựng dự án Cao ốc Sài Gòn One Tower tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1 (TP.HCM). Nhằm sử dụng các căn hộ tại dự án để huy động, vay vốn trái phép, ông Khánh với chức vụ là Phó Chủ tịch HĐQT Sài Gòn One Tower, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C chỉ đạo cấp dưới, ký hợp đồng phân chia sản phẩm sàn căn hộ hình thành từ dự án và chuyển giao quyền chuyển nhượng, bán sản phẩm sàn căn hộ của Công ty Sài Gòn One Tower cho Công ty M&C.

Tháng 8/2011, Khánh biết Nguyễn Trọng Hiếu có quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng nên đề nghị sử dụng 6 căn hộ tại Cao ốc Sài Gòn M&C, rộng khoảng 5.500 m2, thế chấp vay 305 tỷ đồng. Khánh hứa chi 20-30% số tiền vay được cho Hiếu khi ngân hàng giải ngân.

Nguyễn Trọng Hiếu sau đó gặp Tạ Bá Long đề nghị vay tiền thế chấp các căn hộ tại dự án Sài Gòn One Tower. Ban lãnh đạo GPBank gồm ông Long và Thắng đồng ý với điều kiện ngoài tiền gốc, lãi, phía ông Khánh phải chi 10% tiền phí. Hồ sơ vay được giao cho cấp dưới hoàn thiện.

Cơ quan điều tra cáo buộc, dự án này đã thế chấp vay vốn ở nhiều ngân hàng, không đủ điều kiện vay vốn tại GPBank nhưng Khánh và các lãnh đạo nhà băng bàn bạc sẽ bán 6 căn hộ cho đơn vị khác, sau đó dùng chính hồ sơ này để vay vốn. Các căn hộ sau đó được Công ty M&C bán cho Công ty Điện lực Sài Gòn do Hiếu làm Chủ tịch HĐQT.

Mặc dù không phải chủ sở hữu, chưa có quyền về tài sản trong việc bán các căn hộ, song Phùng Ngọc Khánh và Nguyễn Trọng Hiếu đến GPBank thống nhất phương án Công ty Điện lực Sài Gòn sẽ mua các căn hộ này và thế chấp lấy tiền trả cho bên bán. Toàn bộ hồ sơ báo cáo tài chính của Công ty Điện Lực Sài Gòn được nhóm này làm khống để đủ điều kiện vay.

Tài sản đảm bảo là 6 căn hộ, 40.000 cổ phần Công ty CP M&C thuộc quyền sở hữu của Khánh; 215.000 cổ phần Công ty CP M&C thuộc quyền sở hữu của Công ty Khải Minh; hợp đồng Công ty CP M&C ký với Công ty Sài Gòn One Tower về việc phân chia tài sản là sàn căn hộ, thư cam kết của Khánh...

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh bị TAND TP HCM đưa ra xét xử hôm 23/6 trong vụ án tại Ngân hàng Đông Á. (Ảnh:Quỳnh Trần).

Do giá trị khoản vay 305 tỷ đồng thuộc thẩm quyền phán quyết của Hội đồng tín dụng Cấp cao GPBank (HĐTD Cấp cao) nên GPBank Chi nhánh TP.HCM chuyển toàn bộ hồ sơ cùng tờ trình lên Hội sở để tái thẩm định, phê duyệt. Sau đó, Phạm Quyết Thắng, Đỗ Trung Thành chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản Phê duyệt HĐTD Cấp cao GPBank với nội dung "đồng ý đề xuất cấp tín dụng của GPBank chi nhánh TP.HCM" mà không tái thẩm định hồ sơ vay vốn của Công ty Điện lực Sài Gòn.

Tuy công ty của Hiếu không đủ điều kiện vay vốn, chưa có báo cáo thẩm định, nhưng Phạm Quyết Thắng chỉ đạo cán bộ ngân hàng lập, ký nháy văn bản "Phê duyệt" chuyển đến từng thành viên HĐTD Cấp cao GPBank quyết định việc cho vay.

Ngày 22/9/2011, HĐTD Cấp cao GPBank không tổ chức xét duyệt khoản vay mà Tạ Bá Long (Chủ tịch), Đoàn Văn An (Phó Chủ tịch), Phạm Quyết Thắng, Đỗ Trung Thành... thành viên HĐTD Cấp cao ký phê duyệt, đồng ý cấp tín dụng 305 tỷ đồng cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay trong 12 tháng. Hôm sau, hợp đồng cho vay được ký kết với lãi suất 21,5% một năm.

Sau khi GPBank giải ngân, Hiếu chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản của Công ty M&C. Khánh rút ra sử dụng cá nhân và chi % cho Hiếu như đã hứa, trong đó có 10% cho các lãnh đạo GPBank.

Hiếu cùng nhân viên đi rút 30 tỷ đồng, đến phòng Phạm Quyết Thắng để tri trả. Số tiền này sau đó được che giấu bằng cách giao cho nhân viên văn phòng Tổng Giám đốc GPBank chia nhỏ, dùng tên giả chuyển đến tài khoản người thân, bạn bè các lãnh đạo GPBank.

Kết luận điều tra xác định, trong quá trình cho vay vốn, GPBank không thẩm định thực tế Công ty Điện Lực Sài Gòn, không thẩm định tính pháp lý của tài sản đảm bảo. Sau khi giải ngân, ngân hàng cũng không kiểm tra định kỳ sau cho vay theo quy định, không kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh... Điều này dẫn đến việc GPBank không có khả năng thu hồi nợ.

Tính đến thời điểm hoàn tất điều tra, GPBank thiệt hại hơn 960 tỷ đồng (nợ gốc 305 tỷ, phần còn lại là tiền lãi, lãi quá hạn).

Hồi cuối năm 2017, Tạ Bá Long bị TAND Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù trong vụ án cùng 6 đồng phạm cho vay sai quy định 3.900 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Nguồn: vnexpress.net

Tin mới