Theo NHNN, tính đến tháng 10, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm bình quân 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó có ngân hàng đã giảm 1-2,5%/năm.
Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay VND với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng (áp dụng đến hết 15/3/2021). Đối tượng giảm lãi suất không bao gồm các khoản vay đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất khác của ngân hàng.
Lãi suất vay của các ngân hàng đồng loạt giảm.
BIDV hiện cũng thông báo mở rộng quy mô gói cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất từ 70.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng (áp dụng đến hết 31/1/2021).
Trong đó, mức lãi suất nhà băng này đưa ra là từ 5%/năm với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc từ 5,5%/năm với các khoản vay 6-12 tháng, thấp hơn 0,5%/năm ở tất cả kỳ hạn.
Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp BIDV hạ lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn sau 2 lần hạ tổng cộng 1%/năm hồi cuối tháng 8 và giữa tháng 9.
Đầu tháng 12, Agribank thông báo dành 70.000 tỷ đồng và 150 triệu USD cho các gói tín dụng lãi suất thấp dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, nhà băng này dành 35.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất tối thiểu 3,7%/năm áp dụng tùy theo từng giải kỳ hạn đối với các khoản vay ngắn hạn và tối thiểu 7%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn.
Các ngân hàng khác như Techcombank, TPBank, HSBC, Shinhan...cũng giảm lãi suất cho vay mua nhà. Cụ thể, Techcombank giảm lãi suất gói cố định 12 tháng đầu tiên từ 8,29% xuống còn 7,59% một năm. Shinhan Bank giảm lãi suất từ 7% xuống 6,6% một năm. Các ngân hàng TPBank, Hong Leong Bank, HSBC giảm từ 0,6-1,5% mỗi năm.
Đợt giảm lãi suất này cũng tập trung tại một số ngân hàng lớn chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng thấp của cả năm nay (đã tăng gần đây nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ), đặc biệt tại nhóm ngân hàng quốc doanh. Việc không thể tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng khiến ngân hàng phải giảm lãi suất huy động để điều tiết thanh khoản. Dù vậy, từ nay đến đầu năm 2021 thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn trong trạng thái dồi dào.
Đến nay, do nhu cầu vay thấp nên tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng gần 8% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng gần 11%). Để tạo dư địa cho vay dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa đồng ý nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lần thứ 2 trong năm nay cho một số ngân hàng thương mại, trong đó mức cao nhất lên tới 30%.
Theo đánh giá mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 10, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm bình quân 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó có một số ngân hàng đã giảm 1-2,5%/năm. Mức lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở 4,5%/năm.
Việc NHNN liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm đã hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho nhóm nhà băng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp hơn từ NHNN, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay trên thị trường.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất (Philipines -2%; Thái Lan -0,75%; Malaysia -1,25%; Indonesia -1,25%; Ấn Độ -1,15%; Trung Quốc - 0,3%).
Ngoài ra, việc NHNN giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí và giảm mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân.