Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cuộc truy lùng tên ‘dã thú’ đoạt mạng 50 người bằng ‘thanh kiếm kỳ dị’

Người dân Xín Mần và Hoàng Su Phì trào lên niềm căm hận khi thấy thanh kiếm, bởi đã có tới 50 người mất mạng dưới lưỡi kiếm kỳ quái cong 90 độ.

Kỳ 4 (kỳ cuối): Hành trình truy bắt dã thú giết người bằng thanh kiếm lạ

Kỳ 1: Huyền thoại kiếm báu của người Dao

Kỳ 2: Những thanh kiếm bí ẩn ở Việt Nam: Thanh kiếm ma ám của người Lào

Kỳ 3: “Thanh kiếm quái dị”

Bóng ma trong rừng

Trong những ngày lùng sục tìm kiếm thông tin về trùm phỉ Tráng Séo Khún, kẻ dùng thanh kiếm kỳ dị mà người dân Hà Giang gọi là câu liêm giết 50 mạng người vô tội ở miền tây Hà Giang, may mắn, tôi được Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy Phó chính trị, Phó Bí thư đảng ủy quân sự tỉnh Hà Giang tiết lộ người duy nhất nắm rõ về tên phỉ ác ôn này. Thời kỳ đó, có vài người truy lùng tên Khún, nhưng hiện chỉ ông Nguyễn Bình Địch còn sống. Ông Địch đang sống ở bản Pắc Há (xã Quang Minh, Bắc Quang).

Từ khi về hưu, ông về quê sinh sống. Dù cụt một tay, ông vẫn hăng say làm việc. Ở tuổi 82, với 64 năm tuổi Đảng, cụ ông dân tộc Tày vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Nhắc đến trùm phỉ Tráng Séo Khún, ông Địch vui vẻ hẳn lên. Ông sắp xếp lại ký ức, rồi bắt đầu câu chuyện tỉ mỉ về tội ác của bọn phỉ ở vùng đất biên viễn này.

Năm 1948, tròn 18 tuổi, ông Nguyễn Bình Địch được cử làm chính trị viên xã đội xã Quang Minh. Cũng năm đó, ông được kết nạp Đảng, một vinh dự rất lớn ngày đó. Tháng 10/1950, ông xung phong vào “vùng đất phỉ” miền tây Hà Giang. Đã vào đó, thì xác định khó có ngày trở về. Ông được cử làm bí thư chi bộ xã Trung Thịnh (hiện xã Trung Thịnh tách làm 6 xã, trong đó 3 xã thuộc Xín Mần, 3 xã thuộc Hoàng Su Phì). Ông nắm luôn chức vụ chính trị viên, chỉ huy du kích chống phỉ.

Xã Trung Thịnh chủ yếu là dân tộc Nùng. Với sự giúp sức của thực dân Pháp, bọn phỉ dựng lên cái gọi là “Xứ Nùng tự trị”, rồi gây thù chuốc oán với các dân tộc anh em, chống lại cách mạng, tiêu diệt chính quyền non yếu của ta. Ông Địch phải mặc quần áo người Nùng, đóng giả người Nùng để dễ bề hoạt động.

Trong một trận đánh phỉ giáp lá cà, khi ông giương súng ngắm, một tên phỉ bắn xuyên từ bàn tay, chạy dọc cánh tay, thủng nách. Vết thương nặng, lại không có điều kiện chữa trị kịp thời, bị nhiễm trùng, nên phải cưa tay. Sức khỏe hồi phục, tháng 8/1954, ông được phân về ủy ban kháng chiến hành chính huyện Hoàng Su Phì, tiếp tục công tác tiễu phỉ.

 Xét xử Phỉ ở Hà Giang. Ảnh tư liệu.

Hai trùm phỉ người Nùng quê ở xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) gồm Tại Xếp Vần và Tại Xếp Sần cầm đầu toán phỉ mấy trăm tên bị bộ đội và du kích ta đánh tơi bời. Trong một trận đánh ác liệt, Tại Xếp Vần bị bắt. Trùm phỉ Tại Xếp Sần trốn thoát, dẫn quân hợp lực dưới trướng Tráng Séo Khún. Có thêm vây cánh, Tráng Séo Khún nổi lên thành tên phỉ khét tiếng khắp vùng biên ải. Hắn liên hệ với các nhóm phỉ bên Trung Quốc, nên sức mạnh càng tăng lên, tha hồ làm mưa làm gió dọc dải miền tây tỉnh Hà Giang. Địa bàn hoạt động của hắn kéo dài sang tận Si Ma Cai của Lào Cai. Tuy nhiên, trước sự tấn công tổng lực của ta, bọn chúng đã tan rã. Tráng Séo Khún cùng đồng bọn trốn vào rừng ẩn náu, tìm cơ hội nổi dậy.

Tội ác của Tráng Séo Khún quá man rợ, nên không thể dung thứ. Cấp trên chỉ thị bằng mọi giá phải lùng bắt được tên Khún, hoặc tiêu diệt hắn, tránh mầm họa có thể xảy ra sau này. Tuy nhiên, cuộc truy lùng diễn ra suốt 3 năm, từ cuối năm 1954 đến 1958 vẫn không có kết quả. Tráng Séo Khún vẫn như một bóng ma, lúc ẩn lúc hiện trong rừng.

Diệt phỉ bằng… mồm

Năm 1958, khi đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, bí thư huyện Hoàng Su Phì được điều đi nơi khác, thì ông Nguyễn Bình Địch tiếp nhận công việc của một bí thư. Mặc dù vậy, nhiệm vụ lớn nhất của ông là tìm ra tên trùm phỉ Tráng Séo Khún, để nhổ cỏ tận gốc. Qua quá trình điều tra, ông biết tên Khún có quê quán ở thôn Nậm Chà, xã Nấm Dẩn, thuộc Xín Mần bây giờ. Hắn lấy vợ ở xã Chế Là. Ông cùng anh em du kích phục nhiều ngày ở đó, song không thấy sự xuất hiện của hắn.

Qua một số nguồn tin, biết tên này vẫn liên hệ với tàn quân phỉ bên Trung Quốc, nên Nguyễn Bình Địch đóng vai phỉ, sang Trung Quốc tìm dấu tích của hắn. Với dáng người nhỏ thó, bị cụt một tay, không mang theo vũ khí, nên bọn phỉ chẳng tin ông là người đang săn lùng, tìm diệt phỉ. Chính vì thế, sau này, anh em phong cho Nguyễn Bình Địch biệt danh “người diệt phỉ bằng mồm”.

Những ngày ở Trung Quốc, thâm nhập sâu vào nhóm tàn quân phỉ, ông nắm được một thông tin quan trọng như sau: Một tháng trước, Tráng Séo Khún ngồi ăn cơm trong một nhà dân cùng với một đồng chí công an, 3 người dân ở Túng Quá Lìn (hiện Túng Quá Lìn là bản của người Mông, ở chân đỉnh Tây Côn Lĩnh, thuộc xã Túng Sán – Hoàng Su Phì). Tên này yêu một cô gái 18 tuổi, người Trung Quốc. Hắn cùng cô bồ trú ngụ ở trong rừng sâu quanh chân đỉnh Tây Côn Lĩnh, giáp biên giới.

Ngày đó, và kể cả bây giờ, Tây Côn Lĩnh vẫn là địa bàn vô cùng hiểm trở, nước độc rừng thiêng, là nơi hổ báo trú ngụ, không có bóng người ở. Đám tàn quân phỉ ở cả Trung Quốc và Việt Nam mỗi khi thất bại thường rút lên đỉnh Tây Côn Lĩnh trú ngụ. Khi bên Trung Quốc truy quét, chúng đột nhập vào Việt Nam, và khi Việt Nam đánh mạnh, chúng chạy sang Trung Quốc. Địa bàn rộng lớn, hiểm trở quanh đỉnh Tây Côn Lĩnh ít người dám ra vào, vì dễ mất mạng như chơi.

 Ông Nguyễn Bình Địch.

Nắm được thông tin, Nguyễn Bình Địch về nước, xin ý kiến của cấp trên. Ông đánh mật mã hỏi ông Trần Quốc Hoàn (Bộ Trưởng bộ Công an) xin lệnh bắt sống hay giết Tráng Séo Khún. Khu ủy Việt Bắc chỉ thị ông tìm mọi cách thuyết phục, dụ hắn ra hàng. Nếu tóm được hắn, thì sẽ dụ được đám tàn quân của hắn phục thiện. Trong trường hợp không thuyết phục được thì mới thủ tiêu.

Ông Địch về huyện gọi tất cả anh em công an để dò hỏi và đã tìm ra một đồng chí từng ăn cơm cùng 3 người Mông ở bản Túng Quá Lìn. Lúc này, đồng chí công an nọ mới toát mồ hôi, vì không biết từng ngồi ăn cơm, uống rượu với một trùm phỉ khét tiếng. Bản thân Tráng Séo Khún cũng không biết đồng chí này là công an. Nếu thân phận bại lộ thì chắc chắn hắn và đồng bọn sẽ hạ thủ đồng chí công an trước.

Ông Địch lúc đóng giả người Mông, lúc đóng giả người Nùng thâm nhập vào những địa bàn Tráng Séo Khún từng xuất hiện. Ông phát hiện hắn thường xuyên có mặt ở xã Chiến Phố, Tụ Nhân, Tân Tiến cùng với một cô gái. Tuy nhiên, mỗi khi ông tìm đến, hắn lại đã biến mất. Hắn quả thực như một bóng ma trong rừng. Hắn không lưu lại chỗ nào quá 2 ngày. Khi du kích nắm được thông tin, rồi ông tìm đến nơi, thì hắn đã lại mất tăm mất tích.

Ông Địch đã sử dụng “binh pháp” rung cây dọa khỉ, đó là chỉ đạo du kích các xã đồng loạt tổ chức lùng sục khắp nơi, tố giác tội ác Tráng Séo Khún. Hành động lùng sục hắn được công khai, rầm rộ, cốt để hắn sợ hãi. Riêng xã Chế Là thì du kích nằm im, không thực hiện truy bắt, mục đích để dụ hắn trốn về đó.

Sở dĩ ông chọn Chế Là là điểm đón lõng, vì đó là nơi vợ của hắn đang ở. Điều tra về cô vợ này, ông Địch nắm được thông tin thú vị: Trong hoàn cảnh Tráng Séo Khún trốn chui trốn lủi khắp nơi, thì tên Tại Xếp Sần định tòm tem với vợ Khún. Cô vợ báo tin, Khún đã tìm về, dùng câu liêm cắt cổ Tại Xếp Sần.

Đối mặt trùm phỉ

Ông Địch giao cho ông Sinh Khế Dùng, vốn là lý trưởng cho Pháp, đã được cách mạng cảm hóa, bổ nhiệm làm chủ tịch xã Chế Là, làm nhiệm vụ thuyết khách và báo tin. Quả đúng như dự tính, tên Khún đã có mặt ở nhà vợ. Vì từng là chỗ thân quen, từng cùng hội cùng thuyền, nên ông Dùng đã gặp được hắn. Ông dụ hắn ra hàng. Hắn đã đồng ý hàng. Ông Dùng đã xắp xếp một buổi gặp mặt giữa ông Địch và Tráng Séo Khún tại nhà ông Dùng.

Ông Dùng làm một bữa cơm. Lúc đó, ông Địch mới giáp mặt tên Khún. Hắn có vóc dáng nhỏ như ông, nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn. Hắn giỏi võ thế nào thì cả vùng đã biết tiếng. Thấy ông Địch cụt tay, không có vũ khí, hắn cũng yên tâm. Hắn hỏi ông Địch:

-        Tôi muốn hỏi ông hai điều trước khi ăn cơm…

-        Anh cứ hỏi.

-        Bây giờ tôi gặp Xếp Sần tôi có quyền bắn nó không?

Thực ra Khún đã giết Sần một năm trước rồi. Ông Địch biết thừa hắn hỏi để thăm dò mà thôi. Ông Địch giả như không biết gì, nói:

-        Anh thấy Xếp Sần anh không có quyền bắn. Anh chỉ có quyền kêu gọi hắn ra hàng như anh. Chỉ khi hắn tấn công anh, anh mới được quyền bắn lại.

-        Thứ nữa, là tại sao tôi hàng rồi mà vẫn có dân quân, công an theo dõi tôi?

-        Anh hàng rồi, tôi vẫn cho người theo dõi. Tôi bố trí cả dân thường theo dõi anh nữa cơ. Cả tôi cũng theo dõi anh nữa. Tôi làm thế để xem anh có hàng thật không. Anh còn hỏi chuyện gì nữa không?

-        Không. Tôi hỏi thế thôi.

Sau đó ông Địch và Tráng Séo Khún ngồi ăn cơm với nhau. Hai bên vừa ăn vừa thăm dò. Không khí rất nặng nề. Ông Địch cảm thấy Khún chưa thực tâm muốn hàng. Ăn xong, ông và Khún chia tay. Sau này ông mới biết, Khún bố trí hơn chục tên thân cận bao vây quanh nhà ông Dùng, với hỏa lực rất mạnh. Chỉ cần Khún ra hiệu, đồng bọn sẽ xông vào nhà giết ông Địch.

Tiêu diệt trùm phỉ

Một tuần sau, 3 đồng chí công an được điều lên Hoàng Su Phì. Cả 3 đồng chí đều là giáo viên dạy võ thuật trong ngành công an. Vài hôm sau thì nhận được tin Tráng Séo Khún có mặt ở nhà vợ. Một đồng chí được bố trí ở huyện, một đồng chí đi trước vào Chế Là, một đồng chí theo sát bảo vệ ông Địch. Cả 3 đồng chí công an đều mang giấy giới thiệu là cán bộ huyện đi kiểm tra việc thu thuế.  

Hai hôm sau, từ Cốc Pài báo cáo ra ngoài là đã hẹn gặp được Tráng Séo Khún. Địa điểm gặp là nhà Tráng Lao Khao, bản Nậm Chà. Ông Địch bố trí đồng chí Nghiêm, đồng chí Kim, là cán bộ ủy ban huyện, một đồng chí công an rất giỏi võ, cùng 6 du kích đi vào. 6 đồng chí du kích được trang bị vũ khí, ẩn nấp ngoài rừng, bao vây ngôi nhà một cách bí mật. Ông Địch sang nhà chủ tịch xã Cốc Pài trú ẩn.

Thời điểm đó, ông Địch là cán bộ tiễu phỉ nòng cốt, nhưng hoạt động vừa như một trinh sát, lại như một người cấp tin, thuyết khách, nên phải giữ thân phận rất kỹ lưỡng. Nếu thân phận tiễu phỉ của ông bị bại lộ, thì bọn phỉ có thể lấy mạng ông bất cứ lúc nào. Là cán bộ huyện, sống giữa vương quốc phỉ, ông ở ngoài ánh sáng, chúng ở bóng tối, nên chúng lấy mạng ông dễ như trở bàn tay.

 Thanh kiếm (có lưỡi như câu liêm) của Tráng Séo Khún.

Tuy nhiên, chờ đến 2 ngày sau mà trùm phỉ Tráng Séo Khún không xuất hiện. Lương thực mang theo thì đã hết. 6 đồng chí du kích có nguy cơ phải rời vị trí phục kích. Đồng chí Kim liền kêu thèm cơm nếp, đề nghị gia đình nấu nồi to. Tuy nhiên, buổi tối đó mọi người cố tình ăn ít, để thừa thật nhiều. Đêm xuống, ông Kim lấy trộm cơm mang cho 6 du kích ở rừng ăn.

Sự kiên trì đã có kết quả. Sáng ngày thứ 3, tức ngày 24/12/1958, Tráng Séo Khún xuất hiện. Hắn lượn lờ quanh nhà Tráng Lao Khao cả tiếng đồng hồ, quan sát tứ phía xem động tĩnh, rồi mới ra mặt. Hắn cầm trên tay chân giò chó đã luộc chín mà hắn đang ăn dở.

Theo lời mọi người kể lại với ông Địch, thì Tráng Séo Khún vừa vào nhà, đồng chí công an từ trong buồng đi ra, bắt tay ông Kim, rồi bắt tay Tráng Séo Khún. Là người giỏi võ, nhìn thế đứng của đồng chí công an, hắn nghi ngờ đồng chí này chuẩn bị ra tay, nên không đưa tay ra bắt. Tuy nhiên, đồng chí công an không để hắn kịp tính toán, nhanh như chớp, quật ngã Tráng Séo Khún. Khám xét trong người hắn, thu được 2 khẩu súng lục đã lên đạn.

Nhận được thông tin đã tóm Tráng Séo Khún, ông Địch lập tức có mặt. Sau khi bàn tính, thì mọi người thống nhất dẫn giải hắn lên xã Xín Mần, phòng đồng bọn của hắn tập kích bất ngờ vào Nậm Chà giải cứu hắn thì rất nguy hiểm cho tính mạng của anh em. Khi đó, Cốc Pài đường xa, hiểm trở, phỉ ẩn náu trong rừng, tấn công rất nhanh, mà ta thì ứng cứu không kịp.

Khi đó đường từ Cốc Pài đến xã Xín Mần chưa có cầu, phải qua sông Chảy bằng mảng. Ông Địch làm nhiệm vụ trói tên trùm phỉ này. Ông chỉ đạo anh em bắt hắn nằm sấp xuống giữa mảng, trói quặt tay ra sau, vì sợ hắn làm lật mảng. 4 đồng chí giữ tay và chân, ấn chặt hắn xuống.

4 đồng chí áp tải hắn qua sông an toàn, thì mọi người nảy sinh tâm lý chủ quan. Nghe đồn đại về Tráng Khéo Khún võ nghệ cao cường, giết người không chớp mắt, ai cũng sợ hãi, nhưng nhìn thân thể nhỏ thó của nhắn, cộng với việc tóm hắn khá dễ dàng, nên nảy sinh tâm lý chủ quan. Đồng chí chỉ huy trưởng biên phòng cùng đồng chí công an đi trước, du kích dẫn giải hắn đi sau. Lẽ ra phải trói cả chân hắn, chỉ để một đoạn dây ngắn, đủ bước đi, nhưng không ai nghĩ hắn đủ bản lĩnh trốn thoát được họng súng của cả chục người, đều có võ nghệ cao cường, nên chỉ trói 2 tay hắn.

Chờ phiên Xín Mần.

Từ bờ sông Chảy đến xã Xín Mần phải vượt qua một ngọn núi rất cao. Con đường nhỏ xíu, chênh vênh bên vực thẳm, chỉ đủ lối cho một người đi, hoặc ngựa thồ. Đến đoạn dốc cao nhất, trùm phỉ Tráng Séo Khún nhanh như chớp nhảy phốc một cái, lao thân xuống vực thẳm. Đứng trên mép đường mòn nhìn xuống, thấy hắn lăn lộn mấy vòng, bạt một lối nương ngô. Sợ hắn trốn thoát, tất cả cùng nổ súng. Đạn bắn xối xả, cày đất mịt mù. Khói súng tan, mọi người mới thở phào khi thấy Tráng Séo Khún nằm còng queo trên mặt đất.

Đem xác Tráng Séo Khún về Cốc Pài, hàng ngàn đồng bào đến xem. Ai cũng sôi sục máu căm thù tên trùm phỉ này. Sau đó, một tên phỉ dưới trướng Tráng Séo Khún, lẩn trốn trong rừng lâu ngày đã ra hàng, mang theo thanh kiếm kỳ dị, mà gọi là câu liêm. Theo tên phỉ này, chiếc câu liêm đó là vật bất ly thân của Tráng Séo Khún trong thời gian hắn nổi lên là trùm phỉ. Hắn dùng câu liêm giết người một cách man rợ với mục đích uy hiếp đồng bào, đe đọa những người không theo hắn, hoặc chống lại hắn. Đồng bào ở Xín Mần, cũng như Hoàng Su Phì khi nhìn chiếc câu liêm đó đều trào lên niềm căm hận. Đã có tới 50 oan hồn chết thê thảm bởi chiếc câu liêm ấy.

Ông Nguyễn Bình Địch cho biết: “Việc không bắt sống được tên Tráng Séo Khún là điều đáng tiếc nhất. Sau vụ đó, đồng chí giáo viên công an và chỉ huy biên phòng bị kiểm điểm nặng. Tôi cũng bị kiểm điểm vì tội không trói chân hắn. Tuy nhiên, cũng may mà nó chết, chứ nó còn sống mà báo thù thì quả thực nguy hiểm. Việc chiếc câu liêm giết 50 người trong tay nó thì tôi không nắm được cụ thể có đúng con số đó không và giết những ai, nhưng đồng bào kể thế thì sau này trong lịch sử tiễu phỉ nhắc đến và Bảo tàng Hà Giang chỉ thông tin lại. Thực hư như thế nào, thì cũng cần phải tìm hiểu thêm. Nếu các anh ở Bảo tàng không vào cuộc tìm hiểu sớm, những người già chết hết đi, thì thông tin sẽ càng mù mịt hơn. Làm rõ cuộc đời trùm phỉ Tráng Séo Khún và chiếc câu liêm đó cũng là điều rất nên làm, để con cháu chúng ta thấy được sự hy sinh thế nào của cha ông để bảo vệ Tổ quốc này”.

Video: Thanh kiếm nạm vàng của vua Bảo Đại

Phạm Dương Ngọc

Tin mới