Chỉ cách thành phố Vinh vài km, giữa một cánh đồng hoang vu ngập nước, không có lối đi thuộc địa phận xóm 8 (Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An), mọc lên một bụi tre um tùm, trơ trọi. Nếu như không có người chỉ dẫn, chúng tôi không thể tin nổi, ở đó có một cặp vợ chồng đang sống đời “Chị Dậu” ngay giữa thời đại văn minh.
Tài sản giá trị nhất là… mấy cái nồi
Nhìn mãi, chúng tôi mới phát hiện ra, lọt thỏm giữa những gốc tre cao vút thấp thoáng có bóng dáng một mái nhà sập xệ, tựa như cái lều vịt bỏ hoang. Chủ nhân của căn nhà biệt lập với thế giới bên ngoài đó là vợ chồng ông Lê Lập Đức (84 tuổi) và bà Trương Thị Quy (56 tuổi).
Cô con gái Lê Thị Xuân Sinh đã lớn và thoát ly ra bên ngoài. Riêng họ, mấy chục năm nay vẫn sống lặng lẽ giữa ốc đảo đơn độc, không điện nước, không tài sản, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, không láng giềng…
Gọi mãi, mới thấy một người đàn bà ra dẫn chúng tôi vào. Ông Đức đang nằm trùm chăn kín mít trên chiếc giường ọp ẹp, mùi hôi hám bốc lên đặc quánh không gian. Bà Quy bảo, chồng bà giờ đã tuổi cao sức yếu, không thể di chuyển được, suốt ngày nằm một chỗ.
Quả thật, nếu như không được chứng kiến, tôi không thể tin rằng lại đang tồn tại một cuộc sống dưới đáy xã hội ở nơi đây. Căn nhà sập xệ không một vật dụng nào của nền văn minh có mặt ở đây, thậm chí một viên gạch cũng không, ngoài mấy cái nồi nhôm để nấu ăn. Bếp thì nhóm củi, nước sinh hoạt phải lội ruộng qua tận làng bên cách đó mấy trăm mét gánh về. Tắm rửa, giặt giũ, hay đi vệ sinh, tất cả toàn tự túc, giữa cánh đồng quanh năm ngập nước mênh mông.
Theo lời bà Quy, ông Đức trước đây vốn sinh ra trong một gia đình giàu có ở xã Hưng Thủy (nay là phường Bến Thủy, TP Vinh). Sau một vài biến cố, tài sản mất sạch, ông Đức cùng người chị gái là Lê Thị Danh dắt díu ra mỏm đất giữa cánh đồng hoang dựng lều sinh sống. Để mưu sinh, họ cùng nhau bắt cua, đánh cá kiếm sống qua ngày.
Người chị của ông vì thương em trai nên quyết định không lập gia đình mà ở vậy cùng em chăm chỉ khai hoang đất để lấy nơi trồng lúa. Được chừng hơn 30 năm, người chị bỏ ông Đức về cõi vĩnh hằng. Từ đó, ông Đức sống thui thủi một mình, không tiếp xúc với bất cứ ai.
Vợ nhặt và cuộc sống buồn tủi giữa cánh đồng hoang
Theo lời ông Đức, trước đây, khi còn trai tráng, ông cũng có mấy lần đi lân la các xóm làng gần đó tán tỉnh, nhưng khổ nỗi cô nào cũng chê ông nghèo khó, sống nơi hoang vu cô quạnh nên chẳng ai nhận lời. Tủi phận, ông Đức sống vò võ một mình, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thậm chí ghét cả người lạ và xua đuổi nếu như họ có ghé qua.
Cho mãi đến đầu những năm 90 thế kỷ trước, biết hoàn cảnh đáng thương của ông Đức, cô thôn nữ tên Trương Thị Quy ở làng bên lúc đó đã 36 tuổi mới nhận lời về làm vợ.
“Lúc đầu ông cũng xua đuổi, nhưng sau mới biết tôi thật lòng thương ông. Ngày đầu về sống chung, do không quen với cuộc sống ở bãi đất này nên tôi có khuyên chồng vào làng nhưng ông ấy nhất định không chịu vì mặc cảm. Thế rồi sống riết mãi nơi này tôi cũng quen dần. 3 năm sau, vợ chồng tôi mới có đứa con duy nhất là cái Sinh”, bà Quy chia sẻ.
Về sau, do sống giữa đồng không mông quạnh, bốn bề là ruộng lúa, lo lắng cho sự an nguy của con gái, bà Quy gửi con cho người cậu ở xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) cho ăn học đến lớp 10. Hiện cô gái này đã lớn và đang buôn bán lặt vặt ở thành phố Vinh.
Cuộc sống của đôi vợ chồng già này cứ như thế trôi qua. Hàng ngày, ông Đức thả lưới đánh cá còn bà Quy thì chăm lo sào ruộng của gia đình. Cũng chính vì sống lâu ở nơi hoang vắng như vậy nên giờ đây họ không muốn giao tiếp với người ngoài xã hội.
Do sống ở mô đất gần sông nên quanh năm ngập nước, cứ mỗi lần lũ lụt là vợ chồng lại ôm nhau nhịn đói trên nóc nhà. Có những lúc cả mấy ngày trời mưa không tạnh, lũ lụt tưởng cuốn trôi cả ngôi nhà xiêu vẹo, cũng may có người làng bên biết chuyện thương tình chèo thuyền qua cho vài gói mì tôm, nhai sống qua ngày.
Tôi hỏi vợ chồng ông có nhớ làng nhớ xóm, nhớ giọng nói, nhớ khuôn mặt mọi người không, ông Đức bảo: “Nhiều đêm, đứng trước lều nhìn ra thấy ánh đèn ngoài đường cao tốc, tôi thèm được cái ánh sáng đó hắt bóng tôi lên vách lều của mình lắm”.
Nỗi lo âu những ngày cuối đời
Tính cho đến nay, ông Đức đã sinh sống trên mảnh đất này hơn 60 năm. Nói về nguyên nhân không chịu vào làng để an cư lạc nghiệp, bà Quy cho biết vì sống lâu ở vùng đất biệt lập nên ông Đức sợ hãi những nơi nào có nhiều người. Một phần khác vì hồi trước nhiều người chê nghèo nên chồng lại càng bất mãn, không chịu tiếp xúc với bất cứ ai ngoài vợ con. Gia đình bà Quy cũng cắt cho vợ chồng một miếng đất ở làng bên nhưng ông không về ở cùng nên bà cũng đành chịu.
Một chi tiết khác, bà Quy cho rằng chồng mình sợ người ta bỏ thuốc độc nên không có niềm tin với bất cứ người lạ nào. Bởi trước đây ông vốn khai hoang được mấy thửa đất ở gần đó, sau nay Nhà nước lất đất xây dựng có đền bù một ít tiền, ông đem gửi cho người thân nhưng nào ngờ người này lừa lấy mất. Cộng vào đó, ở trên cái ốc đảo hoang vu này, cứ nuôi được con gì đều bị bọn nghiện lấy trộm mất nên ông Đức mặc định, ai ngoài vợ con mình cũng đều là người xấu.
Thậm chí, có lần bọn cướp bóc kéo cả mấy tên cùng với gậy gộc và dao găm ra đảo, kề dao vào gia đình khốn khổ và cướp đi… 5 con vịt. Lần sau, bọn nghiện đói thuốc lại nhảy vào và bắt tiếp… 2 con vịt đang thời kỳ đẻ trứng. Một lần khác nữa, giữa đêm những kẻ lạ mặt lại mò vào, dùng đòn xóc khống chế chủ nhà. Lục soát mãi, chúng mới phát hiện một con gà mẹ đang nuôi đàn gà con mới nở sau đống rơm, liền tức tối bắt sạch và châm lửa đốt nhà rồi bỏ đi. Cả nhà quần quật mãi đến sáng mới dập được lửa.
Vợ chồng nghèo đành để vậy, không dám nuôi bất cứ con vật nào trong nhà. Nhưng thế cũng chưa hết, khi cô con gái mới vừa tuổi dậy thì, bọn cướp kéo và nhà không tìm được gì, liền quay sang… gạ tình cô gái. Vợ chồng ông Đức bất kể sống chết, vùng chạy hô hoán ầm ỹ, mặc cho gai góc đâm tước hết cả chân tay, chúng mới bỏ đi. Sau lần ấy, bà Quy đành gửi con gái đi chỗ khác, xa bố mẹ, không dám để sống cùng trên ốc đảo cô quạnh này nữa.
Mấy năm gần đây, do tuổi cao sức yếu, ông Đức mới chịu cho bà Quy đi xay gạo và nhận sự giúp đỡ của người ngoài khi đau ốm. Tuy nhiên, nói về việc vào làng cất nhà để ở thì ông nhất định không chịu.
“Giờ chúng tôi lo lắm nhà báo à. Chồng đau yếu nằm một chỗ, không biết đi lúc nào, tôi thì chả có gì trong tay. Bao nhiêu chuyện lo lắng, muốn có một cuộc sống bớt buồn tủi lúc về già mà cũng chả biết đi đâu được nữa, đành nhờ đến sự giúp đỡ của xã hội vậy”, bà Quy bật khóc khi tôi hỏi đến những dự định sắp tới của đôi vợ chồng “chị Dậu” trên ốc đảo hoang vắng.
Hải Minh