Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cuộc sống hiện tại của thiếu tá mất vợ và hai con vụ cháy chung cư mini

(VTC News) -

Gần nửa năm sau đám cháy kinh hoàng, sức khoẻ thiếu tá Chương phục hồi tốt, xin gia đình cho lên đơn vị để gặp gỡ đồng nghiệp.

Sức khoẻ thiếu tá Nguyễn Văn Chương tiến triển tốt sau vụ cháy chung cư mini. (Video: Như Loan) 

Hồi sinh ngoạn mục sau đám cháy

Đứng nép mình bên cửa sổ buồng châm cứu, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bà Trần Thị Nhiên (mẹ của thiếu tá Nguyễn Văn Chương) không cầm nổi nước mắt vui mừng khi sức khoẻ của con trai ngày càng tiến triển tốt hơn.

Anh Chương 38 tuổi, công tác tại Lữ đoàn 21, Bộ Tư lệnh Biên phòng - người bị thương nặng nhất vụ cháy chung cư mini ngõ 29 Khương Hạ, Thanh Xuân hồi tháng 9 năm ngoái. Vụ cháy cướp đi người vợ và 2 con kháu khỉnh của anh.

Sau gần hai tháng cấp cứu, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, anh được bố mẹ đón về Sóc Sơn, Hà Nội để tiện chăm sóc.

Thời điểm mới từ bệnh viện về nhà, anh Chương lúc nhớ, lúc quên, sinh hoạt cá nhân luôn cần người hỗ trợ. Mắt anh bị mờ, thị lực chỉ còn 2/10, gần như không nhìn thấy gì. Bà Nhiên đưa con đi khắp các bệnh viện kiểm tra, điều trị hậu chấn thương nhưng đều không cải thiện.

Bà Nhiên luôn theo sát, chăm sóc anh Chương từng chút. (Ảnh: Như Loan)

Ngoài thuốc theo đơn điều trị của bác sĩ, gia đình cũng cho anh đi châm cứu, bấm huyệt. Đầu năm 2024, gia đình đăng ký cho anh Chương làm vật lý trị liệu tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, liệu trình 5 buổi/tuần để cải thiện chức năng thần kinh và vận động.

Nhà xa viện, hằng ngày, ông Nguyễn Văn Chức (bố của anh Chương) chở vợ và con ra điểm đón xe bus vào nội thành chữa bệnh.

“Trung bình, mỗi ngày gia đình chi gần 700.000 đồng mua thuốc, châm cứu. Hai ngày nữa là tròn một tháng Chương đi châm cứu tại bệnh viện, sức khoẻ Chương tốt lên từng ngày, viết chữ thẳng hàng, rõ nét, dùng được ti vi, điện thoại và nhớ hết tên, năm sinh của anh em trong đơn vị”, bà Nhiên nói.

Trước Tết, ông Chức cùng vợ hoàn thiện nốt phần sân trước cửa nhà, anh Chương cũng xung phong xách vữa, phụ bố mẹ xây dựng. Mỗi ngày, anh đều đặn tập thể dục, kéo xà đơn chừng 20 cái/lần. Thị lực cũng dần cải thiện, đạt 4/10, chữ viết rõ ràng hơn, các cuộc nói chuyện bình thường trở lại.

Hằng ngày anh Chương vận động nhẹ nhàng, giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, sân vườn. 

Anh cũng cùng bố tập đạp xe mỗi ngày. Thời gian đầu, anh hay chóng mặt, chỉ đạp vài vòng ngắn là phải nghỉ, giờ đã tự đạp được vài cây số, không còn sợ lao vào ổ gà như hồi đầu mới tập.

Những hôm hai bố con đi đạp xe, anh thủ thỉ “con khoẻ rồi, xin bố cho con lên đơn vị, đỡ nhớ anh em”. Ông Chức lại động viên con chịu khó nghỉ ngơi, tập phục hồi thêm thời gian chờ khoẻ hẳn mới quay trở lại đơn vị.

Nhìn con chập chững tập sinh hoạt lại từ đầu, ông Chức cảm xúc đan xen nhớ lại đêm định mệnh 12/9/2023, ông nhận được cuộc gọi của con trai thông báo nhà cháy và sau đó bị mất liên lạc hoàn toàn. Nhen nhóm chút niềm hy vọng con trai vẫn còn cơ hội sống sót, tức tốc trong đêm ông cùng con trai lớn đi từ Sóc Sơn đến quận Thanh Xuân.

Cảnh tượng lúc đó kinh hoàng, lửa thiêu rụi toàn bộ chung cư. Xe cứu thương hú còi liên tục. Lực lượng cứu thương chạy đua với thời gian để đưa từng nạn nhân ra ngoài. Mọi thứ hỗn loạn, ông không biết gia đình con trai mình đã được đưa ra ngoài hay chưa.

"Gần sáng tôi chạy vào Bệnh viện Bạch Mai, đi khắp nơi từ Trung tâm Cấp cứu, Chống độc, cho đến Hồi sức cấp cứu, Nhi khoa đều không tìm thấy. Trong lúc tuyệt vọng, thì trưa 13/9, tôi tìm được con trai tại A9 trong trạng thái bất động”, ông Chức vẫn ám ảnh khoảnh khắc kinh hoàng 6 tháng trước.

55 ngày giành giật sự sống

Thiếu tá Nguyễn Văn Chương có vẻ ngoài trẻ hơn so với tuổi 38, ít nói, đôi mắt ẩn chứa nhiều tâm tư sau hành trình dài thập tử nhất sinh.

Đám cháy chung cư mini đêm hôm ấy đã cướp đi gia đình nhỏ, còn anh được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tổn thương nặng, phổi và toàn bộ đường hô hấp đen kịt bồ hóng, thiếu oxy gây tổn thương não, gan, thận đều suy nặng.

Các bác sĩ tích cực rửa phổi, đến ngày thứ 6, dịch phổi hút ra vẫn có màu đen kịt. Anh được dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn hô hấp, cùng các thuốc điều trị tăng trương lực cơ.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ngay từ thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ xác định đây là trường hợp rất nặng, có thể tử vong. Chỉ số sinh tồn của người bệnh chỉ được 4-5 điểm, trong khi 8-9 điểm mới có thể cấp cứu.

Bệnh nhân bị tổn thương não do ngạt khói, ngộ độc khí CO và thiếu oxy, thường xuyên xuất hiện những cơn gồng cứng, rối loạn ý thức, cần phối hợp nhiều thuốc kiểm soát co giật, gồng cứng cơ và thuốc an thần.

Anh Chương trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. 

Trong 55 ngày anh nằm viện, các chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn tổng cộng 27 cuộc nhằm đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh. Cuối cùng, phép màu cũng đến, anh tỉnh dần, gọi làm theo lệnh, các cơn gồng cứng giảm nhiều, tình trạng viêm phổi cải thiện và cai máy thở.

Lúc tỉnh lại trên giường bệnh, anh Chương nhận ra bố, mẹ, anh trai và các đồng đội của mình. Thủ trưởng đơn vị hỏi thăm, anh vẫn giơ tay chào hỏi theo nghi thức quân đội nhưng chưa nói được câu dài tròn vành, rõ chữ, ánh mắt mờ nhìn xa xa vô hồn, chưa nhớ được hết mọi người.

Ngày 6/11/2023, anh xuất viện. PGS TS Đào Xuân Cơ đánh giá "đây là ca phục hồi ngoạn mục". Tuy nhiên do bị tổn thương thần kinh nặng, người bệnh cần tiếp tục được phục hồi chức năng, chăm sóc toàn diện cả về dinh dưỡng và vận động.

Hơn 5 tháng đồng hành, bà Nhiên chứng kiến sự hồi sinh của con từng ngày. Với bà, giai đoạn khó khăn nhất là giữ lại mạng sống nhờ các bác sĩ nỗ lực cứu giúp. Anh cũng được sự bao bọc, quan tâm của anh em, bạn bè cũng nhiều đoàn thể xã hội. Gia đình bà xúc động và cảm tạ những ân tình đó. Giờ đây mong mỏi lớn nhất của gia đình là anh Chương hồi phục hoàn toàn được sức khỏe.

NHƯ LOAN

Tin mới