Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc sống của người dân ở khu chung cư cũ nát, cần di dời khẩn cấp tại TP.HCM

(VTC News) -

Người dân sống trong khu chung cư cần di dời khẩn cấp 440 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM mong chính quyền có hướng giải quyết phù hợp để họ sớm có nơi ở mới.

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5, TP.HCM).

Toạ lạc trên con đường đắt đỏ, khu chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5, TP.HCM) đang trong tình trạng cảnh báo có thể sập bất cứ lúc nào, tuy nhiên 32 hộ dân ở đây vẫn bất chấp nguy hiểm để bám trụ lại. 

Có mặt tại chung cư 440 Trần Hưng Đạo, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là sự tồi tàn với những mảng tường bong tróc, lộ lõi thép. Ngoài trời mưa lớn, sự ẩm mốc, vẻ tồi tàn của khu chung cư càng thể hiện rõ. Lối lên là cầu thang bộ nhỏ hẹp, hành lang tầng trệt khá chật chội do người dân tận dụng khoảng trống để buôn bán và xếp đồ dùng sinh hoạt.

Hiện trạng cũ kỹ của chung cư 440 Trần Hưng Đạo.

Thấy chúng tôi, bà Nguyễn Trân (55 tuổi) - đang dắt xe vào nhà nói: "Thế nào chú cũng hỏi vì sao chúng tôi liều đến vậy đúng không?". 

Không đợi chúng tôi trả lời, bà Trân tiếp lời: “Vữa từ trần rơi xuống là chuyện thường ngày. Hỏi sợ thì chắc chắn là sợ rồi nhưng sợ vẫn phải ở chứ biết đi đâu”.

Vội vàng lấy thau, chậu ra hứng nước mưa, bà Trân tranh thủ lau lại lối đi. Hễ cứ trời mưa lớn, căn nhà của bà lại thấm dột, những mảng tường, thạch cao trên trần nhà cũng theo đó mà bị bong tróc. 

Bà Trân là một trong số 32 hộ dân đang sinh sống tại khu chung cư này. Dọn dẹp xong xuôi, bà trầm ngâm ngồi tựa cửa, hướng mắt nhìn ra phía ban công, phía dưới chân bà là con đường đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn - đường Trần Hưng Đạo. Bà kể rằng, nhiều năm nay phải sống trong lo sợ vì chung cư trong tình trạng cảnh báo sập.

Trời mưa càng khiến khu chung cư cũ này nhếch nhác, thấm dột.

Khu chung cư ngày một xuống cấp trầm trọng. Chúng có thể đổ sập bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm cho tính mạng của người dân. Ở đây ai nấy đều lo sợ”, bà Trân nói. 

Bà Trân cho biết thêm, gia đình bà dọn về khu chung cư 440 Trần Hưng Đạo từ năm 1980, khi đó mọi thứ còn rất khang trang, nơi đây đã từng là công trình đáng mơ ước của nhiều người. Chưa bao giờ bà Trân nghĩ rằng, mình lại sống phải sống trong những tháng ngày lo âu như hiện tại. 

Vào tháng 6/2017, UBND quận 5 ban hành kế hoạch di dời dân, tháo dỡ chung cư. Khi nghe được tin, nhiều hộ dân ở đây đã vui mừng vì nghĩ rằng sẽ được chuyển nơi ở mới sau bao nhiêu năm trời sống trong nỗi sợ hãi. 

Bà Trân mong ước về nơi ở mới.

Thế nhưng, niềm vui không trọn vẹn vì theo thông báo của chính quyền địa phương, họ phải chuyển về ở tạm tại chung cư An Phú (quận 6), cho đến khi có nơi tái định cư chính thức. Vì vậy, gia đình bà Trân cùng nhiều hộ dân khác quyết định ở lại sống trong những căn hộ với diện tích vỏn vẹn 16m2. 

“Tôi cũng muốn được đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, nhưng chuyển qua chung cư An Phú thì chỉ là nơi ở tạm thôi. Nếu chính quyền không bố trí tái định cư mà chỉ là phương án tạm thời thì chúng tôi sẽ không đồng thuận. Chúng tôi thật sự muốn có một nơi an cư đúng nghĩa”, bà Trân chia sẻ.

Dây điện ngổn ngang, ẩm mốc, lớp sơn, vôi đã bong tróc để lộ sắt thép trong khu chung cư.

Hàng xóm của bà Trân là chị Hương (42 tuổi) cũng chung một nỗi niềm... Làm nghề may gia công tại nhà, đối mặt với những lo sợ khi ở trong khu nhà... chờ sập, lúc nào chị cũng cảm thấy bất an.

Theo chị Hương, sự xuống cấp nghiêm trọng của khu chung cư kéo theo hệ thống điện nước cũng đáng báo động. Hệ thống điện cũ nát, nhiều khu vực chằng chịt, bám đầy mạng nhện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, ống dẫn nước cũng thường xuyên bị tắc khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều bất tiện.

Chỉ tay lên mảng trần nhà bong tróc nhếch nhác, chị Hương kể: “Cách đây một tháng, tận mắt chứng kiến những mảng trần bong tróc, rơi vỡ xuống nhà khiến tôi rất hoảng sợ. May lúc đấy tôi thoát thân ra khỏi nhà và không bị thương, giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy rùng mình”.

 

Trong căn hộ nhỏ chứa đầy đồ đạc, việc chứa thêm 2 chiếc máy may khiến không gian nhà chị Hương càng chật hẹp hơn.

Sống trong căn nhà không an toàn như thế này tôi sợ lắm. Con người mà, ai mà chẳng sợ chết, sợ nguy hiểm nhưng giờ tôi cũng bất khả kháng không biết làm gì. An cư thì mới lạc nghiệp được, sống trong ngôi nhà như thế này thì bao giờ cuộc sống chúng tôi mới ổn định”, chị Hương chia sẻ.

Ông Hoàng Phúc (48 tuổi) - chủ tiệm sửa xe máy ở tầng trệt chung cư ủng hộ việc chuyển đi nơi khác sinh sống bởi khu này đã quá cũ kĩ. Tuy nhiên, ông vẫn do dự chưa muốn chuyển đi vì ở đây thuận tiện cho công việc kinh doanh của mình. 

Ông Hoàng Phúc mong chính quyền địa phương tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để có giải pháp đúng đắn, kịp thời.

Ông Phúc chia sẻ, với chỗ ở hiện tại nếu cho thuê mặt bằng, mỗi tháng sẽ có nguồn thu tầm 10 triệu đồng. Cách đây vài tháng, ông cũng chủ động tìm mối cho thuê lại mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa có ai thuê.

Có lẽ người thuê không an tâm vì khu chung cư này đang thuộc diện di dời khẩn cấp”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, khi xem xét bố trí tái định cư, cơ quan chức năng cần phải tính toán đến việc bảo đảm sinh kế cho người dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để có giải pháp đúng đắn, kịp thời.

Ông Phúc cho hay, đã có nhiều cuộc họp bàn cách di dời những hộ dân sống nơi này, nhưng chính quyền không đưa ra được con số đền bù bao nhiêu cho ông cũng như tất cả những hộ dân còn lại được biết.

"Chúng tôi vẫn mập mờ thông tin về khoản đền bù, chúng tôi sẽ nhận được bao nhiêu khi chúng tôi rời đi, vẫn biết là nguy hiểm nhưng nếu rời đi mà không biết mình sẽ được những gì, ai dám", ông Phúc nói. 

Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, mặc dù nhìn kết cấu bên ngoài chung cư có cảm giác chắc chắn, hiện trạng bên trong và tổng thể đang nguy hiểm, khả năng sụt lún rất cao.

Ông Phúc mong muốn chính quyền chi tiền để gia đình tự thuê nơi khác và tính đơn giá bồi thường các căn hộ một cách thỏa đáng.

Cũng như ông Phúc, bà Trân, chị Hương, cuộc sống của những người còn cố bám trụ lại khu chung cư 440 Trần Hưng Đạo vẫn cứ tiếp diễn trong thấp thỏm âu lo và tạm bợ. Họ trông chờ cơ quan chức năng tìm ra phương án tái định cư phù hợp, di dời sớm và bố trí tái định cư thoả đáng để sớm ổn định cuộc sống.

Hoàng Thọ - Mộc Trà

Tin mới