Năm 2017, Na Uy khởi động dự án mua xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) mới để thay thế những chiếc Leopard 2A4 đã qua sử dụng được mua từ Hà Lan vào đầu những năm 2000. Hai ứng cử viên cho MBT mới của quân đội Na Uy bao gồm Black Panther K2 của Hyundai Rotem (Hàn Quốc) và Leopard 2A7 của Krauss-Maffei Wegman (KMW) từ Đức.
Tại Na Uy đang diễn ra cuộc so tài của Leopard 2A7NO và Black Panther K2NO. (Ảnh: reddit.com)
Trong 4 tuần qua, xe tăng K2NO của Hàn Quốc và Leopard 2A7NO của Đức thực hiện các bài kiểm tra về khả năng cơ động và hỏa lực trong điều kiện mùa đông Na Uy.
Leopard 2A7NO
Trang Army Recognition đã đưa ra bản đánh giá ngắn về các tính năng kỹ thuật của cả hai ứng viên. Leopard 2A7 là phiên bản cải tiến mới dòng MBT Leopard 2. Đây là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực phổ biến nhất và được sử dụng với nhiều biến thể khác nhau tại 18 quốc gia trên toàn thế giới bao gồm Áo, Canada, Chile, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Indonesia, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Leopard 2 đã được quân đội Đức sử dụng ở Kosovo, triển khai cho các hoạt động chiến đấu ở Afghanistan với sự đóng góp cho Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của Hà Lan, Đan Mạch và Canada, cũng như tham gia thực chiến ở Syria cùng với Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Leopard 2A7 có kíp xe 4 thành viên, gồm lái xe, chỉ huy, pháo thủ và nạp đạn. Xe được trang bị lớp giáp bảo vệ mô-đun cải tiến sử dụng vật liệu gốm sứ nano mới và hợp kim thép và titan hiện đại.
Nhờ lớp giáp mô-đun của nó, trong trường hợp mô-đun bị hư hỏng, một phần của vỏ giáp có thể được thay thế trong điều kiện thực địa. Sàn của xe tăng cũng được củng cố để chịu được sức công phá của bom mìn và các thiết bị nổ tự chế. Thân xe và tháp pháo cung cấp khả năng bảo vệ 360° cho kíp xe khỏi tên lửa chống tăng, mìn, thiết bị nổ tựu chế và súng phóng lựu...
Chiếc Leopard 2A7NO. (Ảnh: armyrecognition.com)
Leopard 2A7 có chiều dài khoảng 10,97 m, rộng 3,8 m, cao 3,64 m và trọng lượng chiến đấu khoảng 64.500 kg. Vũ khí trang bị chính của Leopard 2A7 bao gồm một pháo nòng trơn L55A1 có thể bắn đạn năng lượng động năng và loại đạn đa dụng sử dụng chất nổ mạnh mới nhất; có số đạn 42 viên. 2A7 được trang bị động cơ diesel tăng áp kép V12 MTU MB 873 Ka-501, công suất 1.479 mã lực khi chạy 2.600 vòng/phút, hộp số Renk HSWL 354 với 4 số tiến và 2 số lùi. Xe tăng có thể đạt tốc độ tối đa 72 km/h và dự trữ hành trình 450 km.
Black Panther K2NO
K2NO rất khác so với 2A7NO. Trên thực tế, K2NO chỉ có chiều cao 2,4 m so với 3,64 m của Leopard 2A7NO nhưng có cùng chiều dài. K2NO có kíp xe 3 thành viên gồm lái xe, chỉ huy và pháo thủ. Nhờ sử dụng hệ thống nạp đạn tự động với 16 cơ số đạn sẵn sàng bắn giúp nó có thể bắn tới 10 phát/phút; pháo chính có cơ số đạn là 40 viên. Kíp xe 4 thành viên được đào tạo bài bản có thể bắn nhanh như xe tăng được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, nhưng người thứ 4 rất quan trọng đối với việc bảo trì và hỗ trợ xe tăng.
K2NO cung cấp khả năng bảo vệ ở phía trước trước các loạt đạn 120 mm của xe tăng. Nó sử dụng cả giáp composite mô-đun và các khối giáp phản ứng nổ (ERA) được gắn bên hông tháp pháo, được tích hợp Hệ thống bảo vệ chủ động (APS) Trophy. Trophy vô hiệu hóa tất cả các mối đe dọa chống tăng thông qua bốn giai đoạn tham gia: phát hiện mối đe dọa, theo dõi mối đe dọa, kích hoạt biện pháp đối phó và hóa giải mối đe dọa. Chỉ những mối đe dọa gây nguy hiểm cho xe mới được vô hiệu hóa, do đó bảo tồn đạn dược và giảm thiểu nguy cơ thiệt hại.
Vũ khí chính của K2NO là pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm chiều dài bằng 55 lần cỡ nòng của Đức sản xuất theo giấy phép tại Hàn Quốc. Bộ nạp đạn tự động có thể nạp đạn ngay cả khi xe di chuyển trên bề mặt không bằng phẳng. K2NO có trọng lượng chỉ 55.000 kg, nhẹ hơn Leopard 2A7 khoảng 10.000 kg. Xe được trang bị động cơ diesel MTU 883 được cấp phép sản xuất của Đức và hệ thống truyền động Renk. K2 có vận tốc tối đa 70 km/h trên đường đất, duy trì tốc độ 48 km/h trong điều kiện địa hình, có thể tăng tốc từ 0 lên 32 km/h trong vòng 7 giây.
Chiếc Black Panther K2NO. (Ảnh: armyrecognition.com)
Black Panther trang bị một hệ thống treo tiên tiến, được gọi là Hệ thống treo trong cánh tay (ISU), cho phép tăng góc mà nòng pháo của xe tăng có thể nâng lên và hạ xuống. K2 có thể nâng pháo chính lên tới 24 độ để tấn công theo quỹ đạo cong mục tiêu trực thăng bay lơ lửng cách đó 5 km. K2 có khả năng vượt sông sâu 4 m, được trang bị chức năng kiểm soát tư thế có thể nghiêng khung gầm hoặc hạ thấp chiều cao tổng thể 40 cm và triển khai hệ thống cảnh báo laser để hướng tháp pháo về phía hỏa lực đối phương gần như ngay lập tức.
K2 giúp kíp lái cải thiện nhận thức tình huống nhờ liên kết C4I, định vị toàn cầu (GPS), hệ thống nhận dạng bạn-thù/tính năng nhận dạng chọn lọc (IFF/SIF) tương thích với STANAG 4579. Hệ thống quản lý chiến đấu cho phép phương tiện chia sẻ dữ liệu của mình với các đơn vị bạn, bao gồm các phương tiện bọc thép và trực thăng khác. Công việc cũng đang được tiến hành để tích hợp phương tiện tự hành, máy bay do thám không người lái vào các hệ thống của Black Panther, giúp kíp xe có được thông tin trinh sát mà không để lộ vị trí của nó. K2 có giá hơn 8,5 triệu USD/chiếc, là một trong những MBT đắt nhất.
Vượt qua Leclerc và Leopard 2, K2 đã có khách hàng nước ngoài đầu tiên là Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 6/2007, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán thành công một hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 540 triệu USD cấp phép thiết kế xe tăng K2, cũng như xuất khẩu 40 (+15) xe huấn luyện KT-1 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 29/7/2008, Hyundai Rotem và Otokar của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng trị giá 400 triệu USD về chuyển giao công nghệ và hỗ trợ thiết kế. Công nghệ này sẽ được tích hợp cho MBT bản địa trong tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ, được đặt tên là MİTÜP Altay. Tháng 1/2020, Ba Lan đã thông báo đàm phán với Hyundai về việc cấp phép sản xuất K2 Black Panther cho quân đội Ba Lan.
Cuộc đua gay cấn của hai kỳ phùng địch thủ “kẻ tám lạng người nữa cân” K2NO và 2A7NO để trở thành MBT của Na Uy sẽ sớm ngã ngũ.